23/08/2016 09:29 GMT+7

Hiến kế tìm vốn cho hạ tầng ĐBSCL

 CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG
CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Tại hội nghị về huy động nguồn lực phát triển hạ tầng và hệ thống logistics vùng ĐBSCL diễn ra ở TP Cần Thơ ngày 22-8, các đại biểu đã hiến kế nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng này trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

Mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua TP Cần Thơ  Ảnh: Chí Quốc
Mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Vương Đình Huệ - phó thủ tướng Chính phủ, trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - cho rằng do nguồn lực có hạn, cần tập trung đầu tư cho những dự án có giá trị lớn trong kết nối vùng, đồng thời khuyến cáo đừng để người dân khu vực này gánh thêm chi phí từ các dự án BOT.

Cần cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư

Ông Nguyễn Văn Thể, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng nếu không tập trung đầu tư phát triển cho khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2016 - 2020, giao thông sẽ không đáp ứng phát triển kinh tế của vùng. Tuy nhiên, chỉ nên tập trung đầu tư hai tuyến đường quan trọng nhất là quốc lộ 1 (bao gồm cả đường cao tốc TP.HCM đi Cần Thơ) và tuyến quốc lộ 60 để phát triển các vùng kinh tế ven biển ở ĐBSCL.

Theo ông Thể, hiện tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương phát huy khá tốt, trong khi giao thông ách tắc nhiều nhất ở đoạn quốc lộ 1 từ Trung Lương về TP Cần Thơ, nên việc đầu tư cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ là “cực kỳ cần thiết”.

Với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (bốn làn xe với vốn khoảng 14.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2018), theo ông Thể, cần khoảng 14.000 tỉ đồng nữa để mở rộng đúng quy hoạch mới đảm bảo giao thông tốt hơn.

Với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa biết khi nào khởi công, ông Thể nhận định “đường từ TP.HCM về TP Cần Thơ vẫn còn lắm gian nan”.

Ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho biết TP.HCM kết nối với ĐBSCL qua hai tuyến đường chính là cao tốc TP.HCM - Trung Lương và quốc lộ 1 cùng một số tuyến đường thủy, đồng thời cam kết sẽ làm hết trách nhiệm trong việc kết nối để hoạt động giao thương tốt hơn, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh tạo động lực phát triển toàn vùng và cả nước.

Thế nhưng, vấn đề “đau đầu” nhất trong phát triển hạ tầng, kết nối giao thông là nguồn lực nào, tiền ở đâu, bởi nếu dựa vào ngân sách trung ương thì rất khó “vì ngân sách còn nhiều thứ phải lo”.

Theo ông Khoa, nguồn lực ngoài ngân sách hiện vẫn còn rất lớn và tác động hiệu quả, tích cực vào đầu tư và phát triển hạ tầng cho TP.HCM và vùng phụ cận. Tuy nhiên, do đặc điểm nền đất yếu và sông rạch nhiều, suất đầu tư ở ĐBSCL cao hơn những vùng khác.

Do đó, nếu không có cơ chế, chính sách đặc biệt riêng cho khu vực này sẽ khó huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư các dự án hạ tầng khu vực này.

“TP.HCM cũng như các tỉnh ĐBSCL cần có cơ chế phân cấp mạnh mẽ để chọn nhà đầu tư đối với công trình cấp bách mà địa phương thấy cần thiết. Ở đây không phải là muốn cách ly nhưng với quy trình đầu tư hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài rất ngán” - ông Khoa nói.

Phải huy động vốn ngoài ngân sách

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), việc thu hút vốn đầu tư theo hình thức BOT ở ĐBSCL đã góp phần đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng, góp phần thúc đẩy quá trình luân chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, việc hình thành các trạm thu phí của các dự án BOT đối với các tỉnh nghèo cần được tính toán kỹ.

Đặc biệt, các dự án BOT trong vùng cũng cần được nghiên cứu xem xét khoảng cách giữa các trạm thu phí không quá dày, cần tham vấn ý kiến (tổ chức xã hội, nghề nghiệp, hội đồng nhân dân và các đối tượng sử dụng đường bộ...), giám sát chặt chẽ mức thu phí và lộ trình tăng phí, tăng cường tính minh bạch thông tin nguồn thu, năm thu phí hoàn vốn đối với các dự án BOT.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng có quá nhiều dự án BOT cũng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Theo ông Huệ, các dự án BOT tại ĐBSCL (10 dự án đã thu phí và chưa thu phí) hiện phân bổ trạm thu phí không đồng đều, các tỉnh khó khăn nhất (khu vực duyên hải các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre) lại có trạm thu phí BOT nhiều nhất.

“Cầu Đại Ngãi (nối Trà Vinh và Sóc Trăng) mà làm BOT nữa thì chết, dân không chịu nổi” - ông Huệ khuyến cáo, đồng thời yêu cầu nghiên cứu chuyển dự án cầu Đại Ngãi (tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng) sang nguồn vốn ODA.

Theo ông Huệ, trong bối cảnh nguồn lực có hạn nên cần tập trung đầu tư cho những dự án có giá trị lớn trong kết nối vùng. Đặc biệt, phải rà soát các nhà đầu tư BOT dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ bởi “hiện nay đang rất khó khăn, phải tập trung triển khai”.

Phó thủ tướng cũng giao “bộ ba” gồm Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính căn cứ vào đề xuất trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ GTVT, phối hợp các tỉnh trong vùng, rà soát đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 theo thứ tự ưu tiên và nguồn lực thực hiện để giải quyết bài toán đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng ĐBSCL.

Theo ông Huệ, sắp tới sẽ có luật về đối tác công - tư (PPP) để khơi thông nguồn lực xã hội, bởi nếu dựa vào ngân sách nhà nước sẽ rất khó trong đầu tư hạ tầng giao thông ĐBSCL.

Hơn 91.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng ĐBSCL

Tại hội nghị, Bộ GTVT đã trình kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 kết cấu hạ tầng ĐBSCL với tổng vốn đầu tư khoảng 91.000 tỉ đồng trong tổng số vốn dự kiến của các dự án là hơn 104.000 tỉ đồng (vốn ngân sách nhà nước hơn 28.000 tỉ đồng, còn lại là vốn ODA và xã hội hóa).

Trong đó đường bộ có 39 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 73.000 tỉ đồng, đường biển có 22 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 18.000 tỉ đồng, đường thủy nội địa có 14 dự án với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng và đường hàng không hơn 1.700 tỉ đồng.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã đưa ra khỏi danh sách dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 đối với dự án sân bay An Giang (tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng) mà tại hội nghị lấy ý kiến các tỉnh ĐBSCL trước đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự không đồng tình.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Chí - thứ trưởng Bộ Tài chính, tình hình ngân sách khó khăn đến mức trong số vốn hơn 28.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước mà Bộ GTVT đưa vào kế hoạch đầu tư, hiện chỉ mới cân đối được khoảng 3.700 tỉ đồng.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, do tình hình ngân sách hạn hẹp, trước mắt nên tập trung vào các dự án hạ tầng kết nối gồm: dự án nâng cấp quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp (123km, tổng vốn hơn 1.500 tỉ đồng), hoàn thiện dự án quốc lộ 60 qua các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng (1.142 tỉ đồng), cầu Đại Ngãi (nối Trà Vinh và Sóc Trăng), cầu Rạch Miễu 2 (3.700 tỉ đồng), nâng cấp quốc lộ Nam Sông Hậu (2.200 tỉ đồng), nâng cấp quốc lộ 91C nối với Campuchia (dài 35km, hơn 700 tỉ đồng), nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Cà Mau - Năm Căn (47km, khoảng 1.600 tỉ đồng), cầu Mỹ Thuận 2 (nối Tiền Giang - Vĩnh Long, vốn 6.000 tỉ đồng) và đầu tư xây dựng tuyến nối TP Vị Thanh (Hậu Giang) đến tỉnh Bạc Liêu.

“Sao năm nào cũng nạo vét luồng lạch?”

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị nghiên cứu cảng biển nước sâu để làm đầu ra quốc tế cho cả vùng ĐBSCL.

“Lúc tôi còn làm trưởng Ban Kinh tế trung ương có đến Cà Mau, thấy cảng Hòn Khoai (Cà Mau) rất hay, sau đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý đưa vào quy hoạch.

Luồng lạch suốt ngày nạo vét tốn không biết bao nhiêu tiền nhà nước, số lượng nạo vét dưới nước không biết bao nhiêu mà năm nào cũng nạo vét, trong khi cảng Hòn Khoai công suất 250.000 tấn không bồi lắp, chả cần phải nạo vét gì cả” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ gợi ý.

CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên