08/11/2016 06:03 GMT+7

GS Mỹ: “Sự yêu ghét sẽ khiến cử tri đi bầu” 

QUỲNH TRUNG thực hiện từ New York
QUỲNH TRUNG thực hiện từ New York

TTO - Sáng 7-11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức buổi trao đổi thông tin về bầu cử Mỹ giữa bà Christina Greer, giáo sư khoa học chính trị trường ĐH Fordham, với các nhà báo nước ngoài, trong đó có báo Tuổi Trẻ, tại TP New York.

Buổi trao đổi với chủ đề “Trông đợi gì vào ngày bầu cử ở New York?” thu hút sự tham dự của gần 100 phóng viên nhiều nước trên thế giới. 

Bà Christina Greer, giáo sư khoa học chính trị trường ĐH Fordham, New York tại buổi gặp báo chí sáng 7-11 (giờ Mỹ, đêm 7-11 giờ Việt Nam) - Ảnh: Quỳnh Trung

GS Christina Greer nhận định cả hai ứng viên chạy đua cho chức tổng thống năm nay có rất nhiều người ghét, do đó cảm xúc ghét này sẽ khuyến khích cử tri đi tới thùng bỏ phiếu vào ngày mai (8-11, giờ Mỹ) nhằm ngăn chặn người họ ghét đắc cử tổng thống. 

Nhận định về cơ hội thắng của bà Clinton, GS Greer cho biết dù các thăm dò đang nghiêng về bà Clinton nhưng để đảm bảo phần thắng, bà Clinton nên khuyến khích những cử tri mà bà nhắm tới như người Mỹ gốc Phi, người trẻ, người gốc Á, và La-tin đi bầu càng nhiều càng tốt để bà có thể đạt đủ phiếu đại cử tri ở những tiểu bang dao động (swing states). 

Sau khi phát biểu với báo giới, GS Greer trả lời một số câu hỏi của báo chí. 

*Tuổi Trẻ: Bà suy nghĩ như thế nào khi ông Donald Trump khẳng định sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử nếu bà Hillary Clinton thắng? 

- Đối với tôi, việc ông ấy tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử là điều nguy hiểm nhất. Giá trị của nền dân chủ Mỹ chính là những cuộc bầu cử công bằng và dân chủ, và chúng tôi có sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. 

Hãy xem cách ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore chấp nhận thua cuộc sít sao trước ứng viên Đảng Cộng hòa George Bush trong cuộc bầu cử năm 2000 như một người đàn ông. 

Lần đó, ông Al Gore đạt tỷ lệ phiếu bầu phổ thông cao hơn với 48,38% so với ông Bush (47,87%) nhưng vẫn không thể giành chiến thắng vì chỉ thu được 266 phiếu đại cử tri, còn ông Bush đạt được 271 phiếu. Và sau đó, Al Gore chấp nhận quyết định gây tranh cãi của Tòa án tối cao tuyên ông George Bush thắng. 

Tôi cho rằng vào đêm bầu cử, khi kết quả được công bố, hai ứng cử viên phải chấp nhận kết quả vì đó là thể hiện sự tôn trọng pháp quyền. 

*Tuổi Trẻ: bà nhận định ai sẽ thắng?

- Với tư cách là một giảng viên khoa học chính trị, tôi nghĩ bà Hillary nhiều khả năng sẽ giành hơn 270 phiếu đại cử tri, mức phiếu đủ để đắc cử tổng thống. 

Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận là rất nhiều người Mỹ bất mãn với những gì mà chính quyền Obama đã làm trong 8 năm qua, và tôi không rõ con số bất mãn này là bao nhiêu. Do vậy câu trả lời của tôi là: “Không biết ai sẽ thắng” (cười). 

*Bà sẽ bỏ phiếu cho ai vào ngày mai? 

- Tôi tình nguyện bỏ phiếu cho bà Clinton vì tôi nghĩ ông Trump phân biệt chủng tộc, mị dân, bài ngoại. Ngoài ra, tôi cũng không thích việc ông ấy trốn thuế và không chịu trả nợ. Theo tôi, thay đổi hệ thống chính trị và phá hủy đất nước là hai vấn đề khác nhau. Tôi cho rằng nếu ông ấy được bầu làm tổng thống, ông ấy có thể phá hủy đất nước trong vòng 10 phút. 

*Bà dành nhiều lời chỉ trích cho Trump. Còn bà Clinton có những thiếu sót gì? 

- Tôi nghĩ bà ấy là “diều hâu” nên tôi sợ bà ấy sẽ dấn sâu vào những cuộc chiến không thể thoát ra được, tốn kém và mất mát như nước Mỹ đã từng can thiệp quân sự ở Iraq, Afghanistan. Tôi lo lắng nước Mỹ sẽ không đủ tiền để chi cho những cuộc chiến như thế. 

Ngoài ra, nhiều người phàn nàn về các sáng kiến toàn cầu của bà ấy, các bê bối xung quanh chồng bà (cựu Tổng thống Bill Clinton), và vấn đề tiền bạc. Tôi phải nói một cách công bằng có nhiều bê bối xung quanh hai ứng viên.

Tôi cũng cho rằng trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm sắp tới, cũng sẽ xảy ra bê bối, ở mức độ lớn hoặc nhỏ. Điều khiến tôi lo sợ những bê bối của tổng thống kế tiếp sẽ khiến toàn bộ thế hệ trẻ ở Mỹ xa rời chính trị vì họ cho rằng “tổng thống thật xấu xa”. 

*Bà có cho rằng các chiêu trò mà hai ứng viên đã dùng trong chiến dịch vận động tranh cử năm nay có thay đổi cách người Mỹ tin vào chính quyền và những cuộc bầu cử tương lai hay không? 

- Đây không phải là điều mới mẻ gì. Chúng tôi đều biết vấn đề chính trị và tiền bạc liên quan với nhau như thế nào. 

Tôi mong đợi những kỳ bầu cử trong tương lai, hai ứng cử viên thân thiện với nhau chứ không như bà Hillary Clinton và Donald Trump không thèm bắt tay nhau trong cuộc tranh luận cuối cùng. 

Học sinh của tôi muốn được truyền cảm hứng chứ không muốn liên quan gì đến những người mà chúng ghét. Tôi nghĩ tương lai bầu cử của nước Mỹ còn phụ thuộc vào những ứng cử viên đó là ai nhưng dù là ai đi nữa thì nên tập trung vào một số vấn đề chính sách quan trọng và giành sự tôn trọng của mọi người. 

Bà Christina Greer - giáo sư khoa học chính trị trường ĐH Fordham, New York, trả lời báo giới tại New York sáng 7-11 (giờ Mỹ) - Ảnh: Quỳnh Trung


*Bà có nghĩ xảy ra bạo lực trong trường hợp ông Trump thất bại trong đêm bầu cử không vì ông ấy đã từng tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử nếu bà Hillary Clinton thắng? 

- Tôi hi vọng là không. Tuy nhiên điều tôi lo ngại ngay cả khi Trump chấp nhận kết quả bầu cử thì những người ủng hộ ông ấy có đồng ý hay không, có làm điều gì đó ngu ngốc hay không? 

Dù chúng tôi có chính phủ liên bang, nhưng thật sự là tất cả vấn đề chính trị ở nước Mỹ mang tính địa phương. Việc người dân cảm nhận như thế nào trong thành phố, thị trấn họ đang sống mới là điều đáng lo ngại. 

*Bà có lo ngại nếu Trump giành chiến thắng vào ngày mai? 

- Tôi nghĩ điều lo ngại không phải là Trump mà là những người ông ấy sẽ chọn vào nội các, bởi vì một tổng thống không thể điều hành đất nước một mình. Ví dụ, ông ấy sẽ bổ nhiệm ai phụ trách chính sách đối ngoại, bổ nhiệm ai cho 5.000 văn phòng cần những người có chuyên môn cao, đó mới là vấn đề đáng lo ngại. 

Bà Hillary sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua email, TS Denny Roy – chuyên gia người Mỹ ở Trung tâm Đông - Tây, Hawaii, cho biết nói về chính sách Châu Á, ông Trump có hai quan điểm chính. Đầu tiên, ông ấy nghĩ nước Mỹ phải bỏ quan hệ đồng minh với các quốc gia Châu Á trừ khi các đồng minh Châu Á đống ý trả tiền để được Mỹ bảo vệ. 

Quan điểm thứ hai của ông ấy là những những thỏa thuận thương mại của Mỹ với Châu Á là tiêu cực đối với nước Mỹ, do vậy Washington phải tránh ký các thỏa thuận thương mại quốc tế, trừ khi chúng có lợi nhiều cho nước Mỹ. “Ông Trump sẽ rất cứng rắn về vấn đề thương mại nhưng có vẻ như không quan tâm đến các vấn đề chiến lược,” TS Denny Roy nói. 

Nhận xét về bà Clinton, ông Denny Roy rằng bà Clinton ngược lại với ông Trump. Bà ấy có lẽ sẽ cứng rắn hơn về các vấn đề chiến lược với Trung Quốc nhưng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đối với các thỏa thuận thương mại, bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù trong chiến dịch tranh cử của mình, bà ấy nói sẽ phản đối TPP. Bà ấy nói một cách cụ thể là bà ấy coi trọng và muốn tiếp tục mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở Châu Á. 

QUỲNH TRUNG thực hiện từ New York
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên