04/10/2020 06:39 GMT+7

Hạn chế độc quyền ngành nước bằng cách nào?

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Thủ tướng vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch theo hướng khắc phục tình trạng phân khúc, độc quyền cung cấp nước sạch theo địa bàn.

Hạn chế độc quyền ngành nước bằng cách nào? - Ảnh 1.

Những đứa trẻ sử dụng nước sạch tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng ngành nước có tính độc quyền tự nhiên. Do đó việc đưa ra các chính sách hạn chế độc quyền rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi người dân.

Nhà nước chỉ cần tạo ra cơ chế đấu thầu công khai khi lựa chọn doanh nghiệp xây dựng các nhà máy nước sạch và đấu thầu mua nước để có cạnh tranh về giá cả.

Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông)

Xã hội hóa đầu tư nước sạch

Ông Nguyễn Hồng Tiến, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Cấp thoát nước VN, cho rằng ngành nước có tính độc quyền nên chỉ có thể hạn chế sự độc quyền để bảo đảm lợi ích của người dân sử dụng nước sạch. Một trong các giải pháp hạn chế sự độc quyền của ngành nước là đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng ngành nước như xây nhà máy, lắp đặt mạng lưới đường ống phân phối.

Thời gian qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã cổ phần hóa các đơn vị thành viên, trong đó có việc cổ phần hóa các công ty đang quản lý mạng lưới đường ống cấp nước. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các công ty quản lý mạng lưới cấp nước cũng có những bất cập vì mạng lưới cấp nước sạch luôn cần quản lý thống nhất.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - cho biết thị trường nước sạch có nhiều khâu khác nhau, trong đó khâu Nhà nước phải độc quyền là phân phối, bán lẻ nước sạch. 

Nhưng khâu sản xuất nước sạch thì có thể xóa bỏ độc quyền. Bởi hiện nay tư nhân có thể tham gia khâu sản xuất nước sạch và có thể tạo ra một thị trường cạnh tranh về sản xuất nước sạch.

Chẳng hạn tại thị trường nước sạch Hà Nội, các nhà máy nước sạch lớn của Hà Nội như Sông Đà, Sông Đuống, Xuân Mai... đều do tư nhân xây dựng. Đây là xu hướng tích cực vì Nhà nước không đủ nguồn lực để làm tất cả. 

"Nhà nước chỉ cần tạo ra cơ chế đấu thầu công khai khi lựa chọn doanh nghiệp xây dựng các nhà máy nước sạch và đấu thầu mua nước để có cạnh tranh về giá cả", ông Đồng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đồng, các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đều có quy hoạch phát triển nhà máy nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong từng thời kỳ nên hoàn toàn có thể tổ chức mời thầu công khai chọn doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước gắn với khung giá nước. Không nên để tư nhân chủ động "nhảy" vào đề xuất làm nhà máy nước sạch chỗ này chỗ kia, cần tạo ra một thị trường nước sạch có cạnh tranh, có kiểm soát.

Bà Mai Thị Liên Hương - cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng - cũng cho rằng nên tăng cường xã hội hóa trong cấp nước sạch để tránh độc quyền trong sản xuất, phân phối nước sạch. Điều đó là cần thiết nhằm hạn chế tính độc quyền tự nhiên của ngành nước. Tuy nhiên, mức độ xã hội hóa ngành nước tới đâu thì bộ đang cân nhắc để có các quy định cụ thể.

Các chuyên gia ngành nước cũng khuyến nghị để tư nhân yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch đô thị thì các địa phương phải duy trì tính ổn định quy hoạch để không phá vỡ thị trường nước. Nhà đầu tư đã trúng thầu, đầu tư nhà máy nước thì phải bảo đảm quyền kinh doanh nước của họ.

Theo Hội Cấp thoát nước VN, hiện có khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch, nước máy. Ngay tại khu vực đô thị, chỉ có 86% dân cư tiếp cận được với nước sạch, nước máy, 14% cư dân chưa tiếp cận được nước sạch, nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung.

Hạn chế độc quyền ngành nước bằng cách nào? - Ảnh 4.

Người dân dùng nước sạch khu vực quận 10, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Bảo đảm lợi ích cho người dân

Theo một lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Đông, TP Hà Nội, nước sạch là một loại hàng hóa thiết yếu, giá bán nước sạch do thành phố quy định. Tuy nhiên, các công ty phân phối, bán lẻ nước sạch trên từng địa bàn có quyền đàm phán giá mua nước từ các nhà máy sản xuất. Sau khi đàm phán, giá mua nước sạch từ các nhà máy cũng phải được sự đồng ý của thành phố.

Trường hợp các nhà máy sản xuất nước sạch bán giá quá cao thì doanh nghiệp phân phối có thể lựa chọn mua hoặc không mua. Chẳng hạn giá nước sạch từ Nhà máy Sông Đuống được tính toán là 10.246 đồng/m3, nhưng thương thảo giá mua vào của các công ty phân phối thấp hơn nhiều. Nếu mua đúng giá tính toán của Nhà máy Sông Đuống thì các doanh nghiệp phân phối sẽ lỗ. Bởi giá bán lẻ bình quân của doanh nghiệp phân phối nước sạch chỉ khoảng 8.000 đồng/m3.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Tiến, việc xây dựng các chính sách về nước sạch thời gian tới phải hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp sản xuất nước sạch, doanh nghiệp cấp nước và quyền lợi của người dân. 

Xã hội hóa đầu tư nước sạch là tất yếu nhưng sẽ rất khó chống độc quyền trong ngành nước. Bởi các công trình mạng lưới truyền tải ngành nước là công trình hạ tầng đặc thù, phục vụ dân sinh, mang tính hệ thống gồm nhà máy, mạng lưới và các công trình phụ trợ. Đây cũng là những công trình thiết yếu, người dân không thể thiếu nước sạch.

Ngoài ra, việc đầu tư vào hạ tầng như xây nhà máy nước sạch, mạng lưới đường ống phân phối cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó nếu quản lý không ổn định, phân vùng cấp nước không rõ ràng, trong một vùng cấp nước mà có hai nhà đầu tư thì sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh. 

Vì vậy, các cơ quan quản lý khi xây dựng chính sách cho ngành nước phải cân đối hài hòa lợi ích của cả người dân, doanh nghiệp. Như vậy chủ trương xã hội hóa đầu tư lĩnh vực nước sạch mới thành công.

Một chuyên gia trong ngành nước cũng khẳng định thông thường các nhà đầu tư nước sạch sẽ đề xuất đầu tư đồng bộ từ nhà máy đến mạng lưới truyền tải, phân phối. 

Vì vậy, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch của Thủ tướng cũng nêu rõ là hạn chế phân khúc theo địa bàn chứ không phải phân khúc theo mạng lưới. Ví dụ, một công ty cấp nước tại một tỉnh, nếu họ làm tốt việc cấp nước ở cả đô thị lẫn nông thôn thì nên khuyến khích mở rộng đầu tư.

Không nên tách biệt việc cấp nước giữa đô thị và nông thôn, không nên chia khúc theo địa bàn mà khuyến khích doanh nghiệp đang cung cấp nước tại đô thị mở rộng mạng lưới để phục vụ luôn cả nông thôn. Thậm chí khuyến khích họ phát triển cả mạng lưới liên tỉnh để cấp nước nếu thuận lợi về nguồn cấp, trạm cấp, mạng lưới phân phối nguồn nước. 

Thực tế tại một số địa phương như Vĩnh Long, Hải Dương, các công ty cấp nước đô thị có thể vươn tới phục vụ cấp nước sạch cho người dân nông thôn. Qua đó người dân nông thôn cũng được hưởng lợi từ dịch vụ tốt, giá cả vừa phải.

Có ý kiến thêm, ông Nguyễn Hồng Tiến nhận định hiện đang có sự phân khúc trong quản lý hoạt động cấp nước sạch theo khu vực. Bộ Xây dựng quản lý cấp nước khu vực đô thị trong khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại quản lý việc cấp nước khu vực nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng xây dựng đề án thống nhất trong cấp nước cho người dân với mục tiêu không phân biệt giữa cấp nước sạch tại đô thị với nông thôn.

Ban hành Luật quản lý cấp nước sạch vào năm 2022

Nước sạch là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy trong chỉ thị 34 về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng xây dựng Luật quản lý cấp nước sạch vào năm 2022.

Chỉ thị nêu rõ thể chế về cấp nước sạch còn thiếu, chưa đồng bộ, vẫn còn nguy cơ mất an ninh, an toàn nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục trong cấp nước sạch. Một số sự cố cấp nước ở các đô thị lớn chưa được kiểm soát, xử lý kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật quản lý cấp nước sạch vào năm 2022. Đồng thời, xây dựng nghị định mới về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch để thay thế các nghị định 117 năm 2007 và nghị định 124 năm 2011.

Nghị định này dự kiến được ban hành vào năm 2021, tập trung vào các nội dung bảo đảm an ninh, an toàn sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn nước, nhà máy sản xuất, mạng lưới truyền tải và phân phối nước, hợp đồng cung cấp dịch vụ cấp nước sạch, hợp đồng dịch vụ cấp nước và thủ tục đấu nối nước sạch.

Ông Nguyễn Minh Nhựt (phó trưởng Ban đô thị HĐND TP.HCM):

Cần có hành lang bảo vệ nước đầu nguồn

TP.HCM đã đặt mục tiêu 100% người dân được tiếp cận với nước máy và đến nay việc này đã hoàn thành. Về vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn cấp nước, qua khảo sát HĐND TP.HCM thấy có 4 việc cần đặc biệt chú ý:

Thứ nhất, trước khi có nước thủy cục, khu vực vùng ngoại thành có các trung tâm nước sạch nông thôn sử dụng nước ngầm. Khi thay thế bằng nước thủy cục thì các trung tâm này không bỏ đi, mà chuyển sang dự trữ. Do không sử dụng thường xuyên nữa nên cơ quan quản lý cần bảo trì, bảo dưỡng định kỳ để khai thác khi nguồn nước thủy cục gặp sự cố.

Thứ hai, nguồn nước đầu nguồn (nước thô) cần được khoanh vùng bảo vệ và có hành lang bảo vệ. TP.HCM đang thực hiện tốt nhưng không nên lơ là, chủ quan.

Thứ ba, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc xả thải từ các doanh nghiệp ra môi trường.

Thứ tư, hệ thống ống dẫn phải súc xả, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo không bị nhiễm tạp chất nguy hiểm.

Ông Trần Quang Minh (phó tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV - Sawaco):

TP.HCM không độc quyền trong việc cấp nước

Hiện tại Sawaco đã cổ phần hóa một số đơn vị phân phối nước. Ngoài ra, từ năm 2010 TP.HCM có chủ trương xã hội hóa cấp nước, một số nhà máy nước như Thủ Đức 2, 3, Tân Hiệp 2, Kênh Đông... cũng được tư nhân tham gia đầu tư và khai thác.

Cụ thể hiện nay mỗi ngày đêm Sawaco phát ra mạng khoảng 2,4 triệu m3 nước, trong đó có hơn 1 triệu m3 do nhà máy nước thuộc Sawaco quản lý sản xuất là Thủ Đức và Tân Hiệp. Số còn lại do 6 nhà máy thuộc tư nhân tham gia sản xuất theo hình thức BOT và BOO. Ngoài ra, việc không độc quyền cấp nước còn thể hiện ở điểm TP.HCM giao cho tư nhân (Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn) khai thác, cấp nước cho khu vực huyện Củ Chi. Trước đây, tại huyện Cần Giờ cũng có tư nhân tham gia xử lý nước mặn thành nước ngọt để cung cấp cho người dân. (LÊ PHAN ghi)

Nâng cao chất lượng nước sạch tại Quận 2, 9 và Thủ Đức Nâng cao chất lượng nước sạch tại Quận 2, 9 và Thủ Đức

Công ty CP Cấp nước Thủ Đức trực thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, đảm bảo duy trì chỉ tiêu 100% hộ dân tại Quận 2, 9, Thủ Đức được cấp nước sạch.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên