13/08/2017 11:02 GMT+7

Giáo viên Nhật Bản thuộc tầng lớp trung lưu

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Ở Nhật Bản, nghề giáo rất được coi trọng, việc gia nhập hàng ngũ các nhà giáo còn được xem là cách để gia tăng vị thế xã hội cho bản thân và gia đình.

Một lớp học ở trường mầm non Tsukamoto tại thành phố Osaka, Nhật Bản - Ảnh: Reuters
Một lớp học ở trường mầm non Tsukamoto tại thành phố Osaka, Nhật Bản - Ảnh: Reuters

>> Phần Lan: 'học nghề giáo khó hơn nghề y' >> ​Singapore làm gì để có những giáo viên giỏi nhất?

Theo nghiên cứu của Trung tâm quốc gia về giáo dục và kinh tế, một tổ chức có trụ sở tại Washington (Mỹ) về phương pháp đào tạo giáo viên của người Nhật, tại đất nước mặt trời mọc, các giáo viên thường được trả lương cao hơn những công chức khác.

Mức lương trung bình của một giáo viên trung học cơ sở ở Nhật sau 15 năm giảng dạy (con số mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thường dùng làm tiêu chí so sánh quốc tế) là 49.408 USD, cao hơn mức trung bình của OECD là 41.701 USD.

Thi 5 kiến thức, giám sát khắt khe

Ở Nhật, các thí sinh muốn trở thành giáo viên phải tham dự kỳ thi Khảo sát đầu vào quốc gia để được xem xét cơ hội học ngành sư phạm. Kỳ thi này đánh giá thí sinh ở 5 lĩnh vực kiến thức: tiếng Nhật, ngoại ngữ, toán, khoa học và nghiên cứu xã hội.

Cùng với kỳ thi đầu vào quốc gia thì các trường đại học quốc gia cũng thường tổ chức những kỳ thi riêng.

Trong quá trình học, các sinh viên sư phạm sẽ đồng thời học cả kiến thức chuyên môn lẫn phương pháp sư phạm. Một giáo viên có kinh nghiệm sẽ đánh giá kết quả học tập của họ dưới sự giám sát của hiệu trưởng.

Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, các giáo viên sẽ phải trải qua 3 tuần thực tập giảng dạy. Những phòng ban phụ trách giáo dục ở từng quận cũng thường yêu cầu các giáo viên phải trải qua nhiều bài kiểm tra khác trước khi nhận họ về làm việc tại địa phương.

Khi được tuyển dụng rồi, họ sẽ trải qua một năm đầu tập sự với công việc. Trong giai đoạn này, sẽ có một giáo viên cao cấp giám sát và họ chưa được hưởng đầy đủ tất cả những quyền lợi của giáo viên, trong đó có việc trở thành thành viên của liên đoàn nhà giáo.

Hoàn tất thành công năm đầu tiên này họ mới trở thành một giáo viên chính thức.

Cạnh tranh "toát mồ hôi"

Một học sinh Nhật Bản cúi người trước ảnh chân dung của Nhật hoàng Hirohito và Hoàng hậu Kojun ở trường tiểu học tại Osaka - Ảnh: Reuters
Một học sinh Nhật Bản cúi người trước ảnh chân dung của Nhật hoàng Hirohito và Hoàng hậu Kojun ở trường tiểu học tại Osaka - Ảnh: Reuters

Tại Nhật, tìm được một công việc giảng dạy không đơn giản vì tính cạnh tranh rất cao, ở cả giai đoạn thi tuyển đầu vào cũng như lúc xin việc.  

Chỉ có khoảng 14% đơn ứng tuyển của các thí sinh được tiếp nhận vào các trường sư phạm. Và trong số những người tốt nghiệp những trường này, chỉ có 30-40% nhận được công việc tại các trường công lập.

Để trở thành nhà giáo, một người phải tốt nghiệp từ một trong nhiều chương trình đào tạo giáo viên ở Nhật ở các trường cao đẳng hoặc đại học. Cấp bậc văn bằng của họ sẽ tùy thuộc vào khối lượng kiến thức được đào tạo trước khi trở thành giáo viên.

Mức bằng cấp thấp nhất chỉ có giá trị trong 15 năm, dành cho những người tốt nghiệp chương trình cao đẳng sư phạm. Bằng cấp cao nhất dành cho các giáo viên có bằng thạc sĩ. Phần lớn giáo viên Nhật ít nhất đều có bằng cử nhân.

Để có thể đứng trên bục giảng, tất cả đều phải trải qua một loạt các kỳ thi sát hạch gắt gao của nhà trường và các đánh giá khắt khe khác.

Tuy nhiên nhờ sự tuyển lựa nghiêm ngặt đó mà 98% các lớp học ở bậc trung học đều được những giáo viên có văn bằng chứng chỉ về lĩnh vực hoặc bộ môn giảng dạy của họ đứng lớp.

Hiện tại, do tỉ lệ dân số già cao, số người trong độ tuổi đi học ở Nhật Bản đã giảm hơn nhiều so với trước đây nên có tới 60% cử nhân tốt nghiệp các trường sư phạm không thể tìm được việc làm ở các trường công lập.

Thực tế này cũng khiến đây là lĩnh vực mà cơ hội việc làm ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn. Hiện tại mỗi vị trí giảng dạy ở Nhật có 7 đơn xin ứng tuyển.

Lương tăng từ 27.000 USD lên 70.000 USD

Nghề giáo ở Nhật Bản được coi là một nghề nghiệp của tầng lớp trung lưu, các giáo viên được trả lương rất hậu. Từ sau Thế chiến thứ 2, do lo ngại thiếu giáo viên, thủ tướng Nhật Bản thời đó từng ra chỉ thị yêu cầu phải trả lương cho nhà giáo cao hơn 30% so với các công chức khác.

Mặc dù trong 50 năm qua, khoảng cách chênh lệch về lương này đã giảm, nhưng giáo viên vẫn là nhóm công chức được trả lương cao nhất. Một giáo viên mới vào nghề có mức lương tương đương với một kỹ sư mới ra trường.

Chẳng hạn, năm 2009, một giáo viên trung học cơ sở ở trình độ kiến thức tối thiểu nhất có mức lương khởi điểm là 27.996 USD/năm. Trong khi đó, ở trình độ kiến thức cao nhất, một giáo viên cũng ở cấp học này có thể nhận lương tới 62.442 USD/năm.

Cùng với đó, nghề giáo là nghề rất được coi trọng trong xã hội Nhật Bản, việc trở thành giáo viên còn được xem như một phương thức để tăng vị thế xã hội cho bản thân và gia đình.

Về sự thăng tiến, các giáo viên ở Nhật có thể phát triển nấc thang sự nghiệp của mình ngay tại trường mà lộ trình “thẳng nhất” là từ giáo viên vươn lên vị trí giáo viên chủ nhiệm và sau đó là hiệu trưởng.

Tuy nhiên trong từng nấc thăng tiến này còn có rất nhiều mức lương khác nhau căn cứ vào chất lượng và kinh nghiệm giảng dạy.

Ngay cả những giáo viên không bao giờ được thăng cấp thành giáo viên chủ nhiệm thì trong suốt cuộc đời làm nghề, lương của họ vẫn sẽ tăng từ 27.000 USD lên tới gần 70.000 USD với 36 bậc lương. Ngoài ra còn có thêm 20 bậc lương khác cho vị trí giáo viên chủ nhiệm và 15 bậc lương khác cho vị trí hiệu trưởng.

Có lẽ vì tất cả những điều đó mà phần lớn giáo viên người Nhật đều gắn bó với nghề nghiệp của họ cho tới lúc về hưu.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên