17/08/2016 10:00 GMT+7

Hồ Thị Hà Giang: Năm nay, tôi sẽ đến trường

TẤN LỰC - NGỌC HIỂN
TẤN LỰC - NGỌC HIỂN

TTO - 5 năm, ba lần đậu đại học, một lần đậu cao đẳng nhưng vì bệnh tật và gia cảnh khốn khó mà con đường học vấn của cô gái 23 tuổi này phải trải qua lắm gian truân. Lần này, hi vọng bi kịch ấy không lặp lại với Giang...

Mới vào Sài Gòn, Hà Giang đã xin ngay vào quán ăn làm thêm kiếm tiền - Ảnh: NGỌC HIỂN
Mới vào Sài Gòn, Hà Giang đã xin ngay vào quán ăn làm thêm kiếm tiền - Ảnh: NGỌC HIỂN

Năm nay Hồ Thị Hà Giang (thôn 3, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) thi đậu vào ngành luật kinh tế của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM với số điểm 20,5.

Dù đã vào TP.HCM để nhập học nhưng đến chiều 16-8, Giang vẫn chỉ có trong tay 5 triệu đồng trong khi số tiền phải đóng đến 8,2 triệu.

Con: không bỏ cuộc

“Tôi sẽ vay mượn bạn bè, xin không đóng bảo hiểm và chưa mua đồng phục của trường. Bằng mọi cách tôi phải nhập học rồi sẽ làm đơn xin giảm học phí” - Giang quả quyết.

Trong căn phòng trọ ở quận 4 (TP.HCM), nơi một người bạn cùng quê cho ăn ở nhờ, cô gái nhỏ thó, gầy còm Hà Giang bộc bạch chặng đường năm năm trắc trở con đường học. Giang vốn là học sinh chuyên văn, từng đoạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm 2011, cận kề ngày thi đại học thì Giang ngất xỉu liên tục nên đành phải gác lại kỳ thi để vào viện điều trị căn bệnh thiếu máu.

Sau đó Giang ra Đà Nẵng làm công nhân, vừa làm vừa ôn thi rồi đậu vào Trường ĐH Quy Nhơn. Thế nhưng, học được ba tháng thì tiền dành dụm cạn kiệt, làm thêm chẳng được bao nhiêu nên Giang quyết định nghỉ học. Tuy nhiên bạn không từ bỏ con đường học hành mà ở lại luôn Quy Nhơn, sáng bán cà phê, chiều phục vụ quán cơm, tiếp tục... ôn thi.

Mùa thi 2013, Giang đậu vào Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và lại gác ước mơ giảng đường vì không đủ tiền học phí. Sau lần đó, bà Hà Thị Chiến (63 tuổi), mẹ Giang, theo con gái vào Sài Gòn, hai mẹ con làm phục vụ, phụ bếp và bán vé số. Lạ lẫm xứ người, nhiều lần bà Chiến bị kẻ gian lừa, giật hết tiền lẫn vé số.

Hà Giang kể: “Có lần mẹ bị lừa hết gần 2 triệu đồng, về phòng trọ hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc lóc vì số tiền quá lớn, không biết lấy gì để trả cho đại lý vé số”. Đã vậy, trong một lần đi bán vé số, bà Chiến bị người ta lao xe lên lề tông ngã khiến bà chấn thương ở lưng không thể đi lại thường xuyên nên buộc phải về quê. Năm 2015, Hà Giang thi đậu vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM với số điểm 19,5.

Hoàn cảnh gia đình Hà Giang thật sự rất khó khăn, thuộc diện đặc biệt nghèo của xã Bình Lãnh. Chính quyền địa phương, làng xóm và các doanh nghiệp trong xã đã quan tâm hỗ trợ nhưng không được nhiều, chỉ đủ đùm bọc hai mẹ con sống qua ngày thôi

Ông NGUYỄN PHƯỚC NHUNG (phó bí thư Đảng ủy xã Bình Lãnh)

Để có tiền nhập học, Giang làm quần quật ngày đêm, ky cóp từng đồng đến độ suy nhược, thân thể gầy guộc chỉ còn 37kg.

Vì thế, ngày nhập học Giang đổ bệnh nằm liệt giường, phải về quê chạy chữa, đành bảo lưu lại kết quả.

Nhiều đêm nằm trong bệnh viện, Giang giật mình khi nhận ra bạn bè đã ra trường, còn mình vẫn cứ loay hoay mưu sinh nên đâm ra trầm cảm, sợ sệt tất cả mọi thứ.

Vừa đỡ căn bệnh trầm cảm thì Giang lại ra Đà Nẵng làm công nhân, đến gần mùa thi năm nay Giang về quê vừa ôn thi vừa dạy thêm cho học sinh trong xã.

Khi biết tin đậu đại học, hai mẹ con chạy vạy khắp nơi để Giang cầm số tiền 5 triệu đồng vào Sài Gòn. Mới vào được một ngày, Giang đã xin ngay vào làm phục vụ quán ăn để trang trải bước đầu. Giang bộc bạch: “Nhiều khi khổ cực ứa nước mắt nhưng tôi không thể bỏ cuộc thêm lần nào hết nữa”.

Mẹ: tất cả cho con

Trong cuộc điện thoại giữa Giang và mẹ, sau vài câu hỏi thăm chuyện ăn, chuyện ở của con gái, bà Chiến chậm rãi hỏi con: “Học phí có cao không con?”.

Nghe câu hỏi đó, Giang rưng rưng nước mắt ngắt quãng cuộc trò chuyện bởi Giang biết rằng nói ra mẹ sẽ buồn thêm...

Ở bên kia đầu dây điện thoại, bà Chiến cũng nghẹn ngào kể lại gia cảnh của hai mẹ con. Bà Chiến sống đơn chiếc từ nhỏ, lại bị khuyết tật bẩm sinh nên đến tuổi tứ tuần mới kiếm con với mong muốn đỡ đần khi về già.

Căn nhà nhỏ đang ở được hội từ thiện và bà con trong thôn góp tiền của, công sức xây cho đã 13 năm vẫn chưa trát vữa tường nên tối om, nóng hầm hập.

Đến chiếc giường ngủ của hai mẹ con cũng phải đi xin người ta. Hằng ngày hai mẹ con sống nhờ chút tiền lời từ quầy tạp hóa nhỏ và thùng trứng vịt lộn bên quốc lộ 14E.

Tất cả bà Chiến đều lấy nợ của đại lý. Khi nào bán xong mới có tiền trả vốn gốc, còn dư ra vài chục ngàn đồng mỗi ngày chi tiêu nín nhịn, tằn tiện dành cho con gái.

Bà Chiến cho biết bầy heo nái sau vườn là tài sản có giá trị nhất nhà lúc này. Con heo nái được bà nhận nuôi rẻ từ người quen vừa đẻ lứa đầu được chín heo con, theo thỏa thuận bà được chia bốn con.

“Heo con đang có giá, gắng nuôi vài bữa nữa bán mỗi con cũng được 250.000 đồng, bốn con heo là được 1 triệu đồng, vậy là có tiền gửi thêm cho con bé đi học. Giờ vào đó ăn ở học hành sao đây không biết nữa” - bà Chiến nói như khóc.

Họ đã nói về "Tiếp sức đến trường"

Văn Hoa Hải Đường (sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing): “Thời điểm này năm ngoái tôi biết tin mình đậu ĐH, cảm giác rất mừng nhưng cũng bộn bề những suy nghĩ. Nhưng rồi câu chuyện của tôi được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ và học bổng “Tiếp sức đến trường” đến với tôi như một phép mầu. Có rất nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã hỏi han, động viên tôi cố gắng.

Suất học bổng đó ngoài giá trị về vật chất còn có ý nghĩa rất lớn. Trong một năm qua, tôi đã đi làm thêm, đi bán cà phê, đi giới thiệu sữa và làm thêm cho một công ty nghiên cứu để tự kiếm thêm tiền, lo cho việc học của mình. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến những nhà hảo tâm và mong rằng học bổng “Tiếp sức đến trường” tiếp tục đồng hành, là chiếc phao cứu sinh với những tân sinh viên khó khăn như tôi”.

Huỳnh Hữu Hạng (sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM): “Ba mẹ tôi từng khóc hết nước mắt vì gánh ổi bán bên vệ đường mỗi ngày của mẹ không thể vừa chữa bệnh cho ba, vừa tính chuyện cho tôi vào đại học, đúng lúc chủ nhà đòi nhà lại không cho gia đình ở nhờ nữa.

Học bổng “Tiếp sức đến trường” đến đúng lúc, đúng nghĩa lúc ấy đã tạo cho tôi niềm tin, động lực cũng như hỗ trợ tôi bao nhiêu khoản chi tiêu đầu năm học. Hiện tôi tham gia nhóm gia sư nên cũng đủ chi tiêu hằng ngày. Cuộc sống hiện tại đang đi theo hành trình thuận lợi, tôi tin với sự nỗ lực trong những năm học tới thì sẽ thành công”.

TẤN LỰC - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên