29/07/2017 10:49 GMT+7

​Hơn 30% người nhiễm HIV chưa được tiếp cận BHYT

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm

Tính đến tháng 6-2017, số người nhiễm HIV được rà soát tại các cơ sở điều trị HIV khoảng 108.000 người, trong đó mới chỉ có 71.280 người có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm 66%).

Do nhiều nguyên nhân, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) của người nhiễm HIV vẫn chưa cao…

Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, hoạt động phòng chống HIV, lao và sốt rét hiện nay chủ yếu do Nhà nước thực hiện và kinh phí từ các nguồn tài trợ nước ngoài. Trong bối cảnh các nguồn viện trợ đang bị cắt giảm dần, mặc dù ngân sách quốc gia được mong đợi bao phủ ít nhất 50% phần ngân sách sụt giảm, nhưng Chính phủ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc lấp đầy khoảng trống cho hoạt động này.

Mặc dù đã có nhiều chính sách, song việc tiếp cận BHYT đối với người nhiễm HIV vẫn còn nhiều rào cản (như không có giấy tờ tùy thân; tâm lý sợ bị lộ danh tính, sợ bị kỳ thị nếu phải cung cấp thông tin tên tuổi thật; cán bộ chuyên trách, cán bộ BHYT còn thiếu kiến thức về bệnh nhân nhiễm HIV nên vẫn còn thái độ ứng xử chưa phù hợp; không có nhân viên cộng đồng hỗ trợ tư vấn tại các cơ sở điều trị…).

Liên quan tới vấn đề này, ông Toàn thừa nhận, tuy đã có cơ chế đặc thù nhưng việc tiếp cận thẻ BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDDS gặp không ít khó khăn. Dù cơ quan BHXH cũng như Bộ Y tế đã có nhiều “cơ chế mở” nhưng phía cơ sở, đại lý vẫn gây khó dễ cho người nhiễm HIV/AIDS mua thẻ BHYT khi không có giấy tờ tùy thân.

Đặc biệt, dù đã có cơ chế đặc thù mua thẻ BHYT, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, quyền lợi, mức hưởng BHYT (Thông tư 15/2015/TT-BYT) và cơ chế mua sắm thuốc ARV (Quyết định 2188/QĐ-TTg) nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 230.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Từ trước tới nay, chi phí điều trị kháng virus và các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV đều từ tài trợ quốc tế.

Từ năm 2017, các nhà tài trợ sẽ giảm và sau năm 2018 thì gần như sẽ ngừng tài trợ cho điều trị và dự phòng HIV ở Việt Nam. Chính vì vậy để đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS, việc sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị kháng virus (ARV) là việc rất cần thiết.

Tuy nhiên, nếu người nhiễm HIV không có thẻ BHYT thì chi phí điều trị sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ.

Làm thế nào để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận với dịch vụ BHYT là vấn đề của ngành y tế và bảo hiểm, cũng như xã hội đang đặc biệt quan tâm. Từ những khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần truyền thông, phổ cập kiến thức về BHYT một cách rộng rãi, giúp người có HIV có thể tiếp cận điều trị thông qua BHYT, bảo đảm cho 100% người có HIV được điều trị thông qua BHYT.

Ngoài ra, giáo dục kiến thức về dự phòng các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên y tế cũng vô cùng quan trọng, nhằm giảm kỳ thị: bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là khi phụ trách về HIV, cần thân thiện hơn với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, cần có các quy định... “mở” giúp người nhiễm HIV/AIDS dễ dàng mua thẻ BHYT.

Các nhóm đồng đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền thông về lợi ích và sự cần thiết của BHYT cho người có HIV; tìm kiếm, khuyến khích và hỗ trợ người có HIV điều trị HIV thông qua BHYT.

Để làm được điều đó, cần kết hợp với các cơ sở điều trị để tư vấn, hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người nhiễm HIV và liên tục cập nhật những thông tin về luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về BHYT cho nhóm khách hàng là người nhiễm HIV.

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: người nhiễm HIV BHYT