18/10/2017 09:46 GMT+7

Giành lại 'cát lợi'

LƯU BÌNH NHƯỠNG (Đại biểu Quốc hội, ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)
LƯU BÌNH NHƯỠNG (Đại biểu Quốc hội, ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

TTO - “Cát lợi” ở đây là cách nói thể hiện ý cái lợi của “cát tặc”, thứ ghê gớm đang làm cho nhiều người hăng hái lao vào cuộc chơi mang tính trộm đạo, gây hại lớn về môi trường và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người dân.

Giành lại cát lợi - Ảnh 1.

Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ hai tàu hút cát trái phép trên sông Thu Bồn - Ảnh: LÊ TRUNG

Đi đâu cũng thấy người dân kêu than, bức xúc, thậm chí bất bình về nạn "cát tặc".

Đường dây "cát tặc"?

Từ Bắc chí Nam, từ xuôi tới ngược, từ sông nhỏ đến sông cái, "cát tặc" lộng hành, ngang nhiên có, lén lút có... Họ dùng tàu cuốc công suất lớn, sà lan tự hành để hút, rửa, bơm, vận chuyển cát đi đến các cảng tập kết bán cho đầu nậu cát hoặc bán cho các công trình san lấp, công trình xây dựng, kể cả công trình của Nhà nước.

 Vòng xoay cát khép kín, hệt như là mê cung, có vẻ rất công khai nhưng thực sự bí hiểm, chỉ có một số đối tượng được biết khi tham gia đường dây đó.

Riêng từ 1-10-2016 đến 31-7-2017, công an các cấp đã phát hiện, bắt 2.858 trường hợp, 3.023 đối tượng vi phạm pháp luật về khai thác cát. Tuy nhiên, việc chống nạn "cát tặc" vẫn không mấy hiệu quả, mà còn như "ném đá ao bèo".

Dư luận xã hội ì xèo nhiều về các "đường dây", "ngón bảo kê" của các lực lượng chuyên trách quản lý và phòng chống vi phạm trong lĩnh vực này. 

Thậm chí còn cho rằng câu chuyện không chỉ dừng lại ở tầm địa phương, cấp xã, cấp huyện mà còn ở cả cấp trung ương. 

Đường dây "cát tặc" bắt đầu hay kết thúc từ đầu nậu hay từ người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cụ thể ra sao thì chưa có điều tra nào xác định, vì vậy rất khó lần mối để giải quyết.

Việc chống nạn "giặc cát" đã được Chính phủ quan tâm giao Bộ Công an phối hợp các cơ quan có liên quan và địa phương thực hiện. Bộ Công an đã ban hành 3 kế hoạch triển khai từ năm 2016 và 2017. 

Đừng để dân tự chống…

Người dân bức xúc đặt dấu hỏi to đùng và rất ngờ vực các công cụ quản lý tài nguyên cát, việc xử lý hành vi xâm hại môi trường qua nạn "cát tặc". 

Cuối cùng, câu trả lời có hai: Một là, "cát tặc" kiếm lợi quá lớn, bộn tiền, khủng tiền... Hai là, sự kém hiệu quả, trong đó có thể có sự bao che, lợi ích nhóm của các cơ quan, cán bộ có trách nhiệm. Vậy thì làm sao có thể chống nạn "cát tặc" đó được?

Thời gian tới, cần thực hiện nhiều biện pháp để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này. Trong đó, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu bộ, ngành, nhất là người đứng đầu địa phương trong quản lý, thanh tra, xử lý vi phạm."

Lưu Bình Nhưỡng

Một số cán bộ công an liêm khiết phát biểu những đầu nậu cát đã trả "lương" cho người theo dõi cả công an, cắm người ở cổng cơ quan công an, canh nơi đặt xuồng của công an, hễ có động là thông báo. 

Việc khai thác cát thường được tiến hành lúc nửa đêm hoặc mờ sáng, tập trung số lượng lớn tàu thuyền, sông nước mênh mông, không ai dám đương đầu vì rất nguy hiểm.

Nhưng còn một câu hỏi mà không ai trả lời: Chẳng lẽ không còn cách nào khác để chống "cát tặc"? Chẳng lẽ Nhà nước với nhiều công cụ, cơ quan được thành lập, trang bị hoành tráng đành bó tay?

Có ý kiến cho rằng trong khi cơ quan nhà nước bó tay thì hãy để người dân xử lý bọn "cát tặc" như du kích đánh giặc (đã có trường hợp người dân tổ chức đuổi "cát tặc", xử lý bằng việc đốt tàu khai thác cát trái phép). 

Họ cảm thấy như vậy sẽ hiệu quả hơn. Sức mạnh của nhân dân chắc chắn sẽ "dìm tàu, bắt tướng của cát tặc" vì họ không có gì để mất, chỉ tốn tí chút công sức, Nhà nước không trả lương, và nếu được thì được nhiều vô cùng. Họ sẽ giành "cát lợi" mà "cát tặc" đang cướp thành "cát lợi" của nhân dân, của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong nhà nước pháp quyền mà để người dân tự phát thì quả thực không nên chút nào. Qua hành động tự phát của người dân, các cơ quan có trách nhiệm cần rút kinh nghiệm và chấn chỉnh thực hiện công tác này quyết liệt và hiệu quả hơn. 

Thời gian tới, cần thực hiện nhiều biện pháp để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này. Trong đó, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu bộ, ngành, nhất là người đứng đầu địa phương trong quản lý, thanh tra, xử lý vi phạm. 

Trường hợp bị tố giác để "cát tặc" lộng hành trên địa bàn thì tùy trường hợp mà xử lý theo chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu theo pháp luật. Như vậy, vừa tránh tình trạng thiếu trách nhiệm, vừa tránh tình trạng "bảo kê" cho "cát tặc".

Chuyện như đùa

Năm ngoái, liên quan đến câu chuyện "cát tặc", có kẻ to gan, lớn mật nhắn tin đe dọa chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và vị này phải buộc lòng kêu cứu đến Thủ tướng.

Chuyện lạ có thật, chuyện thật như đùa, một phen làm cả xã hội ngơ ngác! Bản thân người viết bài này đã từng có đêm được cử tri tận miền Tây gọi điện bức xúc về việc ban đêm chứng kiến hàng đàn tàu hối hả khai thác cát trên sông Cổ Chiên, đã gọi điện cho các nhà chức trách nhưng không ai ngăn chặn.

LƯU BÌNH NHƯỠNG (Đại biểu Quốc hội, ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên