Hãy cố vươn vai mà đứng 

12/08/2017 16:08 GMT+7

“Hãy cố yêu người mà sống,Lâu rồi đời mình cũng qua...”

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Quên lo tương lai mịt mờ

Em yêu dấu,

Lần đầu tiên gặp Em, anh mừng lắm vì Em khác hẳn những người bạn gái trước kia của anh. Em có hoàn cảnh riêng, bố Em bị bệnh còn mẹ thì đã già không làm việc được nữa.

Do vậy, tuy đang học trung học nhưng Em đã quyết định đi làm để mong giúp đỡ gia đình. Anh rất trân trọng điều này.

Những khi có Em bên cạnh, anh cảm thấy thật bình yên. Anh đã quá mệt mỏi với những cuộc tình đã qua cho nên muốn đến với Em và cùng Em xây dựng gia đình.

Em có nhiều nét đặc biệt lắm. Giọng nói Em thật êm đềm, nhỏ nhẹ. Khi cười Em chỉ chúm chím môi chứ không cười hẳn.

Nhưng đối với anh, nét cười đó thật duyên dáng, quyến rũ. Hình ảnh Em ra khỏi lớp học ban đêm trong chiếc áo dài ngày đó, bây giờ anh vẫn còn nhớ như in. Anh hiểu vì sao anh đã si mê Em.

Chúng ta quen nhau và rồi Em đã đồng ý về với anh để cùng chia nhau nghèo khó, quên lo tương lai mịt mờ.

Hãy đến chia nhau nghèo khó

Quên lo tương lai mịt mờ

Hãy cố yêu người mà sống

Lâu rồi đời mình cũng qua.

Lâu rồi đời mình cũng qua

Xin em đôi tay nuột nà

Xin em đôi môi thật thà.

Thật thà chịu nhiều xót xa.

Hãy cố vươn vai mà đứng

Tô son lên môi lạnh lùng

Hãy cố yêu người mà sống

Lâu rồi đời mình cũng qua...

Bài không tên số 5 anh viết dành tặng Em. Bài hát này đã được anh Jo Marcel trả bản quyền cho anh với giá 10.000 đồng. Số tiền này khi ấy (năm 1969) khá lớn nhưng anh đã quyết định dành hết để may áo cưới cho Em.

Mọi sự đã đến với chúng ta rất đẹp, rất thơ mộng.

Nắng mưa dãi dầu chờ đợi nhau

Những ông thầy xem tử vi hồi đó nói Em có số “vượng phu ích tử”. Mà chắc đúng vậy thật. Ngày đưa con mình từ Nhà bảo sanh Hùng Vương về nhà vào tháng 5-1973 cũng là ngày anh đi nhận chức trưởng Ty Thông tin Gia Định, bắt đầu có chút công danh với đời.

Đường công danh của anh tuy ngắn ngủi nhưng cũng nhiều sóng gió.

Sau đó khoảng 6 tháng, vào đầu năm 1974, anh được cử đi Hòa Lan tu nghiệp ngành phát thanh. Đáng lẽ ngay sau đó anh được điều sang Paris làm việc như anh đã báo với Em, nhưng cuối cùng được cử làm vụ trưởng Vụ Văn hóa cuối năm 1974.

Đang chuẩn bị bàn giao giám đốc báo chí thì chuyển sang Đài phát thanh Saigon làm chánh Sở chương trình kiêm chánh Sở kế hoạch. Anh mới 31 tuổi đã được giao nhiệm vụ quá quan trọng!

Có phải chăng đó là nhờ vào việc Em đã sanh cho anh đứa con trai như người ta nói?

Tháng 11 năm 1975, đang ở miền Bắc xa nhà, cảm thương Em trong cảnh đơn chiếc, anh đã viết:

Nắng hanh vàng se se cơn gió lạnh

Ngồi ở đây ôn lại chuyện ngày xưa

Một niềm thương em lòng anh khắc sâu

Nắng mưa Saigon dãi dầu chờ đợi nhau...

Năm 1984, ở trại Nam Hà, anh đã ký giấy ly hôn để Em làm thủ tục cùng con mình đi Hoa Kỳ định cư. Anh cảm phục Em mấy mươi năm qua đã một mình nuôi dạy con trai chúng ta khôn lớn và nên người.

Xin cho Em cuối đời được bình yên.

Vũ Thành An-Ảnh: TGCC
Vũ Thành An-Ảnh: TGCC

 

Mầm sống nào đã nhú cuối mùa đông

Em yêu dấu,

Em đã được các bạn anh ở Hà Tây vinh danh như một thiên thần bởi vì Em biết thương những người khốn khổ. Em là em họ của T., vợ anh. Em là con gái Hà Nội. Chị T. đã gửi tiền nhờ Em mua quà cho anh.

Hình ảnh cô gái 18 tuổi, trong trời đông giá rét trùm áo mưa đạp xe băng qua bao đồng ruộng từ Hà Nội về Hà Tây để đến trại thăm anh, không bao giờ mờ nhạt trong tâm trí anh, suốt đời!

Những người bạn của anh biết ơn Em vì Em không chỉ giúp đỡ anh mà còn kín đáo giúp cả họ. Họ gặp anh là khen ngợi Em không ngớt lời. Anh cảm thấy rất hãnh diện về cô em thiên thần nhỏ bé dễ thương của anh.

Tết năm 1982, Em vào thăm anh, mang theo 14 chiếc bánh chưng, anh còn nhớ rất rõ! Anh đã cùng các anh em trong trại chia nhau những tấm bánh ân nghĩa đó, vừa ăn vừa cùng cầu chúc cho Em có được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

Những ngày giáp tết năm 1985, anh nghe tin đồn trong trại là sắp tới sẽ có một đợt đến mấy trăm người được về nhà. Anh khấp khởi trông đợi.

Anh nhớ buổi chiều đó trời mưa nhẹ, anh em đang nấu nướng ở sân sau, khói bay lên cao. Anh chưa bao giờ thấy khói bay lên đẹp như vậy. Anh ngồi ở tầng giường trên trong phòng nhìn qua khe cửa sổ.

Anh nghe thấy có anh bạn đang nói oang oang ở dưới. Anh nghe anh ấy đọc tên những người được về đợt này và trong đó có tên Vũ Thành An!

Cám ơn trời ơn đời cho tôi còn sống đây

Cám ơn trời ơn đời cho tôi còn phút này.

Ôi trong tôi hi vọng trào dâng

Sau bao năm thao thức đợi mong

Bỗng tâm hồn tôi thấy lâng lâng

Mầm sống nào đã nhú cuối mùa đông?

Đoàn tụi anh rời trại bằng xe tải tới gần ga xe lửa tại Hà Nội, bỏ đồ xuống vệ đường nơi ngủ qua đêm, chờ sáng mai sẽ được đưa lên tàu.

Anh nhớ được địa chỉ nhà của Em ở Hà Nội. Anh muốn đến thăm Em và cũng để cám ơn ba mẹ Em nữa.

Anh cùng với người bạn nữa là Kh. đã đi xích lô đến nhà Em tối hôm ấy, khi người Hà Nội đang chuẩn bị đón tết. Thời tiết lành lạnh nhưng đường sá đông vui.

Anh Kh. đã ghé bưu điện để đánh điện tín về nhà báo tin ngày giờ về đến Saigon cho gia đình đi đón. Anh không báo để cho gia đình anh ngạc nhiên khi bất chợt anh về.

Bọn anh sau đó cùng nhau vào tiệm phở, miếng ngon đầu tiên khi ra trại, thật là hạnh phúc. Không hiểu sao, khi ở bưu điện cũng như ở tiệm phở, anh bạn Kh. đã vui vẻ giới thiệu anh với người chung quanh.

Có nhiều người nghe tên Vũ Thành An tỏ ra biết và đến bắt tay chúc mừng anh được bình an. Anh ngạc nhiên tại sao ở ngoài Bắc lại biết đến tên anh là nhạc sĩ ở miền Nam cả hơn 10 năm trước đó?

Hồi ở trong trại, khi đi lao động, một hôm anh nghe văng vẳng có người hát một trong các bài hát của anh. Anh không hiểu tại sao ở miền Bắc lại có người biết đến bài hát ít người biết đó?

Tấm lòng hân hoan ru kẻ ưu phiền

Khi anh đến nhà Em thì cũng đã hơi muộn, chắc khoảng 9 giờ tối. Bố mẹ Em đón anh trong ngạc nhiên và vui mừng. Cô chú nói Em đã đi lấy chồng. Anh rất tiếc đã không được gặp Em.

Ông cụ bà cụ nói chuyện hỏi thăm chúng anh lâu lắm. Ông cụ bà cụ không ngờ chúng anh được về sớm như vậy!

Hai anh em được ngủ một đêm trong chăn ấm, êm và thơm! Khoảng 4 giờ sáng anh được đánh thức dậy. Khi ra tới cửa, bà cụ kín đáo dúi vào tay anh 100 đồng.

Anh nhận tiền mà không biết là nó có giá trị rất lớn lúc bấy giờ! Món tiền này đã giúp các anh ăn uống thật thoải mái trên đường về nhà. Đây là món quà đầu tiên anh nhận được sau khi ra trại.

Hôm nay hồi tưởng lại những ngày đó, anh thật lòng cám ơn Em, cám ơn bố mẹ Em, đặc biệt là mẹ Em. Món quà của bà cụ sau này sẽ cùng lên thiên đàng với anh.

Một hôm anh tình cờ đọc được bài thơ Thần nhan sắc của họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ. Anh chợt nhớ đến Em. Em đúng là hiện thân của vẻ đẹp thanh khiết trong bài thơ Thần nhan sắc nên anh đã quyết định phổ nhạc bài thơ này để dành tặng Em:

Khi Em đẹp Em là Thần nhan sắc

Ngẩn ngơ chiều bến lạ nước tương tư

Với tâm từ ấp ủ nét anh thư

Tình yêu đã nhiệm mầu qua cây cỏ.

Khi Em đẹp Em là Thần nhan sắc

Ngủ trong dòng lệ khổ của nhân gian

Cuối con đường đầy hoa nở bất an

Thương xót đời tơ lòng Em mát dịu.

Tay níu bờ hoa, thương đời ngắn ngủi

Tấm lòng hân hoan ru kẻ ưu phiền

Kẻ ưu phiền cùng trăm nỗi oan khiên

Em đau khổ bởi lòng từ bi vô hạn...

Kỳ cuối: Đời đá vàng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận