29/06/2017 14:36 GMT+7

​Hạn chế tối đa dự án BOT ở đồng bằng sông Cửu Long

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Ông Nguyễn Nhật - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho biết như vậy tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ ngày 29-6.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật nêu quan điểm hạn chế dự án BOT trong lĩnh vực giao thông ở ĐBSCL tại hội nghị sơ kết của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ ngày 29-6 - Ảnh: Chí Quốc

Chỉ làm dự án BOT một số tuyến đường quan trọng

Theo ông Nhật, hiện bộ đã huy động được 29.000 tỉ đồng đầu tư 12 dự án BOT giao thông trong vùng ĐBSCL. Trong đó, 5 dự án đã đưa vào hoạt động (tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng), 7 dự án còn lại (tổng vốn đầu tư 22.000 tỉ đồng) đang triển khai thực hiện và bộ cũng dự kiến kêu gọi đầu tư thêm 4 dự án BOT nữa.

“Hiện nay trong vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố, quan điểm chúng tôi là đề xuất Thủ tướng xem xét, hạn chế dự án BOT, chỉ làm ở một số tuyến đường quan trọng”, ông Nhật nói.

Ông Nhật cũng thông tin, qua làm việc với các tỉnh, thành giai đoạn 2017-2020, toàn ĐBSCL có 17 dự án giao thông rất quan trọng và cấp bách với tổng vốn 23.000 tỉ đồng, bộ đã đề xuất sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Trong 17 dự án này thì có một số dự án đặc biệt quan trọng gồm dự án quốc lộ nâng cấp, mở rộng 30, 53, 57, 60 và cầu Đại Ngãi, cần được xử lý sớm.

Trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp vì nhiều người đi theo quốc lộ 80, chỉ sử dụng khoảng 100m đường quốc lộ 91 cũng bị thu phí - Ảnh: Chí Quốc 

Sông Tiền có 54 vị trí, sông Hậu có 10 vị trí sạt lở

Cũng tại hội nghị, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhận định tình hình sạt lở ven sông, ven biển ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp. Trên sông Tiền hiện có 54 vị trí, sông Hậu có 10 vị trí sạt lở.

Riêng tỉnh An Giang xảy ra 15 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài sạt lở là 1.039m, làm ảnh hưởng 172 căn nhà.

Tỉnh Hậu Giang xảy ra 11 điểm sạt lở đất bờ kênh với tổng chiều dài 289m, mất hơn 1.800m2 đất. Trong khi đó tình hình sạt lở bờ biển diễn ra ở nhiều tỉnh như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Đặc biệt tỉnh Kiên Giang có 69,8km bờ biển bị sạt lở, trong đó có hơn 30km sạt lở rất nghêm trọng. Tỉnh Bạc Liêu thì vỡ tường kè trên nhiều đoạn kè, Cà Mau sạt lở đất, ảnh hưởng tới 328ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 26 căn nhà.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng, trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ cho biết, gần đây nổi lên tình trạng sạt lở đất ở ĐBSCL, nhiều tỉnh thiệt hại nặng như: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Trà Vinh và Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát, sớm có kiến nghị giải pháp kịp thời.

Trong tháng 8 sẽ có hội nghị khoa học hoặc hình thức hội thảo, tọa đàm bàn về vấn đề sạt lở ở ĐBSCL để tập hợp ý kiến, đề xuất Chính phủ có các giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

“Trước mắt giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành liên quan bố trí vốn cần thiết cho vấn đề tái định cư, ổn định đời sống cho bà con, đặc biệt bà con ở một số khu vực trọng yếu”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.  

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên