24/10/2016 11:00 GMT+7

Học viên phá trại có sử dụng ma túy, ngáo đá

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Bên hành lang Quốc hội sáng 24-10, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, đã trao đổi với báo chí về vụ việc gần 600 học viên của Trung tâm cai nghiện Đồng Nai phá trại bỏ trốn.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung bên hành lang QH sáng 24-10 - Ảnh: Phú Nguyễn
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung bên hành lang QH sáng 24-10 - Ảnh: Phú Nguyễn

Vụ việc xảy ra đêm 23, rạng sáng 24-10. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết theo tin ông được báo cáo thì đến thời điểm sáng 24-10, đã bắt được hơn 300 học viên về trại.

Ngành lao động cùng các cơ quan liên quan cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, địa phương, đang tiếp xúc với các gia đình để tuyên truyền, vận động các học viên quay trở lại.

- Việc học viên trốn trại vẫn thi thoảng xảy ra ở một số địa phương, và thường nguyên nhân là do có bức xúc gì đó khiến một số học viên mang tính cầm đầu, phát động trốn trại. Vậy ở vụ việc lần này, nguyên nhân do đâu?

+ Vụ này chưa xác định được có người cầm đầu hay không nhưng cái chính ở đây là các học viên có sử dụng ma túy, ngáo đá. Chính quyền, công an, các lực lượng công an đưa các người nghiện vào trung tâm, với mục đích chính là nhân đạo, đưa vào để điều trị. 

Đúng ra sau thời gian này bắt đầu xem xét phân loại, học viên có gia đình thì sau rà soát, phân loại sẽ vận động cai tại cộng đồng. Còn ai không có gia đình, không địa chỉ cư trú sẽ đưa ra tòa để đi cai nghiện bắt buộc.

Ở các vụ việc trốn trại, nguyên nhân có thể đến từ cách hiểu khác nhau về cai nghiện bắt buộc, và cũng có thể do giải thích của cán bộ, nhân viên các trung tâm chưa đến nơi đến chốn nên gây ra tâm lý bức xúc.

Cũng có thể có nguyên nhân là khi vào các trung tâm cai nghiện, các học viên thường nảy sinh tâm lý mình phải ra tòa, và ra tòa thì bị xét xử, bị đưa đi cai nghiện bắt buộc từ 12 đến 24 tháng. Sau đó lại phải tiếp tục giai đoạn sau cai. Vì vậy các em nghĩ mình đã ra tòa sẽ là có tội nên tâm lý chung là rất sợ.

Sau các vụ việc học viên trung tâm cai nghiện trốn trại ở Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu…, Bộ LĐTB-XH đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương rút kinh nghiệm. Tuy nhiên việc tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn, gây tâm lý ức chế cho các học viên.

- Bộ đã có đánh giá vụ việc lần này ở Đồng Nai mức độ thiệt hại thế nào. Hướng chỉ đạo là gì?

+ Bây giờ, quan trọng là là kiểm soát được tình hình về an ninh trật tự để không xảy ra vấn đề lớn về thương tật thương tích.

Quan điểm của Bộ LĐTB-XH là lúc này chính quyền, lực lượng an ninh và các cơ quan chức năng địa phương cần tiếp tục công tác bảo vệ đảm bảo an toàn cho người dân và cho cơ sở đồng thời phối hợp thật chặt chẽ với cơ quan địa phương, cùng gia đình các học viên tuyên truyền, vận động các học viên quay trở lại.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các quy trình theo đúng quy định của pháp luật về vận động, giáo dục tuyên truyền và xử lý các học viên cai nghiện.

- Vậy với những vụ việc như ở Đồng Nai lần này, Bộ LĐTB-XH có định nhờ đến cơ quan công an vào cuộc, xử lý hay không?

+ Chúng tôi hiểu, khi vào các trung tâm cai nghiện, tâm lý chung là các học viên thường bức xúc một điều gì đó, dẫn đến hành động bột phát của các học viên. 

Có thể do trung tâm bị quá tải, có thể do cách tiếp xúc, quan hệ, đối xử của cán bộ, nhân viên trung tâm, nhưng bảo vì vật chất khó khăn mà các học viên tìm cách ra khỏi cơ sở cai nghiện thì không có.

Cơ sở cai nghiện này cũng như các cơ sở cai nghiện khác, chúng tôi đều đã kiểm tra xem xét, và phân loại từng khu vực. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho những học viên có gia đình sẽ được cai nghiện ở cộng đồng. Nhưng do các học viên sốt ruột, tuyên truyền giải thích của trung tâm chưa đến nơi đến chốn nên mới dẫn đến vụ việc như vậy.

Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta cần tuyên truyền, vận động các học viên sớm quay trở lại trung tâm.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên