'Học trong sợ hãi' ở Đà Lạt

LÂM THIÊN - VĂN BÌNH
LÂM THIÊN - VĂN BÌNH

TTO - Sau sự cố sập phòng học tại Trường THCS-THPT Đống Đa, ngành giáo dục Lâm Đồng đã rà soát lại các ngôi trường có tuổi đời hơn 40 năm và phát hiện nhiều trường nằm trong diện báo động đỏ.

Nền móng đã lộ thiên, tường vách nứt nẻ tại dãy phòng B gây mất an toàn - Ảnh: LÂM THIÊN
Nền móng đã lộ thiên, tường vách nứt nẻ tại dãy phòng B gây mất an toàn - Ảnh: LÂM THIÊN

Đáng lo ngại nhất là tình trạng xuống cấp của hai trường THPT-THCS Chi Lăng và Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng.

Học sinh không được… vận động mạnh

Tại Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp bắt đầu từ nhiều năm trước. Dãy phòng B của trường nứt nẻ, thấm nước và mục rỉ. Một số nơi trên vách tường, cầu thang, cây cối mọc xanh tươi, bốn bên phủ kín rêu mốc.

Bà Phạm Thị Hồng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết vào mùa mưa bão, các giáo viên ở đây rất lo lắng vì dãy phòng đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Nhiều khi đang dạy, vôi trên trần rơi lộp bộp xuống. Rất đáng sợ nhưng chúng tôi không biết làm thế nào. Chỉ biết dặn các em học sinh đi lại nhẹ nhàng, không được vận động mạnh”, bà Hồng nói.

“Cách đây chừng một tháng, có đoàn làm phim về xin quay phim tại trường, trường đồng ý cho họ quét vôi lại. Nhìn dãy phòng bên ngoài thì sạch đẹp chứ bên trong thì xuống cấp hết rồi”, bà Hồng cho biết thêm.

Còn tại Trường THPT-THCS Chi Lăng, dãy nhà A của trường này (gồm 10 phòng học) xuống cấp nặng nề. Các vách tường bong tróc, xuất hiện các rãnh nứt. Mỗi khi mưa, nước thấm qua vách tường loang xuống nền phòng học.

Ông Đài Quang Hưng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết từ ngày xảy ra vụ việc tại trường Đống Đa, nhà trường hết sức lo ngại.

“Với dãy phòng này, chúng tôi chỉ để các em học sinh khối lớp 6 học một buổi rồi đóng cửa”, ông Hưng nói. 

“Ngồi trong dãy phòng này, mỗi lần các công trình xây dựng xung quanh thi công, bản thân tôi cũng cảm nhận được độ rung của cả dãy phòng. Tôi rất lo nhưng cũng không biết làm cách nào”, ông Hưng chia sẻ.

Trần và vách tường nứt nẻ, bong tróc tại dãy phòng B, trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng - Ảnh: LÂM THIÊN
Trần và vách tường nứt nẻ, bong tróc tại dãy phòng B, trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng - Ảnh: LÂM THIÊN
Các hạng mục bị xuống cấp của dãy phòng A tại trường THPT&THCS Chi Lăng - Ảnh: LÂM THIÊN
Các hạng mục bị xuống cấp của dãy phòng A tại trường THPT&THCS Chi Lăng - Ảnh: LÂM THIÊN

Niêm phong các phòng học không an toàn

Ông Huỳnh Quang Long - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng cần niêm phong các phòng học không an toàn của các trường học trên địa bàn TP Đà Lạt.

Theo ông Long, việc xảy ra sự cố tại Trường THPT-THCS Đống Đa là "ngoài ý muốn" vì trước khi vào năm học mới, các ban ngành đã tiến hành rà soát ở một số trường học xuống cấp.

Còn đối với hai trường THPT-THCS Chi Lăng và Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng, Sở đã có văn bản yêu cầu niêm phong, đóng cửa các phòng học không an toàn.

“Chúng tôi đã yêu cầu các trường đóng cửa, không cho phép dạy và học tại các phòng học không đủ độ an toàn. Còn phòng nào sử dụng được thì vẫn sử dụng vì trước mắt không biết dời đi đâu”, ông Long nói.

Chấp hành chỉ đạo của Sở, hiện ban giám hiệu Trường THPT-THCS Chi Lăng đã tiến hành niêm phong tất cả các phòng học thuộc dãy A để đảm bảo an toàn cho học sinh.

“Trường phải bố trí lớp học cho các học sinh ở các phòng học chức năng khác. Trước mắt là như vậy, còn về lâu dài thì trường đang làm đề trình báo cáo lên Sở xin ý kiến xử lý. Nếu được xây mới dãy phòng học này thì càng tốt”, ông Hưng nêu hi vọng.

Tại trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng, các phòng học thuộc tầng trên dãy B cũng bị nhà trường niêm phong đóng cửa. Toàn bộ bàn ghế trong phòng đã được di chuyển qua phòng khác để phục vụ công tác giảng dạy.

 
Cây và rêu xanh mọc quanh tường tại trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng - Ảnh: LÂM THIÊN

Cây và rêu xanh mọc quanh tường tại trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng - Ảnh: LÂM THIÊNTrường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng xuống cấp nghiêm trọng

Từ nhiều năm nay, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - một kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20, đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện tại, một số hạng mục công trình này đã bị hư hỏng, mỗi lúc mưa xuống, tường vách một số phòng học bị nước thấm vào.

Nhà trường cho biết đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa được các cơ quan chức năng cho phép vì đây là... di tích.

LÂM THIÊN - VĂN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên