Hàn Quốc - Gian nan đường dân chủ

CHIÊU VĂN 07/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT - Bảng xếp hạng Chỉ số dân chủ mới nhất của Economist Intelligence Unit (EIU), công bố vào năm 2015, đánh giá Hàn Quốc là quốc gia dân chủ nhất ở châu Á, tính cả khu vực Trung Đông, Nam Á, Trung Á..., hạng 22 thế giới về các chỉ số dân chủ, với 7,97 điểm, trên cả Nhật Bản. Nhưng vụ bê bối của Tổng thống Park Geun Hye cho thấy hành trình đến với một nền dân chủ thật sự ở quốc gia này còn dài ra sao.

Bà Park cúi đầu xin lỗi quốc dân -japantimes.co.jp
Bà Park cúi đầu xin lỗi quốc dân -japantimes.co.jp

 

Vụ bê bối của bà Park

Ngày 24-10, bà Park đã phải xin lỗi công khai quốc dân đồng bào sau khi báo chí tiết lộ đứng đằng sau bà trong các quyết định quốc gia đại sự chỉ là một “người bạn thân” không hề có vị trí chính thức trong chính quyền: Choi Soon Sil.

Tệ hơn, bà Choi, vốn là con gái một cựu cố vấn của cha bà Park - cố tổng thống Park Chung Hee - và là bạn thân của tổng thống Hàn Quốc đã vài chục năm rồi, bị cáo buộc là người ra các quyết định nhân sự trong nội các, sửa diễn văn của tổng thống, và cả dùng mối quan hệ đặc quyền này nhằm trục lợi hàng chục triệu USD từ các doanh nghiệp.

Nhưng lời xin lỗi của bà Park, cùng quyết định “thí cờ” - năm cố vấn cao cấp của bà, bao gồm Chánh văn phòng tổng thống Lee Won Jong, đã phải từ chức - lẫn một cuộc cải tổ nội các bắt buộc trong tương lai gần có vẻ vẫn chưa đủ làm giảm bớt sức ép.

Thiếu thông tin, những tin đồn rộ lên dữ dội trong dư luận và các cuộc biểu tình đòi bà Park từ chức tiếp tục dai dẳng ở Seoul suốt tuần qua. “Bà Park đã mất tư cách tổng thống và cho thấy bà ta không có những phẩm chất cơ bản để điều hành đất nước” - chính trị gia đối lập Lee Jae Myung nói với Hãng tin AP.

Vụ việc một lần nữa cho thấy sự mong manh của một nền dân chủ kiểu châu Á, với những giá trị Khổng giáo còn ăn sâu bén rễ, những mối quan hệ bạn bè - gia đình - dòng tộc chi phối, đôi khi là lấn át, những định chế dân chủ du nhập từ phương Tây.

Hàn Quốc trước giờ vẫn được coi là điểm sáng của dân chủ ở châu Á, nơi các cuộc bầu cử “diễn ra tự do và công bằng”, nơi “những quyền tự do cơ bản được tôn trọng”, theo đánh giá của EIU.

Nhưng cũng chính EIU, trong báo cáo năm 2015 nói trên, đã nhận xét như một lời tiên tri, rằng nền dân chủ Hàn Quốc “vẫn còn những thiếu sót như vấn đề trong quản trị nhà nước, một nền văn hóa chính trị còn kém phát triển và mức độ tham gia chính trị của các tầng lớp dân chúng thấp”.

Tất cả những đặc điểm đó vận đúng vào vụ bê bối mới nhất trên chính trường Hàn Quốc, nhưng đó không phải là vụ đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải cuối cùng.

Dù “được tiếng” là một thể chế dân chủ, Hàn Quốc thực ra chỉ bắt đầu bầu trực tiếp tổng thống và dân chủ hóa dưới thời tổng thống Roh Tae Woo, người lên nắm quyền năm 1988. Không hề ngẫu nhiên, ông Roh cũng là tổng thống Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước cộng sản và năm 1991, cả hai miền Triều Tiên đồng thời được chấp thuận gia nhập Liên Hiệp Quốc theo nguyên tắc “có đi có lại”.

Trước thời ông Roh là các chính quyền độc tài quân sự nối tiếp nhau, bao gồm giai đoạn đất nước ở dưới “bàn tay sắt” của cha bà Park, ông Park Chung Hee, người mà tới nay vẫn là tổng thống tại vị lâu năm nhất ở đất nước này, 1963-1979.

Sau thời ông Roh, việc vun đắp cho nền dân chủ non trẻ và còn đầy bất ổn đã luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt với các chính quyền. Dưới thời Kim Young Sam, tổng thống lên nắm quyền năm 1993, ưu tiên hàng đầu là loại bỏ tham nhũng và bắt buộc các quan chức kê khai tài sản.

Hay tới tận năm 2003, chính quyền của tổng thống Roh Moo Hyun vẫn coi “hiện thực hóa nền dân chủ với sự tham gia nhiều hơn của người dân” là một trong ba mục tiêu trọng yếu (hai điều kia là phát triển một xã hội công bằng và xây dựng khu vực Đông Bắc Á hòa bình và phồn thịnh).

Tới thời tổng thống Lee Myung Bak (2008-2013), thì khẩu hiệu là “vì nhân dân phục vụ”. Tức hơn ai hết, chính giới lãnh đạo Hàn Quốc, tới tận đầu thế kỷ này, vẫn nhìn nhận nền dân chủ của họ là chưa hoàn thiện và cần sự vun xới liên tục, như người ta trồng tỉa một cái cây non.

Cứ đi sẽ thành đường

EIU như đã “nhìn thấu ruột gan” vấn đề ở Hàn Quốc khi đưa ra nhận xét đầy tính tiên liệu của họ. “Vấn đề trong quản trị nhà nước” xuất phát từ một nền văn hóa Khổng giáo vẫn còn đậm màu sắc “nhân trị”, thay vì những đòi hỏi “pháp trị” ngặt nghèo, cũng là điều dễ hiểu khi hệ thống dân chủ mới vốn được cấy ghép, và các chính trị gia kiểu Á Đông phải thích nghi với những đòi hỏi không quen thuộc.

Bà Park, trước vụ bê bối này, đã đủ đau đầu rồi. Nền kinh tế Hàn Quốc đang tăng trưởng chậm chạp, dân số già hóa nhanh chóng, bất bình đẳng xã hội gia tăng, người trẻ thất nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng, và láng giềng Triều Tiên thì thỉnh thoảng lại bắn tên lửa lẫn thử hạt nhân. Nhưng rốt cuộc, thách thức lớn nhất vẫn là sự vững vàng của nền dân chủ.

Vụ việc Choi Soon Sil thật ra chỉ là giọt nước làm tràn ly. “Nền văn hóa chính trị còn thấp kém” của Hàn Quốc, theo nhận xét của EIU, đã được thể hiện qua hàng loạt vụ bê bối chính trị trước đó của đảng cầm quyền Saenuri và chính bà Park.

Ngay từ khởi đầu, đó đã là một nhiệm kỳ được báo trước nhiều bất trắc. Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc bị tố cáo đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 theo hướng có lợi cho bà Park và tổng công tố nhà nước đứng đầu cuộc điều tra liên quan tới các tố cáo này sau đó bị ép từ chức, những động thái cho thấy đằng sau hậu trường của chính trường Hàn Quốc những khúc mắc không chỉ có mình bà bạn thân của tổng thống.

Đến năm 2013 lại diễn ra vụ bắt giữ nghị sĩ Lee Seok Ki của Đảng Đoàn kết tiến bộ (UPP). Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc đưa ra một cáo buộc rất kỳ lạ với ông Lee: rằng ông này âm mưu lật đổ chính quyền dân cử trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Triều Tiên.

Ông bị cáo buộc tổ chức một cuộc gặp bí mật vào tháng 5-2013 với 130 đảng viên UPP để đảo chính nếu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên vào mùa xuân năm 2013 bùng phát thành chiến tranh. Ông Lee còn bị cho rằng âm mưu tiến hành bạo động thân miền bắc và bị coi là mối đe dọa “sống còn” với an ninh quốc gia.

Tháng 2-2014, ông bị tuyên 12 năm tù giam. Đảng của ông Lee sau đó bị giải tán, dù UPP chỉ là một đảng nhỏ xíu trong quốc hội, với 5/300 ghế.

Quyết định giải tán UPP của tòa tối cao (một định chế được cho là phải độc lập với 9 thẩm phán, tổng thống, quốc hội, và chánh án tòa tối cao mỗi định chế được đề cử 3 người) cũng diễn ra chóng vánh hơn nhiều so với những phán quyết khác của tòa này: hơn một năm thay vì ba năm như thường lệ.

Những chi tiết của vụ việc có lẽ sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng, nhưng những đòi hỏi an ninh quốc gia ngặt nghèo của một đất nước trong tình trạng chiến tranh như Hàn Quốc đôi khi cản trở tiến trình minh bạch hóa thông tin, vốn là đòi hỏi cơ bản để có một thể chế dân chủ thực sự.

Tiếp đó, những biện pháp mạnh tay của bà Park với các công đoàn lao động, vụ kiện phóng viên người Nhật Bản Tatsuya Kato của tờ Sankei Shimbun vì tội mạ lị vào tháng 11-2014 khi Kato viết một bài đặt nghi vấn về việc bà Park đang ở đâu vào những ngày ngay sau thảm họa chìm phà Sewol tháng 4-2014.

Tất cả đều đã làm tổn thương nghiêm trọng sự ủng hộ của cử tri với bà Park, vốn lúc đầu rất cao nhờ vào việc bà là nữ tổng thống đầu tiên, cũng như bởi vai trò con gái một huyền thoại của bà. Những diễn biến dồn dập cũng chứng minh cho điều mà EIU gọi là “văn hóa chưa cao” với quá nhiều đòn đánh dưới thắt lưng của nền chính trị nước này.

Cuối cùng, vấn đề “mức độ tham gia chính trị” có lẽ thể hiện rõ nhất qua chính sách ngày càng ngặt nghèo với báo chí, tiếng nói dân sự bắt buộc phải có của các nền dân chủ lành mạnh.

Từ năm 2011, dưới thời ông Lee Myung Back, Tổ chức Freedom House đã hạ mức tự do báo chí ở Hàn Quốc từ “tự do” xuống còn “tự do một phần” với lời giải thích là sự kiểm duyệt trên mạng đã gia tăng ở nước này và khoảng 160 nhà báo đã bị phạt vì chỉ trích chính quyền.

Chính quyền của bà Park tiếp tục khuynh hướng đó với việc gây sức ép lên truyền thông, chủ động khởi kiện các nhà báo và tòa soạn tội mạ lị. Ngoài vụ phóng viên Tatsuya Kato của Sankei Shimbun, một tờ báo Nhật Bản, chính quyền còn khởi kiện nhiều tờ báo trong nước, bao gồm Hankyoreh, Sisa Journal, Chosun DailySegye Daily tội phỉ báng tổng thống và các quan chức chính phủ cấp cao.

“Chi phí dài hạn của sự xói mòn dân chủ là tổn thất uy tín với tổng thống và chính quyền - Kim Kee Seok, giáo sư khoa khoa học chính trị, Đại học quốc gia Kangwon, bình luận trên trang eastasiaforum.org (Diễn đàn Đông Á) - Sự thay đổi phong cách lãnh đạo ở Tổng thống Park mới đầu có vẻ làm tăng sự minh bạch và dân chủ, nhưng rồi mọi chuyện thay đổi.

Bà Park và những cố vấn chính của bà... đã không thể vượt qua được những rào cản để xử lý đúng cuộc tranh cãi hiện giờ và những thách thức trực diện ở tầm quốc gia với Hàn Quốc”.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đó, nhiều người vẫn tin rằng con đường dân chủ là không thể đảo ngược ở Hàn Quốc. Xét cho cùng, đây vẫn là một trong những quốc gia đã trao cho người dân tiếng nói vào loại rộng rãi nhất ở châu Á.

“Tôi quả muốn thấy chính quyền hiện giờ hành xử khác đi, nhưng tôi không quá lo lắng - Oh Young Jin, tổng biên tập Korea Times, nói, lưu ý rằng nhiệm kỳ tổng thống ở Hàn Quốc chỉ có 5 năm, và chỉ một lần - Tôi cho rằng tình trạng của nền dân chủ Hàn Quốc là không thể đảo ngược. Chúng tôi đã tiến rất xa và không thể quay trở lại. Nền dân chủ ở đây không bị đe dọa, mà chỉ đơn giản là một công việc còn dang dở”.■

Phải thuộc lịch sử

Nhiều chuyên gia nhận định rằng để hiểu được vụ bê bối hiện tại trên chính trường Hàn Quốc, phải nhìn xa hơn vào quá khứ.

“Những quyền tự do dân chủ đã rất khó khăn mới có được của Hàn Quốc đang bị đe dọa - Steven Kim, một học giả về Triều Tiên sống ở Anh, nói - Thời tổng thống Lee Myung Bak đánh dấu khởi đầu của khuynh hướng này, và tình hình tệ hại hơn dưới thời Park Geun Hye”.

Nhìn xa hơn, Mike Breen, tác giả cuốn The Koreans đang sống ở Seoul, lưu ý rằng hai chính quyền Lee và Park, từ năm 2008 tới nay, đều là cánh hữu và cả hai vị tổng thống “lớn lên ở đỉnh điểm thành công của chế độ độc tài vào những năm 1970.

Vào lúc mà quyền lực nằm trong tay thế hệ lớn lên dưới cái bóng của mối đe dọa Triều Tiên và thừa nhận nguyên tắc cho rằng an ninh quốc gia lớn hơn các quyền dân sự”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận