22/10/2016 10:52 GMT+7

Hai nước châu Phi liên tiếp rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Trong vòng một tuần, lần lượt Burundi và Nam Phi tuyên bố rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) như một cách phản ứng lại quan điểm bị cho là thiên lệch của cơ quan công quyền quốc tế.

Phiên xử cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo tại tòa ICC ở The Hague (Hà Lan) ngày 28-1-2016. Ông Gbagbo bị quân đội Pháp bắt giữ năm 2011 và hiện đang bị giam giữ - Ảnh: Reuters
Phiên xử cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo tại tòa ICC ở The Hague (Hà Lan) ngày 28-1-2016. Ông Gbagbo bị quân đội Pháp bắt giữ năm 2011 và hiện đang bị giam giữ - Ảnh: Reuters

Sau quyết định của Burundi đưa ra hôm 18-10, đến lượt Nam Phi chính thức tuyên bố rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 21-10.

Trước đó, hôm 19-10, chính quyền Pretoria đã gửi thư đến Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon để thông báo về quyết định của mình.

Như vậy, theo luật định, Nam Phi sẽ chính thức rời khỏi ICC sau một năm nữa, tính từ ngày ra thông báo.

Bộ trưởng Tư pháp và Phát triển Hiến pháp Nam Phi, ông Tshililo Michael Masutha giải thích về quyết định rút lui là việc làm thành viên của ICC mâu thuẫn với nghĩa vụ của nước này phải tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao của một số lãnh đạo chính trị.

Lời giải thích đó đã gây những phản ứng dậy sóng.

Các tổ chức nhân quyền đã đồng lòng lên tiếng phản đói quyết định của chính quyền Pretoria. Như Trung tâm Kiện tụng Nam Phi (SALC) - tổ chức từng đưa ra yêu cầu bắt giữ Tổng thống Omar el-Bechir của Sudan khi ông này đến thăm Nam Phi - cho biết ngày 21-10 là “một ngày buồn” cho hoạt động bảo vệ nhân quyền, và quyết định đó đã đánh dấu sự chấm dứt cuộc chiến pháp lý vẫn còn dang dở.

Một số tổ chức khác lên án nặng nề hơn. Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) mô tả quyết định của Nam Phi như “sự chối bỏ công lý”, như “một sự phản bội đối với hàng triệu nạn nhân”.

Còn tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch cho biết lấy làm tiếc vì quyết định lại được đưa ra từ một quốc gia được cả thế giới xem như là “quốc gia dẫn đầu thế giới về công lý quốc tế”.

Tổ chức Luật sư vì Nhânq quyền, cho rằng “các nạn nhân có quyền tiếp cận với công lý và các nguyên thủ quốc gia phải có nghĩa vụ tuân theo công lý”.

Nhiều nhà quan sát đã nhanh chóng cáo buộc quyết định của Nam Phi là “vi hiến và bất hợp pháp” vì Quốc hội nước này chỉ được thông báo về quyết định chứ không được tham vấn trước.

Do đó, ông Paul-Simon Handy, giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh của Pretoria, kêu gọi phần xã hội dân sự tiến hành khởi kiện đối với quyết định trên vì nó có thể đẩy đến tình trạng các quốc gia châu Phi khác sẽ theo gương Nam Phi để rời ICC. Tổ chức Liên minh Dân chủ (AD) dự kiến sẽ đứng ra khởi kiện theo hướng này.

Trong khi đó lãnh đạo nhóm nghị sĩ của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Quốc hội Nam Phi lại tuyến bố ủng hộ quyết định rút khỏi ICC vì theo ông tòa án này đã trở thành “công cụ trong tay một số quốc gia cố tình can thiệp vào hoạt động của ICC để áp đặt ý chí của mình”.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, tội ác xâm lược, tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu trái pháp luật đất đai của người dân...

ICC, thành lập ngày 1-7-2002, có trụ sở chính thức ở The Hague, nhưng các thủ tục tố tụng hình sự của tòa có thể diễn ra bất cứ nơi nào. Tính đến tháng 6-2011, có 114 quốc gia là thành viên của ICC, bao gồm tất cả các quốc gia Nam Mỹ, gần như tất cả châu Âu và gần một nửa các nước ở châu Phi.

Có 34 quốc gia khác, bao gồm Nga, đã ký nhưng không phê chuẩn Quy chế Roma vốn là "giấy phép thành lập ICC".

Quyết định của Nam Phi được cho là gắn trực tiếp với việc tổng thống Omar el-Bechir đến thăm nước này và bị gây áp lực bắt giữ. Ông Omar el-Bechir đã nhận đến 2 lệnh bắt giữ (vào năm 2009 và 2010) của ICC vì tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng ở vùng Darfour. Liên minh châu Phi cho đến nay vẫn phản đối lệnh bắt giữ ông Omar el-Bechir.

Ông Koffi Kouakou, giáo sư ĐH Witwatersrand ở Johannesburg (Nam Phi) giải thích: "Nam Phi rất bực với cách các quốc gia châu Phi bị đối xử ở ICC. Nam Phi cho rằng các lãnh đạo của châu Phi, nhất là các nguyên thủ quốc gia, chính phủ luôn bị kết tội phạm tội ác, tội tham nhũng, tội diệt chủng trong khi phần lớn còn lại của thế giới không bao giờ bị chuyện này".

Tổng thống Kenya Uruhu Kenyatta rời tòa ICC tại The Hague, trong một phiên xử năm 2011 - Ảnh: AFP
Tổng thống Kenya Uruhu Kenyatta rời tòa ICC tại The Hague, trong một phiên xử năm 2011 - Ảnh: AFP

Quả tình hiện tại nhiều quốc gia châu Phi đã tỏ ý phản đối ra mặt hoạt động của ICC khi cho rằng cơ quan này mang tính “thực dân mới” khi chỉ xử các lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo của châu Phi.

Trong hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi tại Kigali mùa hè vừa qua, vấn đề cả khối rút lui khỏi ICC từng được nêu ra dù chưa được đồng thuận cả. Một số chuyên gia nhận định rằng có những nước chưa dám rút khỏi ICC vì còn cần viện trợ của quốc tế.

Theo ông Francis Kpatindé, Giáo sư ĐH Sciences-Po Paris (Pháp), trong kỳ họp đó, các quốc gia mang tính dân tộc chủ nghĩa cao là các quốc gia chỉ trích ICC nhiều nhất. Chẳng hạn Cameroun, Ethiopia hoặc Rwanda cho đến giờ vẫn không phê chuẩn việc tham gia ICC. Một số quốc gia khác có thái độ vẫn chưa rõ ràng, như Uganda là một trong những quốc gia công kích ICC nhiều nhất nhưng lại hợp tác với ICC trong việc truy tố LRA.

LRA là tên viết tắt của lực lượng “Quân kháng chiến của Chúa” - một nhóm tôn giáo và chiến binh hoạt động ở phía bắc Uganda và Nam Sudan. LRA, thành lập năm 1987, được dẫn dắt bởi Joseph Kony, người tự xưng là "phát ngôn viên" của Thiên Chúa. Nhóm này hiện đang bị Mỹ đưa vào danh sách tổ chức khủng bố.

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên