Học viết ở xứ sở sương mù

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI 14/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - “Nào, nâng ly, nâng ly”, đang đứng cạnh tôi, anh chàng Joe Lavelle vươn tay đập thình thình xuống bàn. Tôi và những người bạn tứ xứ tỏa thành vòng tròn, nâng những chiếc ly thủy tinh nhỏ lên cao.

Phóng to

Phóng to
Gwen Denwiddie (trái) và Emily Uecker

Sau khi cùng hét vang “một, hai, ba”, tất cả cúi xuống, quệt lưỡi qua vệt muối dài đã được rắc sẵn ở cánh tay mình.

Ngẩng đầu lên để trút cạn ly rượu tequila vào miệng, tôi chợt thấy bầu trời đêm xanh thẳm như đại dương lơ lửng trên đầu, và những vì sao bồng bềnh như những con thuyền ánh sáng. Những con thuyền ấy nổ tung khi ngụm tequila của xứ sở Mexico mang lửa tràn qua lưỡi tôi, đốt cháy cổ họng. “Chanh, ăn chanh nhanh lên”, Joe Lavelle hét toáng lên. Ai đó dúi vào tay tôi một múi chanh tươi, trước khi cả bọn bập răng vào vị chua xé lưỡi đang bừng lên những đợt pháo hoa xúc cảm.

Có lẽ tôi đang ở Nam Mỹ. Có lẽ tôi đang cùng uống với một nhóm bạn “tay chơi”.

Nhưng không, tôi đang ở trong khuôn viên Trường đại học Lancaster, Vương quốc Anh, cùng với những cây bút thơ và văn xuôi từ Mỹ, Nam Phi, Bỉ, Hi Lạp, Anh và Ireland. Chúng tôi hội tụ về đây để tham dự chương trình viết văn mùa hè, một phần của khóa học thạc sĩ viết văn.

Chúng tôi, những người đã giúp mài dũa tác phẩm văn học của nhau qua “thế giới ảo” gần một năm nay, có biết bao câu chuyện cần phải nói. Có biết bao hoài bão và trăn trở cần được sẻ chia.

Con đường gập ghềnh

Để được ngồi ở Lancaster tối hôm nay, mỗi người trong số chúng tôi phải vượt qua thật nhiều thử thách.

Là một trong những chương trình viết văn uy tín và lâu đời nhất ở Vương quốc Anh, mỗi năm khóa học thạc sĩ viết văn từ xa của ĐH Lancaster nhận được rất nhiều đơn xin theo học, nhưng chỉ 20 cây bút trên khắp thế giới được ghi danh, dựa vào chất lượng bản thảo tiếng Anh mà người xin nhập học phải nộp. Vì thế hầu hết những người tham gia chương trình đã có tác phẩm được xuất bản, một số người đã giành được các giải thưởng văn chương.

Nhưng con đường văn chương thật hiếm ánh hào quang, gặp các bạn văn ở đây, tôi nhận ra rõ ràng điều đó. Văn chương là một con đường gian khổ, chông chênh và đầy dẫy khó khăn. Ở quốc gia nào cũng vậy, rất ít nhà văn, nhà thơ sống được bằng ngòi bút của mình, số còn lại phải làm những công việc khác để “nuôi” nghề viết.

Cũng chính vì thế, vừa viết văn, các bạn học của tôi vừa làm đủ ngành nghề khác nhau: Emily Uecker làm ở nhà xuất bản của Trường ĐH Oxford, Eamon Murphy làm giám đốc một công ty nghiên cứu thực phẩm, Melissa Hislop làm bồi bàn, Gwen Denwiddie kinh doanh, Phillippa De Villiers là nghệ sĩ trình diễn, Mary Chism dạy tiếng Anh, Joe Lavelle công tác ở một tổ chức xã hội, Justine Andrews là nhân viên hành chính, Tom Joyce thu ngân ở siêu thị và Stephen Kennedy làm việc cho một tổ chức phi chính phủ.

“Một số người bạn không hiểu tại sao tôi chọn con đường viết lách,” Penny Ouvry vừa cười vừa nói với tôi. Là một người làm thơ, chị phải đối diện với một thực tại phũ phàng: ở Anh nơi chị đang sống, rất hiếm khi một nhà xuất bản đầu tư in ấn cho thơ. Mới hôm qua, trong buổi nói chuyện của đại diện văn học Sam Copeland, Penny đã đẩy ghế đứng dậy rời khán phòng khi Sam Copeland cho biết ông không đại diện cho các tác giả thơ, “vì thơ rất khó xuất bản”.

Nhưng chính sự thẳng thắn của Sam Copeland giúp cho chúng tôi nhận ra rằng: mỗi người viết phải nỗ lực hết mình để tác phẩm đến được với bạn đọc. Làm việc cho đại lý văn học Rogers, Coleridge and White tại London, mỗi tuần ông Copeland nhận được hàng trăm bản thảo nhưng may ra chỉ chọn được một tác phẩm. Sau khi ký hợp đồng đại diện văn học, ông phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để giúp tác giả hiệu đính tác phẩm.

Và dù ông là một người đại diện văn học thành công, chỉ khoảng 60% tác phẩm mà ông chọn và đầu tư thời gian cho công việc hiệu đính bán được bản quyền cho các nhà xuất bản. 40% còn lại thì sao? Hầu hết vĩnh viễn không xuất bản được.

Phóng to
Giáo sư Graham Mort

Phóng to
Nhà văn Sara Maitland

Vì những câu chuyện cần được kể

Tưởng rằng bài nói chuyện của Sam Copeland sẽ dập tắt sự đam mê, nhưng ngược lại, một ngọn lửa của lòng quyết tâm được thổi bùng lên. “Tôi phải tiếp tục viết. Viết vì cuộc sống này có bao nhiêu câu chuyện cần phải kể”, Phillippa De Villiers chia sẻ cùng tôi. Chị là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc của Nam Phi, tác giả của vở kịch trình diễn Original Skin nổi tiếng.

Lúc mới 9 tháng tuổi, Phillippa bị cha mẹ đẻ ruồng rẫy và được một gia đình da trắng nhận về nuôi. Là một người da màu lớn lên trong một gia đình da trắng, Phillippa luôn bị giằng xé về nguồn gốc của mình, ở một nơi mà chế độ phân biệt chủng tộc apartheid để lại những vết thương sâu hoắm.

Vì có quá nhiều câu chuyện cần được kể nên một số cây bút đã quyết định rất dũng cảm: hi sinh sự nghiệp của mình ở một lĩnh vực khác để theo đuổi văn chương. Anne O'Brien từng là chuyên gia tại Liên minh châu Âu (Bỉ), với mức lương cao ngất ngưởng.

“Tôi nghỉ việc để viết ba năm nay rồi, nhuận bút so với mức lương cũ bèo lắm, nhưng tôi thấy mình đang thật sự sống”, chị nói với tôi. “Viết văn cho tôi cơ hội được sống một cuộc đời khác, cuộc đời của các nhân vật, và cho tôi những giá trị tinh thần quý giá”, Laura Morgan tâm sự.

Ngồi bên cạnh Laura, Suzanne Conboy-Hill và Michelle Scowcroft gật gù. Thời gian qua, Suzanne cũng nghỉ công việc của tiến sĩ tâm lý học để viết, còn Michelle vừa dành tặng nhuận bút tiểu thuyết mới nhất Squashed Tomatoes and Stew cho hiệp hội giúp đỡ những người khiếm thị: con gái của Michelle đã từng bị bệnh thập tử nhất sinh và đã bị cướp mất ánh sáng của đôi mắt.

Là những người muốn theo đuổi nghề viết, chúng tôi thật sự may mắn khi được các thầy cô của ĐH Lancaster dìu dắt. Họ là những nhà văn, nhà thơ đương đại nổi tiếng của Anh: Graham Mort, Sara Maitland, Jane Draycott, Lee Horsley, Brian McCabe và Zoe Lambert. Cùng với các đồng nghiệp khác trong khoa viết văn, chỉ trong vài năm qua họ đã giúp sinh viên xuất bản được hơn 70 đầu sách, một số quyển đã nhận được các giải thưởng văn chương danh giá. Sự cởi mở, chân tình, tính hài hước đậm chất Anh của họ khiến không gian quanh họ luôn đầy ắp tiếng cười.

Tôi sẽ nhớ mãi những buổi tối được dành riêng cho những màn trình diễn tác phẩm được sáng tác và hoàn thiện sau những lớp thực hành. Nếu mỗi tác phẩm cá nhân đã đặc biệt thì buổi trình diễn thơ tập thể mới thật đáng nhớ: một nhóm bạn đã cùng sáng tác một bài thơ với các câu chữ trích ra từ… một tài liệu cơ khí. Bài thơ ấy đã được trình diễn với một nhịp điệu tập thể và trở thành một bản nhạc hip-pop độc đáo.

Đến ĐH Lancaster, tôi ao ước một ngày nào tất cả những cây bút Việt Nam có môi trường học tập lý tưởng thế này ngay trên đất nước mình: khuôn viên rộng 1,457km2 tràn ngập màu xanh của cỏ cây, những giảng đường hiện đại, thư viện gồm 900.000 đầu sách mở cửa mỗi ngày đến tận 10g đêm, những con đường nhỏ xinh bao quanh khuôn viên ký túc xá mà từ đó tôi có thể phóng tầm mắt xuống thung lũng nhấp nhô, nơi ấy có một loại hoa mà tôi không biết tên đang trổ vào lòng mùa hạ bạt ngàn một màu tím thơ ngây, thảng thốt.

Nguyễn Phan Quế Mai từng đoạt Giải thưởng thơ năm 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội và giải nhất cuộc thi thơ về Hà Nội (2008-2010). Tập thơ Bí mật của Hoa Sen, tác phẩm mới nhất bằng tiếng Anh của Nguyễn Phan Quế Mai, vừa được Nhà xuất bản Shabda (Mỹ) mua bản quyền và phát hành ở Mỹ và Canada từ tháng 12-2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận