09/08/2007 05:43 GMT+7

Hàng loạt bệnh viện thiếu thuốc!

L.ANH
L.ANH

TT - Nhiều bệnh viện (BV) tại TP.HCM than không đủ thuốc phục vụ bệnh nhân. Nguyên nhân được khẳng định do qui định đấu thầu thuốc có nhiều bất cập.

SwzaXSij.jpgPhóng to
Chờ nhận thuốc tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ - Ảnh: N.C.T.
TT - Nhiều bệnh viện (BV) tại TP.HCM than không đủ thuốc phục vụ bệnh nhân. Nguyên nhân được khẳng định do qui định đấu thầu thuốc có nhiều bất cập.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Một số bác sĩ làm việc ở một BV lớn thuộc Sở Y tế TP.HCM cho biết tình trạng thiếu thuốc “âm ỉ” tại BV này đã xảy ra từ mấy tháng nay, nhưng “nóng” nhất là từ đầu tháng 8-2007.

Kho thuốc của BV gần như cạn kiệt, không đủ phục vụ bệnh nhân (BN) điều trị nội trú, nên bác sĩ phải kê toa thuốc cho BN ra ngoài mua. Không chỉ thiếu thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, an thần, hô hấp, huyết áp, dịch truyền, thuốc phòng uốn ván mà ngay cả thuốc thông thường là thuốc bổ, hạ sốt... ở BV này cũng không còn để phục vụ BN nội trú. Nguy hiểm hơn, thuốc vận mạch dùng trong hồi sức cấp cứu cũng cạn kiệt. Vật tư tiêu hao, hóa chất... cũng hết.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh - giám đốc BV Nhân Dân 115 - cho biết đúng là hiện nay BV không đủ thuốc phục vụ BN. Có những loại thuốc đã hết. BV Nhân Dân Gia Định cũng đang trong tình trạng thiếu nhiều loại thuốc phục vụ BN.

Bác sĩ Lý Lệ Thanh - giám đốc BV Nguyễn Trãi, bác sĩ Trần Thanh Mỹ - giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP cho biết hiện BV cũng sắp sửa thiếu thuốc. Số thuốc dự trữ của BV còn có thể cầm cự được vài tuần nữa. Nếu hồ sơ đấu thầu thuốc chưa duyệt kịp thì có thể sẽ thiếu thuốc trong thời gian tới. Bác sĩ Nguyễn Đình Chanh - giám đốc BV An Bình - cho hay BV cũng thiếu khá nhiều loại thuốc, nhất là nhóm thuốc kháng sinh, tim mạch... dù trước đó BV đã dự trù mua thêm nhưng hiện không còn bao nhiêu.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Thanh Chiến - giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, bác sĩ Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, bác sĩ Hà Mạnh Tuấn - giám đốc BV Nhi Đồng 2 lại cho biết BV vẫn đủ thuốc phục vụ BN. Sở dĩ BV không thiếu thuốc do khi đấu thầu thuốc sáu tháng đầu năm 2007 đã dự trù dư ra để có đủ thuốc dùng trong khi chờ đấu thầu thuốc cho sáu tháng cuối 2007.

Ăn no rồi chỉ lo... đấu thầu!

Hôm qua 8-8, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đã có qui chế hướng dẫn đấu thầu thuốc sửa đổi, nhằm giải quyết vướng mắc làm nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện ở TP.HCM, thiếu thuốc điều trị trong thời gian qua. Đổi mới lớn nhất của qui chế này là dành quyền qui định hình thức đấu thầu thuốc vào bệnh viện cho UBND các tỉnh thành. Qui chế mới cũng cho phép các thuốc có tác dụng tương đương tham gia dự thầu (thay vì chỉ các thuốc có trong danh mục thuốc biệt dược được tham gia) nhằm tránh hiện tượng “chỉ định thầu”. Bộ Y tế cũng bãi bỏ một số giấy tờ không cần thiết cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu thuốc như giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, visa đăng ký thuốc...

Đây không phải là lần đầu tiên các BV ở TP.HCM rơi vào tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ BN. Vì sao tình trạng thiếu thuốc cứ lặp đi lặp lại? Nhiều BV cho biết họ quá mệt mỏi vì chuyện đấu thầu thuốc.

Trước đây các BV đấu thầu thuốc theo qui định của thông tư 20 liên bộ Y tế - Tài chính (ban hành tháng 7-2005). Nhưng sau này phải thực hiện theo Luật đấu thầu (tháng 4-2006) và nghị định 111 (9-2006). Do “sinh con rồi mới sinh cha” nên việc thực hiện đấu thầu thuốc ở các BV hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập do luật và thông tư “chỏi” nhau.

Nhiều BV cho biết phải “mất” hẳn một lực lượng để chuyên lo mỗi chuyện xét thầu. Còn tại Sở Y tế TP, hội đồng xét duyệt đấu thầu thuốc có đến 10 người và thêm 11 người giúp việc khác chỉ ăn no rồi lo... đấu thầu (duyệt hồ sơ mời thầu và duyệt hồ sơ đấu thầu) thuốc cho các BV. Tuy nhiên, tiến độ công việc vẫn không thể giải quyết nhanh được theo yêu cầu của các BV.

Chưa chuẩn bị tốt

Theo dược sĩ Trần Việt Trung - trưởng phòng quản lý dược Sở Y tế TP, ngoài những nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thiếu thuốc là có một số BV chưa tích cực chuẩn bị tốt cho công tác đấu thầu cuối năm 2007. Để đủ thời gian trong việc đấu thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả thầu (qui định phải hoàn tất trong 45 ngày, nhưng thực tế phải mất 2-3 tháng mới xong - PV), từ 18-1 Sở Y tế đã có văn bản nhắc nhở, chỉ đạo các BV về việc này nhưng đến ngày 8-8 mới có 18/27 BV nộp hồ sơ đấu thầu thuốc về sở. Trong đó, có hai BV mới nộp sáng 8-8 là BV Mắt và BV Truyền máu huyết học.

Dược sĩ Việt Trung cho rằng nếu TP.HCM thành lập được một trung tâm tiếp liệu thuốc và vật tư tiêu hao cho khối BV thì các BV không bị động, bởi đã có nguồn dự trữ và sẽ giảm được giá thành, tiết kiệm nhân lực, chi phí... hơn so với đấu thầu lẻ tẻ từng đơn vị.

“Đẩy” thuốc chất lượng cao ra ngoài

Có BV cho rằng qui định đấu thầu thuốc đã dẫn đến chất lượng thuốc điều trị cho BN chưa đảm bảo. “Cơ chế đấu thầu hiện nay đã “đẩy” những loại thuốc có chất lượng (thường là giá cao) của châu Âu ra khỏi danh mục thuốc của BV. Còn những thuốc được gọi là thuốc “nhái”, thuốc “phiên bản” của những nước châu Á hoặc trong khu vực lại dễ dàng trúng thầu vì giá rẻ. Chất lượng thuốc giá rẻ này như thế nào cho đến nay chưa ai kết luận được vì hầu hết BV chưa thực hiện được dược lâm sàng, mà thường là BV dựa vào thông tin của nhà sản xuất cung cấp cho mình và BV chấp nhận điều đó” - một BV cho biết.

Đây cũng là điều mà vừa qua chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới khi đi khảo sát về thực trạng xét nghiệm tại TP.HCM đã phải kêu lên nhiều BV dùng hóa chất xét nghiệm rẻ tiền, kém chất lượng dẫn đến kết quả xét nghiệm có thể không chính xác. Chưa kể có những công ty có rất nhiều chiêu thức, hoặc liên kết, toa rập với nhau để không tham gia đấu thầu thuốc và ngày càng đưa giá thuốc lên cao nhưng các BV vẫn phải chạy theo... năn nỉ họ bán, năn nỉ họ tham gia đấu thầu.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên