01/11/2015 07:52 GMT+7

Hạn hán đe dọa Tây nguyên và miền Trung

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Trong năm 2015, do tác động của El Nino, VN xảy ra 14 đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ ở miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5oC.

Dù nhiều nơi đã có mưa dông nhưng tình trạng hạn hán, thiếu nước vẫn gay gắt tại các tỉnh Tây nguyên. Trong ảnh: nông dân trồng cà phê tại Chư Sê (Gia Lai) đào giếng tìm nước cứu cà phê - Ảnh: B.D.
Dù nhiều nơi đã có mưa dông nhưng tình trạng hạn hán, thiếu nước vẫn gay gắt tại các tỉnh Tây nguyên. Trong ảnh: nông dân trồng cà phê tại Chư Sê (Gia Lai) đào giếng tìm nước cứu cà phê - Ảnh: B.D.

Ngày 31-10, tại hội nghị trực tuyến Ứng phó với hạn hán năm 2015-2016 và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều địa phương cho rằng nếu không có giải pháp chống hạn hiệu quả, không những hoạt động sản xuất mà đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Y Dhăm Ênuôl - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho rằng nếu không khôi phục được diện tích rừng ở Đắk Lắk - lá phổi của Tây nguyên và miền Trung, hạn hán sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Lo hạn hán gay gắt hơn

Phát biểu tại hội nghị, ông Lưu Xuân Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết từ cuối năm 2014 đến nay, Ninh Thuận đã chống chọi với đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 10 năm trở lại đây.

Từ tháng 3 đến tháng 4-2015, tổng lượng nước tích tại 20 hồ chứa (dung tích thiết kế 192,21 triệu m3) chỉ đạt khoảng 8% gây thiếu nước sinh hoạt, gia súc chết hàng loạt, nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại.

Thời điểm gay gắt nhất, trên địa bàn có gần 5.800 hộ với 25.158 người thiếu nước sinh hoạt, 2.515 gia súc chết và 2.079ha cây trồng bị thiệt hại.

Theo ông Vĩnh, từ tháng 9 tới nay, Ninh Thuận đã có mưa nhưng không đều, vẫn còn 17 hồ chứa mới tích được dưới 20% lượng nước. Nếu hiện tượng El Nino kéo dài đến tháng 6-2016, hạn hán sẽ vô cùng phức tạp, gay gắt hơn thời gian qua.

Trong khi đó, ông Y Dhăm Ênuôl cho biết vụ đông xuân 2014-2015 Đắk Lắk thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng, vụ hè thu vừa qua thiệt hại 171 tỉ đồng do hạn hán, phải đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại.

Đặc biệt, mùa mưa năm nay ở Đắk Lắk ít hơn các năm, chỉ đạt 60-80% lượng mưa và phân bố không đồng đều, có nơi chỉ đạt trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong 770 hồ chứa trên địa bàn, chỉ mới có 250 hồ tích được 60-80% lượng nước, còn lại đều tích dưới 60% dung tích.

“Đến nay không có phương án chống hạn khả thi với cây công nghiệp dài ngày. Do cà phê và hồ tiêu đều nằm trên vùng không có hồ chứa nước nên chống hạn rất khó khăn, trong khi mực nước ngầm liên tục giảm.

Nếu dùng phương pháp tưới nhỏ giọt thì phải đầu tư ban đầu 70 triệu đồng/ha, người dân không có khả năng” - ông Y Dhăm Ênuôl nói.

Theo ông Y Dhăm Ênuôl, kết quả kiểm tra mới đây cho thấy diện tích rừng trên địa bàn chỉ còn 39% độ che phủ, đồng thời khẳng định nếu không khôi phục được diện tích rừng ở Đắk Lắk - lá phổi của Tây nguyên và miền Trung, hạn hán sẽ ngày càng tăng.

“Chúng tôi đã lập ban chỉ đạo và ra chỉ thị về phòng chống hạn, đối phó với tác động của El Nino, phân trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành, nhưng chắc chắn sẽ đón những kết quả không tốt đẹp trong vụ đông xuân tới. Hiện nay mưa đã giảm dần, dù bão có thiệt hại nhưng có khi chúng tôi mong có bão để bổ sung nguồn nước” - ông Y Dhăm Ênuôl nói.

Ưu tiên số 1 là nước cho sinh hoạt

Sau khi lắng nghe các ý kiến của địa phương và bộ ngành liên quan, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định hiện tượng El Nino mà VN phải đương đầu trong năm 2015-2016 rất nghiêm trọng, cường độ mạnh và kéo dài nhất trong 60 năm qua, nên cần các giải pháp căn cơ và chủ động hơn.

Theo ông Hải, phải thống nhất khả năng ứng phó là tổng lượng mưa cuối năm 2015 và đầu năm 2016 sẽ giảm 30-60%, dòng chảy cũng giảm 30-50%, có nơi đến 90%.

Trong khi đó, các hồ chứa đều tích được ít nước. Các hồ thủy điện miền Bắc thiếu hụt 9 tỉ m3, ở miền Trung phần lớn các hồ mới tích được 20-30% nước, Tây nguyên và Nam bộ cũng hết sức khó khăn về nguồn nước.

ĐBSCL giảm 20-40% lượng nước trong mùa cạn, đến giờ mùa lũ cũng ghi nhận mực nước thấp nhất kể từ năm 1926.

“Thời tiết ngày càng cực đoan, mùa đông ấm, mùa mưa lại khô. Vừa mưa cực đoan ở Quảng Ninh lại thiếu mưa ngay trong mùa mưa ở Tây nguyên...” - ông Hải nói về sự biến đổi của thời tiết.

Để đối phó với hạn, theo ông Hải, mục tiêu số 1 là ưu tiên nước cho sinh hoạt, dịch vụ, gia súc. Sau đó mới đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản rồi mới đến sản xuất công nghiệp.

“Về lâu dài phải đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông cho toàn dân hiểu chúng ta thiếu nước và sự bất thường của thời tiết để mọi người tiết kiệm và sử dụng nước hiệu quả. Đây là vấn đề lâu dài chứ không chỉ đối phó khi có El Nino” - ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó thủ tướng chỉ đạo các hồ thủy điện cũng phải hết sức tiết kiệm từ bây giờ để duy trì nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho các vùng bị hạn, đồng thời khuyến khích người dân, các tổ chức có biện pháp tích trữ và sử dụng nước hiệu quả.

Phó thủ tướng đề nghị các địa phương rà soát lại kế hoạch ứng phó hạn hán, chú trọng việc sử dụng nước cân bằng.

Bộ NN&PTNT tổng hợp các kiến nghị của địa phương, rà soát lại kế hoạch thực hiện các dự án chống xâm nhập mặn, cấp nước ngọt, chống sạt lở để có phương án giải quyết kịp thời.

Thời tiết thất thường, hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn

Theo ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hầu hết các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới đều khẳng định có đến 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa xuân 2016, dài nhất trong khoảng 60 năm qua.

VN sẽ ít bão hơn các năm nhưng xuất hiện bão mạnh, trái quy luật, nhiều kỷ lục về nắng nóng và mùa đông ấm hơn. Đặc biệt, tổng lượng mưa thiếu hụt, trong đó miền Trung thiếu hụt từ 30-60%, nhưng thường xuất hiện các kỷ lục về mưa lớn trong thời gian ngắn.

Trong năm 2015, do tác động của El Nino, VN xảy ra 14 đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ ở miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ từ tháng 5 đến tháng 9 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5oC.

Mười tháng qua, mưa ở miền Bắc thiếu hụt 20-50%, miền Trung thiếu hụt từ 30-60%, Tây nguyên và Nam bộ thiếu hụt 20-60%...

Riêng khu vực Nam bộ, xâm nhập mặn xuất hiện sớm từ tháng 1-2015 với độ mặn lớn hơn trung bình nhiều năm.

Mực nước cao nhất trong mùa lũ ở ĐBSCL thấp nhất từ năm 1926 tới nay, trong đó mực nước tại Tân Châu đo được vào ngày 15-10 là 2,55m, tại Châu Đốc ngày 30-9 là 2,35m.

Dự báo cuối năm 2015 và đầu năm 2016, khô hạn và thiếu nước xảy ra sớm hơn mức trung bình nhiều năm, trong khi nước sông Mekong đổ về ĐBSCL thiếu hụt 20-40% nên xâm nhập mặn ở Nam bộ sẽ cao hơn và vào sâu hơn các năm trước.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên