Học môn công nghệ, nội dung là... nông nghiệp

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - "Nghe tên môn học công nghệ, tưởng liên quan đến máy móc công nghệ cao hoặc những phát minh đặc biệt của nhân loại, ai ngờ được học về nông nghiệp, em sốc quá".

Học môn công nghệ, nội dung là... nông nghiệp - Ảnh 1.

Một tiết học môn công nghệ về nông nghiệp của học sinh lớp 7/14 Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM -Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là chia sẻ của em N.T., học sinh lớp 7 ở Q.1, TP.HCM. Chị M., mẹ em T., kể: "Đầu năm học 2017-2018, mới học được 3 bài đầu của môn công nghệ là Vai trò, nhiệm vụ của trồng trọt, Khái niệm về đất trồng và thành phần của đất trồng, Một số tính chất của đất trồng, bé nhà tôi đã nói: "Mẹ lên trường xin cô hiệu trưởng cho con miễn học môn công nghệ được không? Con học không hiểu gì hết". 

Tôi mở sách giáo khoa của con ra xem và ngạc nhiên hết sức: Tại sao Bộ GD-ĐT lại bắt học sinh TP học về nông nghiệp? Tụi nhỏ nào biết gì về đất đai, trồng trọt...".

"Tụi nhỏ học mà ngơ ngác"

Theo ban giám hiệu các trường THCS, chương trình môn công nghệ của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh THCS bao gồm những nội dung về "nữ công gia chánh" (dành cho nam và nữ sinh lớp 6) như: may mặc trong gia đình, trang trí nhà ở, nấu ăn, thu chi trong gia đình; về gia công cơ khí, điện dân dụng, vẽ kỹ thuật... (dành cho học sinh lớp 8, lớp 9). 

"Lẽ thường, môn học nào cũng có người thích, người không thích. Nhưng môn học khiến đa số học sinh ngán ngẩm chính là môn công nghệ dành cho học sinh lớp 7" - hiệu trưởng một trường THCS khá nổi tiếng của TP.HCM nhận định.

Theo vị hiệu trưởng này: "Học sinh nội thành TP nếu có trồng trọt thì chỉ trồng cây cảnh, nếu có chăn nuôi thì chỉ nuôi cá cảnh, thú cưng. Mà lứa tuổi 13-14 cũng rất ít em có đam mê này. 

Vậy nhưng Bộ GD-ĐT lại bắt các em phải học các chương như Đại cương về kỹ thuật trồng trọt, Quy trình sản xuất và bảo vệ môi trường trong trồng trọt, Đại cương về kỹ thuật chăn nuôi..."

"Nhà tôi ở chung cư, chỗ đâu mà cho con cái trồng cây, nuôi heo, nuôi gà? Chương trình dạy xa lạ với cuộc sống của học sinh, tụi nhỏ học mà ngơ ngơ ngác ngác nhưng phải học bài, phải làm bài kiểm tra. Nhà trường dùng kết quả đó để đánh giá học lực của học sinh vào cuối năm học. Thật vô lý", chị M. bức xúc.

Nhờ... phụ huynh làm giùm

"Năm học mới, chuẩn bị đồ dùng học tập cho hai thằng con trai vào lớp 4, mình cứ thắc mắc với hộp dụng cụ cắt, may, thêu. Mục đích của các nhà giáo dục là gì khi bắt buộc cả trai lẫn gái học môn này ở độ tuổi lên 9, lên 10? 

Nền giáo dục hiện đại phải hướng tới mục tiêu cách mạng công nghiệp 4.0. Chẳng lẽ đây là những "công nghệ" để định hướng học sinh đến cách mạng 4.0?" - một phụ huynh ở TP.HCM gửi thư về báo Tuổi Trẻ.

Chúng tôi đi hỏi các phụ huynh có con học lớp 4 của những năm học trước, họ cười. "Thời đại này rồi mà còn bắt học sinh học cách thêu móc xích, cách khâu thường, cách khâu hai mép vải bằng mũi khâu thường, khâu đột thưa, khâu viền đường... 

Học mấy bài liên tục mà thằng con mình chỉ biết mỗi động tác xỏ kim. Còn các sản phẩm thực hành thì toàn mẹ làm rồi đem nộp cho cô giáo" - chị Mỹ Thương, phụ huynh có con học lớp 4 năm học 2016-2017, chia sẻ.

Cô M.S., giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ở TP.HCM, thừa nhận: "Đối với phần cắt, may, thêu - ngay cả nữ sinh nhiều em cũng lúng túng, không tự làm được các sản phẩm, nói chi đến nam sinh. 

Thế nên trong quá trình giảng dạy giáo viên cũng du di, cho các em về nhà nhờ... phụ huynh làm rồi mang vô lớp nộp chấm điểm. Thành ra điểm của học phần này là điểm của phụ huynh chứ không phải học sinh".

Trường cũng lúng túng

Theo thầy Phạm Minh Khánh - phó hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, Q.1, TP.HCM: "Trường chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn đối với việc triển khai giảng dạy môn công nghệ cho khối lớp 7 vì không tuyển được giáo viên, hiện rất ít sinh viên chọn học ngành này. 

Ngay cả chuyện thỉnh giảng giáo viên có chuyên môn về kỹ thuật nông nghiệp cũng không thể thực hiện vì thiếu giáo viên. Nhà trường phải nhờ giáo viên môn sinh kiêm nhiệm".

Đây cũng là tình trạng chung đang tồn tại ở nhiều trường THCS trên địa bàn TP.HCM. 

"Thiếu giáo viên chuyên ngành, chương trình lại quá hàn lâm, xa rời thực tế nên giáo viên kiêm nhiệm chỉ dạy cho xong, còn học sinh học cho có. Có lần tôi còn nghe học sinh nói với nhau: Chỉ mong được 5 điểm để thoát nạn môn này" - hiệu trưởng một trường THCS ở nội thành TP.HCM kể.

Còn thầy Phạm Minh Khánh phân tích: "Chương trình kỹ thuật nông nghiệp có thể phù hợp với học sinh ngoại thành TP hoặc ở vùng sâu vùng xa, chứ ở nội thành TP.HCM thì các em không hứng thú là đúng rồi. Chỉ vì môn học có lấy điểm nên các em phải ráng học".

Nên là môn tự chọn

"Tôi cho rằng học sinh lớp 4, lớp 5 vẫn có thể học cắt, may, thêu nhưng nên xem đó là một môn tự chọn, em nào thích thì học, không thích thì thôi. Chứ bắt buộc cả nam sinh và nữ sinh đều phải may, phải thêu thì tội nghiệp các em quá.

Thực tế các em có học thực sự đâu, toàn các mẹ làm. Tuy môn này không lấy điểm nhưng kết quả môn học cũng đưa vào đánh giá học lực của học sinh.

Năm học trước, con trai tôi đã vuột mất danh hiệu "học sinh xuất sắc" vì môn kỹ thuật bị đánh giá là "hoàn thành". Về nhà, nó mếu máo bắt đền mẹ: Tại mẹ làm xấu quá. Các bạn con được đánh giá là "hoàn thành tốt" nên được học sinh xuất sắc. Mẹ các bạn ấy thêu đẹp lắm".

Chị Nguyễn Thị Mai Thanh (phụ huynh ở TP.HCM)

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên