26/10/2017 19:04 GMT+7

Hai cô gái nhỏ mang ước mơ thoát nghèo cho gia đình

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Không nhà để ở, không người thân, chỉ có hàng xóm tốt bụng cho đất dựng nhà tình thương, rồi vợ chồng làm thuê kiếm sống, nhưng bù đắp lại là những đứa con học giỏi được bạn mến cô thương.

Hai cô gái nhỏ mang ước mơ thoát nghèo cho gia đình - Ảnh 1.

Góc học tập của Như, ngọn đèn leo lét khiến cô bé bị cận thị, mắt chớp liên tục nhưng không có tiền đi cắt kính - Ảnh: D.N.

Ba mẹ của Nguyễn Thị Quỳnh Như (15 tuổi, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Phú, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) từ Quảng Nam vào xã Bàu Chinh (Châu Đức) lập nghiệp từ những năm 1990. Nói là lập nghiệp nhưng chủ yếu đi làm thuê cho người ta, ai kêu gì làm nấy, không nghề nghiệp, không một đồng lận lưng.

Gia đình không nhà không đất, chỉ có gia tài là đứa con

"Em thích dạy học lắm, nhất là những lúc giảng bài cho mấy bạn hiểu mình thấy vui trong lòng. Có khi cũng nghĩ sau này làm cô giáo dạy lý"

Nguyễn Thị Quỳnh Như

Mẹ của Như là bà Lê Thị Tỏ chăm chỉ, ai cũng thương yêu. “Vừa hiền lành vừa chăm chỉ nhưng làm mãi chẳng có được nơi ở, gia đình tui cho miếng đất để có tổ chức từ thiện xây cho nhà tình thương mà ở tạm" - anh Trung, vừa là hàng xóm vừa là ân nhân nhà Như, kể.

Nhưng căn nhà đến nay đã lụp xụp, nền bong lên lồi lõm, căn nhà chẳng có gì đáng giá. Đến độ cách đây một tuần, ba Như nhập viện do mất sức lao động, mẹ ở bệnh viện chăm ba, nhà cứ để trống vậy không cần đóng cửa, Như qua nhà chú Trung ở nhờ chứ không thể ở nhà một mình được.

Là học sinh giỏi nhiều năm liền, mới chuyển cấp nhưng vốn tính hiền lành, hay giúp giảng bài cho bạn nên ai cũng yêu quý Như. Từ nhà cách trường gần 20km, có được chiếc xe đạp điện hàng xóm cho nên Như cũng đỡ đôi phần.

Nhưng con đường đi học lắm nỗi gian nan. Ngoài tiền học, tiền ăn, giờ ba bệnh lại thêm gánh nặng cho mẹ. Cách đây vài năm, ba Như đã mất sức lao động, một phần do những năm tháng lao động cực khổ, thiếu thốn, sự buồn bực dồn nén chỉ biết giải tỏa qua rượu càng tàn phá ông hơn, nên dù mới 50 tuổi mà trông như ông già 70 tuổi.

Vốn liếng lớn nhất nhà Như có là con bò mà nghe hàng xóm vừa bán vừa cho từ lâu, sinh được một con nghé, hè đến Như đi cắt cỏ nuôi con nghé của mình, chăm thêm bò cho hàng xóm để kiếm tiền.

"Con nghé đó mẹ nói để dành cho em đi học, đau ốm cũng đừng nghĩ đến chuyện bán nó, mẹ chỉ có từng đó thôi, có muốn vay ngân hàng cho con đi học mẹ cũng chẳng có gì để thế chấp" - Như kể.

"Có khó khăn mấy cũng ráng cho con đi học"

Hai cô gái nhỏ mang ước mơ thoát nghèo cho gia đình - Ảnh 3.

Ngoài đi học, Duyên còn giúp nấu nướng đơn giản cho cả nhà - Ảnh: D.N.

Cùng học lớp với Như là em Trần Thị Mỹ Duyên (xã Kim Long, huyện Châu Đức), cũng là gia đình thuộc diện khó khăn. Nhưng Duyên may mắn, gia đình có 5 người, dù cũng sống trong căn nhà tình thương ọp ẹp, đã xây lâu năm đang xuống cấp.

"Phụ quán nước không có bao nhiêu tiền, nhưng em thấy vui cũng phụ giúp được một chút gì đó cho ba mẹ. Việc nhỏ làm được thì lớn lên mới mong thoát nghèo cho ba mẹ".

Trần Thị Mỹ Duyên

Trò chuyện với ông Trần Thanh Dũng (52 tuổi) - ba của Duyên, ông cho biết hiện gia đình vay ngân hàng gần 70 triệu đồng cho con trang trải học phí nhưng con có được hành trang sau này. “Giờ vợ chồng tui làm thuê làm mướn lo cho Duyên học hành đến nơi đến chốn, thoát nghèo thay ba mẹ thôi" - ông Dũng nói.

Lịch học bây giờ dày đặc, học chính rồi phụ đạo ở trường, được các thầy cô miễn giảm tiền học thêm nên có hôm tới 9h tối Duyên với Như mới được tan học về nhà. Nên hè là tất tả đi làm thêm, Duyên phụ quán nước cho người quen ngoài thị trấn.

Cô Mai Lan, giáo viên chủ nhiệm của Duyên và Như, chia sẻ Như nhẹ nhàng hiền lành, học giỏi; Duyên cũng học tốt nhưng lanh lẹ hoạt bát. 

"Và dù mới nhận lớp trong thời gian ngắn nhưng đủ để tôi tìm hiểu về hoàn cảnh của các em. Hơn ai hết, sự chăm ngoan, giỏi giang và hoàn cảnh quá khó khăn của các em xứng đáng để nhận học bổng hay từ sự giúp đỡ của mọi người" - cô Mai Lan nói.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm" trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.


DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên