18/05/2011 03:33 GMT+7

Hiến đất xây trường

KIM TUYẾN - MỄ THUẬN
KIM TUYẾN - MỄ THUẬN

TT - Nhiều nông dân nghèo ở ĐBSCL không ngần ngại hiến vài ngàn đến vài chục ngàn mét vuông đất xây trường cho trẻ em.

Read this on Tuoitrenews.vn

PNHMOqbw.jpgPhóng to

Bà Ba Chữ và những học trò nhỏ trước ngôi trường bà đã hiến đất xây dựng - Ảnh: Mễ Thuận

Nắng tháng 5 như thiêu như đốt. Từng tốp học trò nhỏ cuống cuồng chạy vào Trường tiểu học Nhuận Phú Tân 2 (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) để tránh nắng. Ngôi trường khang trang được xây dựng trên khuôn đất rất đẹp rộng 1.200m2 mới đưa vào sử dụng được vài tháng. Đối diện với ngôi trường này cũng là trường tiểu học nhưng đã cũ nát không còn sử dụng. Một cô giáo trẻ chỉ tay về phía ngôi nhà đơn sơ nằm cạnh trường cũ nói: “Đó là nhà cô Ba Chữ (tên khai sinh là Nguyễn Thị Tuyết). Cô Ba đã hiến đất xây ngôi trường mới này đó. Miếng đất của ngôi trường cũ cũng do cô Ba hiến xây dựng khoảng 20 năm trước”.

Bà Ba Chữ trông rất hiền lành, phúc hậu. Nhiều người dân địa phương cho biết từ khi ngôi trường mới được xây dựng xong, bà Ba trông tươi tắn hẳn ra. Bà hay ngồi bên nhà mình nhìn qua ngôi trường thấy bọn trẻ tung tăng vui đùa, bà cười một mình một cách mãn nguyện. Chúng tôi hỏi: “Nhà cô xập xệ thế này sao không bán bớt đất lấy tiền xây mới mà hiến đất xây trường?”. Bà lại cười sảng khoái: “Tui có ăn, có ở bao nhiêu đâu mà xây nhà cao cửa rộng chứ”.

Đó là vào năm 2009. Vườn nhà bà Ba Chữ trồng măng cụt, dừa, sầu riêng đang cho thu hoạch. “Trái cây lúc đó cũng được giá, nhưng thấy tụi học trò cứ học trong ngôi trường xập xệ, tội lắm! Sẵn có một mạnh thường quân hỗ trợ tiền xây trường, tui quyết cái rụp hiến khu đất rộng rãi hơn nền đất cũ để có thể xây trường mới khang trang hơn” - bà Ba tâm sự.

Không có nhiều đất nhưng trưởng ấp Hội Nghĩa, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang Nguyễn Văn Hiền vẫn vô tư hiến 2.000m2 đất để xây trường học. Ở xã Hội Xuân, từ người lớn tới trẻ nhỏ ai cũng biết chuyện trưởng ấp Hiền dám hiến gần hết đất sản xuất của gia đình để xây trường học.

Ông Hiền nói rằng trong số những ước mơ lớn của riêng mình, ông luôn mong muốn xã nhà sẽ có được một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Khi huyện quyết định sẽ xây dựng một trường đạt chuẩn quốc gia ở xã Hội Xuân thì chính quyền địa phương rối như tơ vò vì không có quỹ đất công lẫn ngân sách. Ông Hiền nhớ lại: “Mấy anh lãnh đạo xã cứ họp tới họp lui mà cũng không giải quyết được bài toán đất xây trường, tôi âm thầm bàn với gia đình hiến 2 công đất. Nghe tôi nói mong muốn của mình, cả mẹ, vợ và hai con tôi đều đồng ý”.

Mảnh đất của ông Hiền lúc này đang trồng hơn 50 gốc nhãn, mỗi năm cho thu nhập chừng 20 triệu đồng, nếu bán miếng đất cũng được không dưới 300 triệu đồng. Đối với một hộ gia đình sống bằng nghề nông như ông Hiền, số tiền 20 triệu đồng mỗi năm là rất lớn và chưa bao giờ ông có trong tay 100 triệu đồng chứ nói chi vài trăm triệu đồng. Nhưng ông Hiền bảo rằng chưa bao giờ ông hối tiếc về quyết định hiến đất, đồng nghĩa với việc mất vài trăm triệu đồng. “Ngôi trường đạt chuẩn quốc gia sắp hoàn thành rồi. Bọn trẻ trong xã được học hành đàng hoàng, lớn lên chúng sẽ đóng góp trí tuệ xây dựng quê hương mình, điều đó quý hơn mấy trăm triệu đồng giá trị miếng đất này” - ông tâm sự.

Đối với gia đình bà Ba Chữ, chuyện hiến đất xây trường đã trở thành truyền thống của gia đình. Ông của bà trước kia cũng từng hiến đất để xây trường. Không chỉ hai lần hiến đất xây trường, bà Ba Chữ còn làm một việc “xưa nay hiếm” nữa là dành mấy công đất làm nghĩa trang từ thiện. Bà ngậm ngùi: “Có những người chết đi cũng không có đất mà chôn. Đất thì làm sao quý bằng tình người, nên thấy ai không có đất chôn người vắn số tui bảo họ cứ mang đến đất nhà tui mà chôn”. Cứ thế, đến giờ trên khu đất rộng hơn 2.000m2 của bà đã có hàng chục ngôi mộ của những người không ruột thịt gì với gia đình bà.

“Của cho không bao giờ mất”, bà Ba Chữ vẫn thường khuyên các con của mình như vậy. Theo bà, những miếng đất bà đã hiến nếu bán thì sẽ được vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng. Nếu bán đi, nhận lại một cục tiền rồi cũng ăn xài hết trong vài năm. Nếu xây trường học sẽ được nhìn ngắm và tận hưởng niềm hạnh phúc tới vài chục năm. Bà Ba Chữ cho biết UBND xã Nhuận Phú Tân đề nghị tặng lại bà 1 công ruộng và 1 chỉ vàng nhưng bà không lấy. “Nếu lấy thì chẳng khác nào mình bán đất. Mà bán tức là mất nên tôi từ chối. Hiến thì phải hiến đúng nghĩa chứ không đổi” - bà tâm sự.

KIM TUYẾN - MỄ THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên