29/03/2014 09:34 GMT+7

Hạn, mặn làm khổ miền Tây

NGỌC TÀI - THÚY HẰNG
NGỌC TÀI - THÚY HẰNG

TT - Theo kết quả đo đạc của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, độ mặn trên các sông trong khu vực bất ngờ tăng cao.

Chỉ số nhiễm mặn tại đa số trạm khí tượng đều ghi nhận vượt mức trung bình năm 2013. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng có nơi lên đến 75km. Cùng với nắng nóng gay gắt, người dân nhiều tỉnh ĐBSCL còn đang phải hứng chịu cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất.

mXvltbKM.jpgPhóng to
Những mảnh ruộng khô cạn vì thiếu nước tại xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - Ảnh: Ngọc Tài

“Mấy ngày thiếu nước phải xài đỡ nước nhiễm mặn, còn nước uống thì đi vay mượn như ngày xưa chạy gạo ăn từng bữa vậy. Thậm chí khi bí quá tui phải lên chợ mua một thùng nước lọc 20 lít giá 10.000 đồng về uống cầm chừng” - bà Lê Thị Phênh (ngụ xã An Điền, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) lắc đầu nói.

180.000 đồng/m3 nước

"Đời người dân tụi tui cũng “hạn” theo mùa nắng nóng mất rồi"

Ông Nguyễn Văn Thủy(xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) ngước mắt nhìn ra cánh đồng nắng chói chang than vãn

Bà Lê Thị Phênh múc ngay một gáo nước để chứng minh nước không sạch lắm, nếm có vị mặn, chát nhưng bà phải mua với giá 180.000 đồng/m3. Hơn nữa, không phải lúc nào người chở nước đi bán cũng chịu vào xóm vì đường khá xa, mỗi nhà lại không đủ tiền đổi hết một xe nước. Do đó để có nước ngọt sử dụng, những người trong xóm của bà Phênh phải góp tiền với nhau mới kêu được một xe nước.

Ông Phan Thanh Tú, ngụ xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre vừa gọi một xe máy cày mua 2m3 nước sinh hoạt với giá 25.000 đồng/m3. Ông Tú giải thích giá nước ở đây thấp hơn các nơi khác là do chiều dài quãng đường và chiều dài ống nối từ xe máy cày đến các vật dụng chứa nước ngắn. Trường hợp đi xa hơn hoặc đường sá khó đi phải trả cho chủ xe máy cày 50.000 đồng/m3 hoặc gần 100.000 đồng/m3 thì họ mới chịu chở. Hiện tại, gia đình ông Tú đã trang bị gần chục hồ nước có sức chứa khoảng 20m3 nhưng cũng không đủ dự trữ nước mưa đến mùa khô. “Bước sang tháng 2 là phải mua từng lít nước để xài. Trung bình mỗi tháng tui tốn hơn 100.000 đồng tiền nước nhưng phải xài hà tiện lắm chứ không có chuyện phung phí” - ông Tú nói.

Theo thống kê của UBND xã An Điền, toàn xã có khoảng 100 hộ dân không có nước sạch để sử dụng nên phải thường xuyên mua nước vào mùa khô. Ngoài ra, hiện tại xã vẫn chưa kéo được nước sạch từ nhà máy nước về đây. Do đó hơn 1.300 hộ dân của xã phải chấp nhận sử dụng nước giếng, nước sông có những lúc nhiễm mặn chát.

Thời tiết Nam bộ nối dài những chuỗi ngày nắng gay gắt càng làm tình trạng thiếu nước tại các huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại (tỉnh Bến Tre) thêm trầm trọng. Những ngày này đi đến đâu tại ba huyện này đều dễ dàng bắt gặp những cỗ xe máy cày nối đuôi nhau chở nước đi bán cho người dân.

Ông Phạm Trung Tính, phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre, cho biết hiện nay trung tâm đang quản lý 46 nhà máy nước với tổng công suất hơn 1.200m3/giờ, phục vụ hơn 40.000 hộ dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân nông thôn được cung cấp nước sạch chỉ đạt 36%. Ông Tính cũng ghi nhận tại các xã Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận, huyện Bình Đại người dân gặp rất nhiều khó khăn về nước sinh hoạt hằng ngày.

Hàng trăm hecta lúa khô hạn

Không những thiếu nước sinh hoạt, người dân một số tỉnh ĐBSCL hiện nay còn đối mặt với cuộc sống khó khăn phía trước, bởi những cánh đồng lúa đang chết héo vì nhiễm mặn hoặc không có nước tưới. Ông Phùng Văn Ẩn (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) đã ngưng bơm nước lên ruộng hơn 10 ngày nay. Hiện hơn 0,6ha lúa của ông gần như mất trắng bởi không có nước tưới. “Do xuống giống trễ nên tui cố tình trồng giống ngắn ngày, vậy mà cuối cùng cũng tiêu hết. Mấy bữa trước tui bơm trúng đợt nước mặn nên lúa quắt queo. Giờ để nó tự sinh tự diệt, tới ngày thu hoạch còn bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu” - ông Ẩn nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, cho biết dù đã khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ ba vì thời điểm này độ mặn nước trong các kênh nội đồng cao, không phù hợp với sản xuất lúa nhưng trên địa bàn huyện vẫn có gần 25ha lúa đã gieo sạ. Diện tích lúa tập trung chủ yếu ở các xã Phú Thạnh và Phú Đông. Hơn một tháng qua, các trà lúa này bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên thiệt hại rất nặng, những ruộng xuống giống trễ thì có nguy cơ mất trắng. Tại cánh đồng lúa của xã Phú Thạnh, người dân gần như bỏ cho lúa chết khô. Các ruộng lúa chỉ trơ lá, mặt ruộng khô cằn, nứt nẻ.

Tại Bến Tre, theo thống kê của UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri, hiện có gần 50ha lúa của xã bị nước mặn xâm nhập dẫn đến giảm năng suất 30-40%. “Phải đợi vài bữa nữa mới biết có thiệt hại hoàn toàn hay không. Mà chắc là lúa bị giảm năng suất đáng kể rồi” - ông Hồ Văn Phúc, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, nhìn nhận. Ở các xã lân cận như Tân Thủy, An Thủy (huyện Ba Tri) và xã An Điền (huyện Thạnh Phú) cũng ghi nhận những thiệt hại trên lúa tương tự.

NGỌC TÀI - THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên