26/11/2016 14:07 GMT+7

Hàn Quốc chuẩn bị luận tội tổng thống

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc dường như không còn lối thoát sau khi các đảng phái thống nhất sẽ bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun Hye vào đầu tháng 12-2016. 

Công tố viên Hàn Quốc thu các tài liệu từ văn phòng dịch vụ hưu trí quốc gia ở Jeonju hôm 23-11 - Ảnh: Reuters
Công tố viên Hàn Quốc thu các tài liệu từ văn phòng dịch vụ hưu trí quốc gia ở Jeonju hôm 23-11 - Ảnh: Reuters

Vụ bê bối tiếp tục kéo tỉ lệ ủng hộ tổng thống xuống mức thấp chưa từng có. Hãng tin Yonhap dẫn nguồn Đảng Dân chủ cho biết việc bỏ phiếu luận tội bà Park có thể diễn ra sớm nhất vào ngày 2-12 và chậm nhất là ngày 9-12.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, một khi được quốc hội thông qua, đề xuất còn phải được sự chấp thuận của tòa án hiến pháp. Tiến trình luận tội có thể mất ít nhất ba tháng.

Nếu tổng thống không ra đi, Hàn Quốc sẽ bị tê liệt

Chuyên gia khoa học chính trị ROBERT KELLY thuộc ĐH Quốc gia Pusan

Áp lực tứ bề

Dù cả quá trình có thể mất nhiều tháng, nhưng hiện tại bà Park đã không còn sự tín nhiệm nào trong mắt các đảng chính trị và người dân.

Theo Washington Post, 40 thành viên đảng cầm quyền Saenuri hôm 25-11 tuyên bố ủng hộ việc luận tội tổng thống do ba đảng đối lập đề xuất.

“Saenuri phải ủng hộ đề xuất để nhanh chóng chấm dứt tình hình chính trị bị điều khiển bởi vụ luận tội” - ông Kim Moo Sung, cựu chủ tịch đảng này và là nhân vật cầm đầu nhóm phản đối bà Park, giải thích.

Cộng với sự ủng hộ của 172 chính trị gia đối lập và độc lập, đề xuất luận tội tổng thống có thể dễ dàng đạt được đa số 200 phiếu trên 300 ghế quốc hội cần thiết để thông qua.

Ngay sau khi đề xuất được quốc hội thông qua, bà Park sẽ bị tước mọi quyền lực và chuyển việc điều hành đất nước cho thủ tướng trong khi chờ tòa án hiến pháp xem xét.

Trước đó, các chính trị gia Hàn Quốc tỏ ra lưỡng lự do quá trình có thể kéo dài và dù sao bà Park cũng sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2018.

Tới nay, mặc dù đã hai lần công khai xin lỗi dư luận nhưng bà Park vẫn không từ chức, bất chấp áp lực của những đợt biểu tình và cuộc điều tra quanh hàng loạt cáo buộc nhắm vào người bạn thân Choi Soon Sil và một số nhân vật thân cận của bà.

Tổng thống cũng tìm cách né gặp các công tố viên để trả lời thẩm vấn về việc để bà Choi bắt tay với trợ lý cao cấp nhằm lạm dụng quan hệ với tổng thống để gây áp lực lên các tập đoàn kinh tế, buộc họ quyên tiền tài trợ. Các công tố viên cho rằng Tổng thống Park cũng là một đồng phạm.

Cuộc điều tra hôm 24-11 tiếp tục mở rộng khi các công tố viên Hàn Quốc đã bất ngờ khám xét văn phòng các tập đoàn Lotte, SK và một số cơ quan chính phủ.

Hai tập đoàn này bị nghi đã rót tiền cho hai quỹ phi lợi nhuận Mir và K-Sports do bà Choi điều hành để đổi lấy sự ưu tiên của chính phủ về giấy phép miễn thuế.

Cụ thể, SK đã chuyển khoảng 9,4 triệu USD trong khi Lotte chuyển 4,1 triệu USD. Ngoài ra, Bộ Tài chính và cơ quan hải quan Hàn Quốc cũng bị khám xét.

Trước đó một ngày, Tập đoàn Samsung cũng bị khám xét với cáo buộc tương tự.

Tín nhiệm thấp kỷ lục

Trong khi đó, tỉ lệ ủng hộ bà Park tiếp tục thấp kỷ lục, rơi xuống mức 4%, theo kết quả thăm dò dư luận do Hãng Gallup Korea công bố hôm 25-11.

Đây là tỉ lệ ủng hộ thấp chưa từng có dành cho một tổng thống được dân bầu trong lịch sử Hàn Quốc. Nó cũng phản ánh sự giận dữ của người dân trong các cuộc biểu tình lớn liên tiếp diễn ra mỗi cuối tuần ở nước này hơn một tháng qua.

Dự kiến sẽ có hơn 1 triệu người dân lại tập trung trong cuộc biểu tình diễn ra hôm nay (26-11). Tuần trước, hàng trăm ngàn người đã đổ ra các đường phố ở Seoul hôm 19-11.

Trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng chính trị, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng cho biết niềm tin của người tiêu dùng tại Hàn Quốc trong tháng 11 đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn bảy năm qua.

Theo Reuters, cuộc khủng hoảng cũng làm giới kinh doanh bất an trong bối cảnh kinh tế nước này đang gặp khó khăn. “Đây là một vấn đề nghiêm trọng vì nhiều công ty đang hoãn mọi quyết định vì sự bất ổn chính trị” - nhà kinh tế Kim Sang Jo thuộc Đại học Hansung nói.

Chưa kể, cuộc khủng hoảng cũng để lại khoảng trống của Seoul trên thế giới.

Tổng thống Park đã vắng mặt trong hội nghị thượng đỉnh APEC hồi cuối tuần trước và cũng chưa rõ liệu bà có thể tham gia cuộc họp với lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc ở Tokyo vào tháng sau hay không.

Theo giới phân tích, Tổng thống Park đang đặt cược vào tòa án hiến pháp sẽ đứng về phía bà hoặc ít nhất là cản trở việc luận tội.

Theo Washington Post, sáu trên chín thẩm phán của tòa nghiêng về phe bảo thủ của bà Park. Hai thẩm phán trong số còn lại sẽ về hưu ngay trong đầu năm sau. Trong khi đó, đề xuất luận tội cần sự ủng hộ của ít nhất sáu thẩm phán.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên