22/04/2010 08:43 GMT+7

"Hoa hồng" cho bác sĩ kê toa: Cần chế tài, phạt nặng

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã khẳng định như vậy khi nói về “hoa hồng” cho bác sĩ kê toa. Bà Phong Lan cho biết:

PT3ZFFb5.jpgPhóng to

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: L.TH.H.

- Việc hãng dược “cầm tay” bác sĩ kê đơn hưởng “hoa hồng” là một thực trạng đáng buồn, thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường thuốc và sự xuống cấp về y đức của một bộ phận người làm công tác y tế. Để tình trạng này tồn tại dai dẳng mà chưa giải quyết dứt điểm, quản lý ngành cũng có trách nhiệm rất lớn.

Thực tế ngành y tế TP đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn nạn này bằng cách tăng cường vai trò của hội đồng thuốc và điều trị ở bệnh viện (BV), thực hiện bình đơn thuốc, trao đổi kinh nghiệm dược lâm sàng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng cường giáo dục và thực hành y đức trong ngành, thực hiện nghiêm túc thông tư 11 quản lý giá thuốc... Nhờ vậy, tình hình kê đơn thuốc đã cải thiện nhiều.

* Sau khi báo chí lên tiếng về việc một số bác sĩ ở phòng mạch tư được “lại quả” số tiền lớn qua việc kê toa thuốc cho bệnh nhân, Sở Y tế có đi thanh tra, kiểm tra?

- Sự việc đang được cơ quan công an và thanh tra Bộ Y tế điều tra để có kết luận sau cùng. Về phía Sở Y tế TP, ngay khi được phản ảnh vụ việc đã yêu cầu Công ty MSD có báo cáo, đồng thời tiến hành thanh tra các phòng mạch và nhà thuốc có liên quan. Chúng tôi đã báo cáo bước đầu cho thanh tra Bộ Y tế.

577/2.274 cơ sở được thanh tra có vi phạm

Về thanh tra dược, năm 2009 đã có 2.274 cơ sở (gồm nhà thuốc BV, nhà thuốc tư nhân, phòng mạch tư, công ty sản xuất, kinh doanh dược...) được thanh tra. Trong đó, có 547 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 2,3 tỉ đồng, 30 cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Có hơn 700 khoản thuốc, mỹ phẩm không có số đăng ký, phi mậu dịch, quá hạn dùng... bị tịch thu. So với các năm trước, có sự gia tăng đáng kể về số lượng cơ sở bị xử phạt và mức độ xử phạt.

* Vừa qua Sở Y tế TP đã thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, cung ứng thuốc tại các BV, công ty, nhà thuốc như thế nào? Có hay không việc Sở Y tế “nương tay” cho một số cơ sở vi phạm, thưa bà?

- TP.HCM là địa phương có hệ thống phân phối bán lẻ dược phẩm lớn nhất nước. Tuy có đáp ứng nhu cầu cung ứng thuốc cho người dân, nhưng cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết như tình trạng thuốc không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, giá cả, vấn đề lạm dụng thuốc, thuốc kê đơn bán tự do và vắng mặt dược sĩ đại học.

Giải quyết tất cả vấn đề này không thể ngày một ngày hai, mà phải có sự kết hợp đồng bộ giữa chấn chỉnh lại hệ thống bằng cách tiêu chuẩn hóa (GPP) và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý thích đáng vi phạm.

Công tác thanh tra dược cũng như y tế nói chung được giám đốc Sở Y tế trực tiếp chỉ đạo, thực hiện theo kế hoạch hằng năm.

Tuy nhiên, công tác thanh tra còn nhiều bất cập và khó khăn do hạn chế về số lượng thanh tra viên, trình độ, quyền hạn so với yêu cầu của một TP gần 10 triệu dân với hơn 14.000 cơ sở hành nghề y tế tư nhân (trong đó hơn 4.000 cơ sở bán lẻ thuốc và hơn 600 công ty phân phối).

Ngoài ra, mức xử phạt theo nghị định 45 đã không theo kịp với thực tế TP, cần được sửa đổi cho hợp lý và thật sự nghiêm khắc.

* Người bệnh than phiền giá thuốc ở nhà thuốc BV thường mắc hơn ở nhà thuốc bên ngoài. Bà có ý kiến gì về việc này?

- Không thể chỉ căn cứ trên một vài mặt hàng rồi kết luận chung là giá thuốc BV cao hơn bên ngoài. Hiện nay, hầu hết nhà thuốc BV ở TP (cả công và tư) đã đạt chuẩn GPP (nhà thuốc tốt), được kiểm soát bằng phần mềm chuyên dụng cho xuất nhập thuốc, phải bảo đảm về nguồn gốc hợp pháp, chất lượng và giá thuốc tuân thủ thặng số bán lẻ tối đa theo quy định (5-20% trên giá hóa đơn đầu vào, tùy mức giá trị thuốc).

Các nhà thuốc BV cũng thường xuyên được thanh tra, kiểm tra bởi các đoàn của Sở Y tế và Bộ Y tế, cho thấy luôn tuân thủ các quy định về quản lý giá thuốc.

* Theo bà, hiện nay việc quản lý giá thuốc còn những bất cập gì? Sắp tới Sở Y tế sẽ làm gì để chấn chỉnh những tồn tại này?

- Về giá thuốc bán lẻ, giá thuốc trong BV tương đối ổn định nhờ đấu thầu và thặng số quy định. Tuy nhiên, TP có gần 4.000 cơ sở bán lẻ thuốc vẫn được quản lý giá theo pháp lệnh giá, với quy định “doanh nghiệp tự định giá bán lẻ và phải bán đúng giá niêm yết, giá do thị trường tự điều tiết”.

Do đó, rất khó có cơ sở xử phạt hành vi tăng giá trục lợi. Sở Y tế đang có kiến nghị điều chỉnh cơ chế quản lý giá của các cơ sở bán lẻ.

Phải triệt “liên minh ma quỷ” tăng giá thuốc

TT (TP.HCM) - Chiều 21-4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội đã có phiên họp toàn thể, bàn về công tác quản lý giá thuốc. Lãnh đạo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đều nhìn nhận có tình trạng tăng giá bất thường ở một số nhóm biệt dược nhưng hiện không có biện pháp để hạn chế hoặc xử lý.

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Hồng - giám đốc Bệnh viện đa khoa tư nhân Nguyễn Minh Hồng (Hà Nội), một viên thuốc từ lúc nhập vào VN đến khi tới tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu và “mặc quá nhiều áo”, chiếc áo cuối cùng và đắt nhất là “áo bác sĩ”.

“Các hãng thuốc có một thuật ngữ là “chăm sóc bác sĩ”, nhân viên của họ không tới bệnh viện nữa mà mang tiền tới nhà riêng bác sĩ, mời bác sĩ đi du lịch nước ngoài. Chừng nào chưa chống được cái này thì việc chống tăng giá thuốc còn rất gian nan” - ông Hồng nói.

ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cho rằng cái gốc của vấn đề là phải quản lý được giá thuốc ngay từ khâu nhập vào VN, nếu không việc quản lý các khâu kê khai, đấu thầu, niêm yết giá... chỉ là giải quyết phần ngọn.

Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường nhìn nhận có tình trạng độc quyền ở một số sản phẩm tân dược, biệt dược cũng như tình trạng mua bán lòng vòng dẫn đến tăng giá, và tất cả điều này đều đã đặt lên bàn Quốc hội từ năm năm trước, trước khi có Luật dược.

Tuy nhiên, việc tăng giá bất thường, gấp 2-3 lần giá gốc như báo chí phản ánh chỉ xảy ra ở một số nhóm biệt dược, không phải phổ biến. Riêng việc tăng giá do các khâu đấu thầu, phân phối thì cơ quan này không quản lý được.

Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Vũ Công Chính cho rằng chỉ quản lý được giá khi thuốc đã nhập vào VN, chứ thuốc bị làm giá từ nước ngoài thì cơ quan chức năng cũng bó tay. ĐB Lê Hồng Phương (Đồng Nai) bức xúc: “Ai cũng biết thuốc là loại hàng hóa mà người bệnh khi mua không thể trả giá được nên có sự “liên minh ma quỷ” với nhau. Anh cho nhập vào mà không quản lý được thì trách nhiệm đổ cho ai?”.

Các ĐB đề nghị cần quản lý một số mặt hàng thuốc quan trọng bằng cách quy định mức giá tối đa, chi phí quảng cáo - hoa hồng bao nhiêu. “Chứ cho phép tỉ lệ hoa hồng, quảng cáo 50% như hiện nay, chỉ cần chi cho bác sĩ 30% là ta chống kiểu nào cũng không lại” - ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi nói. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai đồng tình với đề nghị vừa nêu và đề nghị phải: “Ấn định giá tối đa thì đấu thầu, quảng cáo thế nào cũng phải trong cái khung đó, các khâu trung gian sẽ hết đường làm ăn, khi đó mới hạn chế được “liên minh ma quỷ” như mọi người quen gọi”.

Theo bà Mai, thuốc là hàng hóa đặc biệt thiết yếu nên không thể không có sự can thiệp của Nhà nước, nếu cần cũng phải xem kinh doanh thuốc là loại hình kinh doanh có điều kiện để rạch ròi trong quản lý và xử lý sai phạm.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Giám sát đơn thuốcĐể giảm bớt nhức nhối "hoa hồng"Giá thuốc tăng cao: Chưa phải "hết thuốc chữa"!Ai quản lý giá thuốc?Xử lý nghiêm các bác sĩ nhận hoa hồngĐề nghị cấm bác sĩ nhận hoa hồng của hãng dượcSống bằng hoa hồngMong đồng tiền không mua được lòng nhânCơ quan điều tra chống tham nhũng vào cuộc

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên