05/12/2003 06:00 GMT+7

Giúp người dân thoát nghèo căn cơ, bền vững

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Năm 1995, TP.HCM không còn hộ đói. Đến nay TP đã có một số quận, huyện công bố “quận huyện không còn hộ nghèo” theo tiêu chí giai đoạn 1992 -2003. "TP sẽ tập trung giúp người dân thoát nghèo căn cơ, bền vững thông qua việc hỗ trợ con em hộ nghèo được đến trường, hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho các em". Ông Nguyễn Văn Xê - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội, phó Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TP - cho biết.

sLNwsDeh.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Xê
TT - Năm 1995, TP.HCM không còn hộ đói. Đến nay TP đã có một số quận, huyện công bố “quận huyện không còn hộ nghèo” theo tiêu chí giai đoạn 1992 -2003. "TP sẽ tập trung giúp người dân thoát nghèo căn cơ, bền vững thông qua việc hỗ trợ con em hộ nghèo được đến trường, hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho các em". Ông Nguyễn Văn Xê - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội, phó Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TP - cho biết.

- Chương trình xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của TP thực hiện từ năm 1992. Theo đó, những người có mức thu nhập dưới 3 triệu đồng/người/năm ở nội thành và 2,5 triệu đồng/người/năm ở ngoại thành được đưa vào diện XĐGN. Những hộ này sẽ được hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp và được nhiều ưu đãi xã hội.

Hiện nay toàn TP đã có 201 phường xã đăng ký theo tiêu chí không còn hộ có thu nhập dưới chuẩn này. TP cũng đang tập trung đẩy mạnh việc đưa tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,2% vào cuối năm 2003. Tôi xin nhấn mạnh: “thoát nghèo” ở đây là thoát theo tiêu chí TP giai đoạn đầu tiên của quá trình thực hiện chương trình XĐGN.

* Bên cạnh điều kiện chuẩn thu nhập và có hộ khẩu thường trú tại TP, những người nghèo thuộc diện tạm trú KT-3 có được đưa vào chương trình XĐGN?

- Từ năm 1999, TP đã có chủ trương cho các hộ diện KT-3 vào chương trình. Tuy nhiên, do các địa phương vẫn chưa tổ chức rà soát đầy đủ và đối tượng thường không có chỗ ở ổn định nên chương trình cũng không có điều kiện theo dõi. Hiện nay TP chỉ đưa vào chương trình những hộ diện KT-3 có điều kiện tương đối ổn định về chỗ ở.

* Với thu nhập 250.000 đồng/người/tháng ở nội thành và khoảng 200.000 đồng/người/tháng ở ngoại thành thì làm sao chất lượng cuộc sống đảm bảo?

- Đây chỉ là một tiêu chí để đánh giá mức thu nhập bình quân đầu người của người dân. Qua thực tế khảo sát, tuy thu nhập nhiều hộ đã vượt chuẩn qui định nhưng chất lượng cuộc sống chưa cao. Ví dụ một người bán vé số kiếm được 10.000 đồng/ngày là đã được công nhận “không còn nghèo”. Nhưng thực tế đó là một công việc không ổn định, anh ta lại ở trong một ngôi nhà xập xệ...

Tôi muốn nói rằng so với khu vực và thế giới thì tiêu chuẩn của ta còn rất thấp. Nếu theo mức sống chung của TP thì với thu nhập này người dân còn sống rất khó khăn. Cần nhớ tiêu chí này xuất phát từ mức sống thấp nhất và chúng ta đang làm theo phương pháp “cuốn chiếu”. Đây chỉ là chuẩn của giai đoạn thứ nhất, giai đoạn hai sẽ cao hơn và giai đoạn ba sẽ được nâng cao hơn nữa.

* Như vậy chuẩn trong giai đoạn hai sẽ như thế nào?

- Phấn đấu từ nay đến năm 2010, bình quân thu nhập đầu người của TP trên 6 triệu đồng/người/năm, bằng với chuẩn nghèo của khu vực.

* Để nâng chuẩn nghèo lên một mức mới thì TP có định hướng thế nào?

- Dù có được kinh nghiệm sau 11 năm thực hiện chương trình nhưng cũng phải xác định giai đoạn hai sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều, nhất là công tác chống tái nghèo và nâng lên chuẩn thu nhập mới. TP sẽ tập trung giúp người dân thoát nghèo căn cơ, bền vững thông qua việc hỗ trợ con em hộ nghèo được đến trường, hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho các em. Bên cạnh đó, người nghèo sẽ được tạo mọi điều kiện để tiếp cận với những chính sách ưu đãi xã hội, nhất là chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở...

Ngoài ra, TP sẽ huy động mọi nguồn lực, không chỉ là vật chất mà cả nguồn lực tinh thần nhằm giáo dục nâng cao ý thức vượt nghèo của người dân. Tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng đội ngũ làm công tác xóa đói giảm nghèo...

Theo Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TP.HCM, tính đến ngày 4-12 TP đã có 293/303 phường, xã tổ chức tổng kết 11 năm thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, trong đó có 201 phường - xã tổng kết gắn với công bố không còn hộ nghèo theo tiêu chí TP. Các phường - xã còn lại sẽ tiếp tục tổng kết từ nay đến cuối năm 2003.

Dự kiến đến cuối năm TP còn lại 1.665 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ dưới 0,15% tổng hộ dân toàn thành phố.

* Ông Trần Văn Thạnh - phó giám đốc Công ty Suleco - cho biết từ đầu năm đến nay công ty đã đưa trên 80 lao động diện xóa đói giảm nghèo hợp tác lao động tại Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc. Công ty đang tuyển chọn 100 lao động nữ diện xóa đói giảm nghèo học nghề may tại Trường Nghiệp vụ lao động quốc tế, chuẩn bị cho thị trường Nhật Bản.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên