01/07/2017 10:47 GMT+7

Góp sức với biển đảo

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Mỗi dự án tại cuộc thi dự án ý tưởng tình nguyện “Vì biển đảo xanh” đã thể hiện cả tấm lòng, tình yêu của người trẻ TP.HCM với biển, đảo quê hương.

*** Error ***
Ba cô gái tác giả dự án "Giờ thực hành cho em" nhận giải nhất cuộc thi - Ảnh: Q.L.

 

“Cuộc thi không chỉ là học thuật, tri thức mà tác động vào tình yêu nước vốn luôn hiện hữu trong trái tim mỗi bạn trẻ. Tình yêu ấy được thể hiện bằng trí tuệ, khát khao góp sức ở nơi đất nước đang cần

Anh LÂM ĐÌNH THẮNG (chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM)

 

Vượt qua cả trăm dự án khác, tác giả của sáu dự án tốt nhất đã có chuyến đi thực tế tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang) - hòn đảo sẽ hiện thực hóa dự án cuộc thi này - để hiểu hơn thực tế, cũng là hoàn thiện dự án trước vòng chung kết.

Phần mềm “Giờ thực hành cho em” mà nhóm Hoàng Oanh, Phương Thảo (khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM) và Thảo Phương (ĐH Luật TP.HCM) muốn thực hiện có những clip theo nội dung chương trình khoa học lớp 4 và lớp 5, được cài vào hệ thống máy tính có kết nối Internet tại Trường tiểu học - THCS Thổ Châu cùng với sân chơi khoa học vui định kỳ.

Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Kiên Giang Lâm Quốc Toàn hỏi duy trì sân chơi khoa học hằng tuần được không, Hoàng Oanh cho biết khi dự án đi vào hiện thực, nhóm sẽ chia sẻ với thầy cô, tổng phụ trách Đội của trường qua mạng và sân chơi này sẽ như tiết học ngoại khóa cho học sinh hằng tuần.

Cô Hà Thị Oanh, phó hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Thổ Châu, nói có được các clip thực hành khoa học, sân chơi như thế là quá tốt vì học trò bớt phải học chay.

Với “Vườn rau biển đảo”, Đặng Ngọc Vũ - một trong các tác giả của Trường CĐ Công thương TP.HCM - cho biết nhóm dùng ánh sáng tự nhiên kết hợp thủy canh động để trồng rau.

Giám khảo Vũ Thị Hạnh Thu (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) băn khoăn: “Thủy canh cần khá nhiều nước trong điều kiện nước trên đảo hiếm, sao không phải là tưới nhỏ giọt?”.

Đặng Ngọc Vũ tự tin: “Đảm bảo lượng nước bốc hơi rất ít vì đã có các giá thể bao phủ tiết kiệm và sử dụng luân phiên dòng nước”.

Giám khảo Trần Vũ Thành (Quỹ sống để yêu thương VN) hỏi nước ngọt trồng rau lấy từ đâu? “Sẽ tận dụng nước ngầm nhưng phải qua kiểm định đảm bảo chất lượng mới dùng” - Ngọc Vũ khẳng định.

Nhóm các bạn Thanh Thúy, Diệp Thúy và Ngọc Mỹ (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất dùng đệm lót sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi, dùng hạt chùm ngây lọc nước để giải quyết tình trạng thiếu nước, giảm ô nhiễm môi trường cho đảo.

“Share to love” của Thành Lộc và Như Ngọc (ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) kỳ vọng tạo việc làm cho bà con nhờ tận dụng vỏ sò, ốc, nguyên liệu từ biển thành quà tặng lưu niệm, du lịch.

Nhóm các bạn Hoàng Minh, Minh Phát và Thanh Sang đang thực nghiệm dự án lọc nước ngọt từ nước biển cùng giải quyết chuyện thiếu nước sinh hoạt cho dân...

Nói như phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Kiên Giang Lâm Quốc Toàn thì mỗi dự án là sự góp sức quý báu mà Thổ Chu đang chờ đón từng ngày.

100 triệu đồng thực hiện dự án

Ba dự án được đầu tư kinh phí để thành công trình phục vụ bà con tại đảo Thổ Chu. Trong đó, “Vườn rau biển đảo” nhận được 40 triệu đồng, “Giờ thực hành cho em” và “Thư quán bách khoa kết hợp xây dựng sân chơi, tủ sách cho trẻ em” mỗi dự án nhận 30 triệu đồng. Các dự án dự kiến thực hiện trong chiến dịch tình nguyện ngay hè này.

“Giờ thực hành cho em” được trao giải nhất cuộc thi, “Thư quán bách khoa kết hợp xây dựng sân chơi, tủ sách cho trẻ em” giải nhì.

Đồng giải ba là “Vườn rau biển đảo” và “Hệ thống tạo nước ngọt từ nước biển sử dụng năng lượng mặt trời” cùng giải khuyến khích trao cho “Xử lý chất thải chăn nuôi và lọc nước tại đảo Thổ Chu” và “Share to love”.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên