15/12/2014 11:14 GMT+7

Học viện âm nhạc Huế: Nhiều bức xúc  bổ nhiệm cán bộ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Nhiều cán bộ học viện này  bức xúc về việc giám đốc bổ nhiệm nhiều người thân vào vị trí quan trọng của học viện...

Học viện Âm nhạc Huế - cơ sở đào tạo âm nhạc quy mô nhất của miền Trung - Ảnh: T.Lộc
Học viện Âm nhạc Huế - cơ sở đào tạo âm nhạc quy mô nhất của miền Trung - Ảnh: T.Lộc

Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch (VH-TT&DL) vừa hủy kết quả thi viên chức đối với hai người con gái của ông Nguyễn Việt Đức, giám đốc Học viện Âm nhạc Huế. Lý do: trong kỳ thi tuyển viên chức, chính vị giám đốc này làm chủ tịch hội đồng.

Nhiều cán bộ học viện này cũng bức xúc về việc giám đốc bổ nhiệm nhiều người thân vào vị trí quan trọng của học viện.

Lắm khuất tất

Tôi là một trong những giảng viên tâm huyết, có năng lực ở Học viện Âm nhạc Huế. Tôi luôn tự hào vì từng được đứng trong đội ngũ giảng viên của học viện. Tuy nhiên từ bốn năm trở lại đây, nơi này xảy ra nhiều điều tiêu cực và khuất tất, không minh bạch và tùy tiện trong việc bổ nhiệm cán bộ các phòng ban của lãnh đạo học viện. Từ đó, những giảng viên tâm huyết trở nên chán nản, không còn hi vọng với tình cảnh của học viện. Vì vậy tôi và một số đồng nghiệp đau đớn chọn cách ra đi, một số không ít anh chị em còn ở lại cũng phân vân giữa ở và đi.

Nghệ sĩ HUỲNH ĐĂNG TOẠI KỲ
 (nguyên giảng viên Học viện Âm nhạc Huế)

Kỳ thi tuyển viên chức được tổ chức vào tháng 4-2014. Khi công bố kết quả thi viên chức, cả hai con gái của ông Nguyễn Việt Đức là N.T.V.H. và N.T.V.T. đều trúng tuyển. Một số cán bộ của học viện đã phản ứng gay gắt, gửi đơn khiếu nại ra Bộ VH-TT&DL là đơn vị chủ quản học viện này.

Sau khi thanh tra của bộ kiểm tra, bộ đã hủy kết quả thi của hai người này và công bố danh sách trúng tuyển gồm 27 người (trong số 37 người được học viện đề nghị bộ công nhận trúng tuyển).

Có nhiều cán bộ trước đó được học viện công bố đủ điểm trúng tuyển nhưng không có trong danh sách này. Trong số những người bị loại có ba người gửi đơn khiếu nại gồm: N.T.L.Đ., L.T.H.L. và P.X.B..

Đơn khiếu nại cho rằng kỳ thi tuyển viên chức của học viện có nhiều khuất tất, khiến cho họ dù đạt kết quả tốt vẫn bị loại. Trong khi đó có những trường hợp không đúng đối tượng, không đủ điều kiện vẫn dự thi và trúng tuyển.

Tại cuộc họp giải quyết khiếu nại ngày 15-11, lãnh đạo học viện cho rằng do bộ phận thư ký hội đồng và cán bộ phòng tổ chức “sai sót trong quá trình thụ lý hồ sơ, xây dựng kế hoạch, soạn thảo văn bản”, dẫn đến các trường hợp sai sót.

Sự rối rắm này có liên quan từ hai bản kế hoạch thi tuyển viên chức của học viện với nội dung rất khác nhau.

Bản kế hoạch ngày 7-1-2014, chỉ gửi đến Bộ VH-TT&DL và Vụ Tổ chức cán bộ, ghi rõ chỉ tiêu tuyển viên chức cho từng vị trí việc làm kèm theo điều kiện: người dự thi phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy theo từng chuyên ngành cụ thể đối với từng vị trí làm việc, thậm chí có vị trí còn quy định bằng loại khá trở lên.

Trong khi đó bản kế hoạch ngày 17-3-2014 công bố công khai thì không ghi rõ chỉ tiêu từng vị trí việc làm, một số vị trí quy định không rõ ràng về điều kiện dự thi.

Một cán bộ của học viện cho rằng cuộc thi tuyển viên chức có quá nhiều vấn đề khuất tất, từ việc hai con dự thi và cha làm chủ tịch hội đồng cho đến việc người không đủ điều kiện (chỉ tốt nghiệp đại học tại chức) vẫn được dự thi, trong khi quy định ghi rõ phải tốt nghiệp đại học chính quy.

“Lẽ ra, Bộ VH-TT&DL phải hủy kết quả cả cuộc thi rồi tổ chức thi lại mới đúng” - cán bộ này nói.

Bổ nhiệm con em vào vị trí quan trọng

Nhiều câu hỏi được đặt ra khi giám đốc bổ nhiệm người thân vào những chức vụ quan trọng. Cô N.T.V.H., con gái đầu của ông Đức, tốt nghiệp ngành lý luận âm nhạc năm 2009, được giữ lại giảng dạy mới ba năm đã bổ nhiệm làm phó phòng quản lý sau đại học và nghiên cứu khoa học (năm 2012).

Cô N.T.V.T., con gái sau của ông Đức, tốt nghiệp ngành âm nhạc truyền thống năm 2010 được giữ lại giảng dạy, cũng vừa được bổ nhiệm làm phó khoa âm nhạc truyền thống trong năm 2014.

Ông N.V.A., em trai ông Đức, vốn học trung cấp, sau học đại học âm nhạc hệ tại chức, đang dạy nhạc ở trường tiểu học, được “mời” về học viện năm 2012.

Vài tháng sau khi “mời” về, ông N.V.A. được bổ nhiệm làm phó khoa tại chức, đến tháng 6-2014 thì bổ nhiệm phó phụ trách khoa này (không có trưởng khoa).

Ông N.V.A. quản lý hàng chục lớp tại chức, liên thông, với hàng trăm học viên tại 15 tỉnh thành trong cả nước, gây bức xúc cho nhiều cán bộ trong học viện.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Việt Đức dẫn ra nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thông tư số 15 và 16 của Bộ Nội vụ quy định về thi tuyển viên chức và cho rằng các quy định này không cấm chủ tịch hội đồng thi viên chức có con ruột dự thi.

Mặt khác, học viện lại không có phó giám đốc, mà Bộ VH-TT&DL không cử người vào nên ông phải làm chủ tịch.

Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận “lúc đó không bình tĩnh để nghĩ đến chuyện con thi mà cha lại làm chủ tịch hội đồng”.

Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng quy trình thi rất chặt chẽ, giám sát nghiêm ngặt nên nghĩ việc ông làm chủ tịch “cũng bình thường”. Ông nói “dù không phạm luật nhưng mà khuất tất”, nên ông chấp nhận việc bộ hủy kết quả thi của hai con gái.

Ông Đức cho rằng việc bổ nhiệm ông N.V.A. là hợp lý vì có 24 năm công tác, 18 năm tuổi Đảng, đang học thạc sĩ âm nhạc. “Cả đảng ủy đưa lên một đồng chí 18 năm tuổi Đảng mà không làm được phó khoa hay sao?” - ông Đức nói.

Đối với hai con gái, ông Đức cho biết đều có chức trách trong tổ chức Đảng của học viện, một người đang làm nghiên cứu sinh. Đảng ủy cũng có chủ trương chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số trong quy hoạch đội ngũ.

Việc bổ nhiệm cũng theo quy trình chặt chẽ: đảng ủy giới thiệu, đưa về cơ sở lấy phiếu tín nhiệm từ dưới lên, có người lấy ý kiến khoa, có người lấy ý kiến toàn trường, phải có phiếu tín nhiệm cao mới được bổ nhiệm.

“Quy trình rất chặt chẽ theo hướng dẫn của trung ương. Chẳng may rơi vào hai đứa con tôi. Tôi đề nghị đừng đưa vào nhưng đảng ủy bảo không có người nên phải đưa”.

Ông Đức nói tiếp: “Chẳng lẽ tôi làm giám đốc mà con cháu tôi phải tiêu diệt hết thì cách mạng ai kế thừa? Chỉ sợ nó bất tài thôi. Còn nó có chút tài năng, nên để cho nó đi theo con đường của mình thì cũng đúng!”. Tuy nhiên, ông Đức cũng cho biết hai người con gái ông vừa nghỉ chức vụ tại học viện.

Nhiều người giỏi phải ra đi

Trong khi phần lớn trong số 27 người trúng tuyển viên chức đều vừa mới hợp đồng làm việc tại học viện một vài năm, có người chỉ mới hơn ba tháng thì hàng loạt cán bộ chủ chốt, giảng dạy lâu năm và có nhiều cống hiến cho học viện đã bị “rớt” trong kỳ thi viên chức.

Họ được ví là “bộ mặt chuyên môn” của học viện.

Đó là các nhạc sĩ Đăng Dương, Thùy Trang, Văn Vui (phó giám đốc Dàn nhạc dân tộc tổng hợp), là các nhạc sĩ chính trong ban nhạc Sông Hương từng đồng hành với nhiều chương trình biểu diễn lớn.

Nhạc sĩ Trầm Tích, nhạc sĩ Nguyễn Đình Hưng (phó khoa âm nhạc di sản), ThS Huỳnh Hoàng Cư (phụ trách khoa thanh nhạc - guitar), ThS Thái Đình Dũng (phụ trách phòng công tác học sinh - sinh viên), ThS Trần Đình Khắc Du (nguyên phó trưởng phòng đào tạo), ThS nghệ sĩ piano Đan Tâm, nghệ sĩ piano Tuấn Thành (từng có mặt trong cuộc thi piano thế giới tại Trung Quốc)... Một số người đã và đang rời khỏi học viện một cách cay đắng.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên