19/02/2017 08:41 GMT+7

Giúp phụ nữ nghèo học lập trình để đổi đời

D.KIM THOA (Theo CS Monitor)
D.KIM THOA (Theo CS Monitor)

TTO - Ở châu Mỹ Latin có một học viện dạy lập trình và phát triển web cho những phụ nữ trẻ có hoàn cảnh khó khăn của Peru, Mexico và Chile. 

Chị Mariana Costa - Ảnh: Laboratoria
Chị Mariana Costa - Ảnh: Laboratoria

Sau khi tốt nghiệp và tìm được việc làm, họ sẽ đóng góp 10% lương mỗi tháng trong hai năm để trả lại học phí cho học viện.

Hơn 80% nữ học viên của học viện công nghệ này đã tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, có mức lương cao hơn nhiều so với các công việc lao động phổ thông vốn thường dành cho phụ nữ nghèo khó, thất học ở châu Mỹ Latin.

Tuyệt vời hơn khi họ có cơ hội được làm việc tại các môi trường doanh nghiệp lớn như Google, Microsoft.

Tất cả những điều tuyệt vời đó đã và đang diễn ra tại học viện “mơ ước” Laboratoria, sáng kiến của vợ chồng chị Mariana Costa người Peru cùng người bạn học cùng lớp Rodulfo Prieto.

Từng theo học Trường Kinh tế London và sau đó nhận bằng thạc sĩ về quản trị công và phát triển tại Đại học Columbia, chị Costa có một nền tảng kiến thức rộng rãi trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xã hội và giáo dục.

Trong thời gian ở Columbia, chị đã làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận Ankay, nơi cấp các học bổng toàn phần cho những người trẻ thiệt thòi ở Peru suốt thời gian học đại học.

Sau đó chị làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận TechnoServe chuyên hỗ trợ người dân tại các nước đang phát triển thoát khỏi đói nghèo.

Học viện Laboratoria ra đời khi vợ chồng chị Costa và người bạn Prieto của họ quyết định cùng nhau khởi nghiệp. Họ chia sẻ mong muốn thành lập một doanh nghiệp có tác động xã hội.

Anh Marin, chồng Costa, là một nhà phát triển phần mềm, vì vậy họ quyết định mở một dịch vụ phát triển web cho khách hàng. Tuy nhiên khi xây dựng đội ngũ các chuyên gia phát triển phần mềm, họ nhận ra số nhân lực trong lĩnh vực này quá hẻo.

Gần 1/4 trong số những người trẻ ở châu Mỹ Latin, 22 triệu người, hoặc thất nghiệp, hoặc không thể tới trường.

Trong số đó, 70% là các cô gái. Không được giáo dục, việc thoát nghèo với những cô gái trẻ này gần như là chuyện không thể. Chị Costa quyết định tạo điều kiện để những phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận với những gì họ hoàn toàn có đủ năng lực theo đuổi.

Từ một chương trình thí điểm nhỏ với 15 học viên, dự án đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho phụ nữ nghèo của ba người này đã phát triển thành bốn học viện đào tạo ở Lima và Arequipa tại Peru, Mexico City và Santiago ở Chile.

Những người được chấp nhận tham gia chương trình học sẽ trải qua khóa đào tạo mang tính nhập môn về lập trình và thiết kế web trong sáu tháng. Sau đó Học viện Laboratoria sẽ tập trung cung cấp kiến thức thêm cho họ trong 18 tháng với những kỹ năng đáp ứng từng công việc cụ thể.

Ngành công nghiệp công nghệ hiện vẫn đang rất khát các nhà lập trình mới, vì vậy Học viện Laboratoria đã nhận được các khoản tài trợ ngân sách từ các đối tác công nghệ lớn như Google, Microsoft, Levono và nhiều tổ chức khác.

Mọi học viên đều được đài thọ hoàn toàn trong suốt quá trình học nhờ vào những khoản đóng góp đó.

Sau khi được tuyển dụng vào làm việc ở một hãng công nghệ nào đó, họ sẽ đóng góp trở lại 10% tiền lương mỗi tháng trong hai năm để hoàn trả những chi phí học viện hỗ trợ họ trong suốt thời gian học.

Và mỗi ngày từ lúc sớm tinh mơ, những phụ nữ trẻ như cô bé Mirella Acelo 17 tuổi đang sống ở một khu nhà xập xệ tại Lima, Peru lại đón xe buýt tới Học viện Laboratoria.

Không đủ tiền để học cao đẳng hay đại học, nhưng giờ đây các cô gái như Mirella Acelo vẫn tràn đầy nghị lực và hi vọng thay đổi cuộc đời bên chiếc máy tính.

D.KIM THOA (Theo CS Monitor)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên