10/09/2013 04:15 GMT+7

Góa phụ đi tìm công lý cho chồng

HÀ AN 
HÀ AN 

TT - Không thể im lặng trước cái chết đau thương của chồng, góa phụ Laure Cloix quyết tâm đi tìm công lý để kết tội Công ty Điện lực Pháp (EDF).

NcgqgvGq.jpgPhóng to
Ông Jean-François Cloix cùng vợ - một phụ nữ can đảm. Ông Cloix qua đời năm 2009 sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi - Ảnh: Le Journal du Dimanche

Kết quả là ngày 27-8, tòa án chuyên giải quyết các tranh chấp giữa cá nhân và bảo hiểm xã hội ở Orléans, Pháp, chính thức cáo buộc EDF với “lỗi không thể tha thứ” khi để nhân viên Jean-François Cloix, 53 tuổi, phải chết do căn bệnh nghề nghiệp. Theo AFP, đây là lần đầu tiên Tập đoàn điện lực Pháp bị kết tội như thế này đối với cái chết của nhân viên.

Báo Le Journal du Dimanche ngày 8-9 dẫn lời tòa án cho biết nguyên nhân cái chết của ông Cloix có liên quan đến việc phơi nhiễm bức xạ ion hóa khi làm việc tại trung tâm hạt nhân của EDF và gây căn bệnh ung thư phổi khiến ông tử vong.

Luật sư của bà Cloix nêu rõ trong đơn kiện: vào tháng 4-2009, ông Cloix - làm việc trên 30 năm tại Trung tâm hạt nhân ở Dampierre-en-Burly thuộc tỉnh Loiret - qua đời do ung thư phổi. Năm 2010, Bảo hiểm y tế của tỉnh Loiret kết luận căn bệnh ung thư mà ông Cloix phải chịu đựng trong suốt hai năm có liên quan đến “việc phơi nhiễm bức xạ ion hóa hằng ngày tại nơi làm việc”.

“Tôi nghĩ có lẽ EDF vẫn ý thức được mối nguy hiểm nhưng lại không tìm các biện pháp bảo vệ cần thiết cho nhân viên” - bà Emmanuelle Gintrac, luật sư của phía nguyên đơn, nhận định. Đây là bằng chứng để vợ nạn nhân quyết định khởi kiện EDF ra tòa vào năm 2012.

“Họ đã lấy đi mạng sống của chồng tôi - bà Cloix tức tưởi kể - Và tôi cũng có thể bán nhà để kiện tụng nếu cần”. Đây cũng là lần đầu tiên nạn nhân dám đứng ra khởi tố một tập đoàn lớn như vậy.

Theo bản án, dù có yếu tố cho rằng ông Cloix là người hút thuốc, nguyên nhân đầu tiên gây ra ung thư phổi, nhưng cũng không thể nào giải tội cho EDF. “Dù thuốc lá là một trong những yếu tố gây bệnh nhưng nguyên nhân phơi nhiễm bức xạ là điều không thể chối bỏ” - tòa án kết luận và ghi rõ trong bản án dài sáu trang gửi cho hai bên nguyên đơn và bị đơn.

Ngay lập tức phía EDF phản kháng với lập luận “căn bệnh của ông Cloix không có dấu hiệu đặc trưng của bức xạ ion hóa”. Luật sư của EDF thông báo sẽ kháng cáo với lý do “EDF tuân thủ đúng liều lượng phóng xạ cho phép” và “nhân viên được chụp cắt lớp mỗi năm năm”.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi bản kháng cáo, EDF buộc phải bồi thường số tiền 95.000 euro (124.000 USD) cho vợ và hai con của ông Cloix với những thiệt hại vật chất và tinh thần mà họ phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. Đây cũng là “bước đệm” để các gia đình khác có thể khởi kiện EDF.

HÀ AN 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên