17/08/2016 10:33 GMT+7

​Hội An tìm giải pháp trùng tu chùa Cầu

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Với hơn 400 năm tồn tại, bên cạnh yếu tố thời gian, thì sự tác động của con người, của môi trường, cùng thiên tai bão lũ… đã khiến cho chùa Cầu ở Hội An xuống cấp nghiêm trọng.

Ngày 16-8 tại Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế “Trùng tu chùa Cầu - quan điểm và giải pháp" với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản. 

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, với hơn 400 năm tồn tại, bên cạnh yếu tố thời gian, thì sự tác động của con người, của môi trường, cùng thiên tai bão lũ… được xem là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của chùa Cầu. 

Hiện nay, trung bình mỗi ngày chùa Cầu đón khoảng 4.000 lượt khách. Phía dưới cầu là sự biến chuyển của dòng chảy và môi trường ẩm ướt của sông nước. Những tác động này đang làm cho các mố, trụ cầu bị nứt; nhiều cột, vì kèo có dấu hiệu hư hỏng, mục rỗng.

Hơn nữa, chùa Cầu nằm ngay ở vùng rốn lũ của Hội An, vị trí này có dòng nước chảy rất mạnh, nên mỗi khi có lũ lụt càng tạo thêm nguy cơ mất an toàn cho di tích. 

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, việc bảo quản, sửa chữa di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau: giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành của công trình; công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt; bảo đảm tính xác thực của di tích, không làm sai lệch nội dung vốn có của di tích lịch sử; hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là sử dụng vật liệu, chất liệu mới. 

Việc trùng tu cần phải theo quan điểm đồng bộ, toàn diện. Nên tháo dỡ toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hại nặng rồi phục dựng. Không nên kéo dài dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến cho di tích dần biến dạng. Trước khi tu sửa phải làm cầu thay thế để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ông Toshio Shimada, nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản khẳng định: Nhật Bản cam kết sẽ phối hợp và hỗ trợ tối đa để Việt Nam sớm thực hiện công tác trùng tu di tích mà người Nhật đã góp công xây dựng. 

Trước mắt, phía Nhật sẽ trình bày những kỹ thuật và ý tưởng được sử dụng tại Nhật để Việt Nam xem xét áp dụng. Ngoài ra, các kỹ sư Nhật sẽ đưa ra quan điểm để Việt Nam tham khảo.

Với nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc trùng tu di tích chùa Cầu sẽ sớm được địa phương triển khai, tránh nguy cơ xuống cấp trầm trọng công trình văn hóa độc đáo, ý nghĩa này.

Chùa Cầu hay còn gọi là cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều, do người Nhật xây dựng vào thế kỷ XVII, được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới. Chùa Cầu trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến Hội An. 

Đây vừa là công trình giao thông, vừa là công trình tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa, là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: chùa Cầu trùng tu