15/07/2017 07:51 GMT+7

Giảm ùn tắc giao thông: Thêm xe buýt, mới giảm xe cá nhân

NGỌC ẨN - THU DUNG
NGỌC ẨN - THU DUNG

TTO - 19 biện pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, 16 biện pháp kiểm soát xe cá nhân đã được đưa ra thảo luận, góp ý với quyết tâm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM.

Bên trong xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) thưa thớt khách, còn bên ngoài xe buýt dày đặc xe cá nhân - Ảnh: HỮU KHOA
Bên trong xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) thưa thớt khách, còn bên ngoài xe buýt dày đặc xe cá nhân - Ảnh: HỮU KHOA

Ngày 14-7, khoảng 50 nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các sở ngành TP đã góp ý về đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ở TP.HCM” do Viện Chiến lược giao thông vận tải xây dựng.

Có xây, mới cấm

Dựa trên quá trình nghiên cứu, khảo sát, đơn vị tư vấn đưa ra nhóm 19 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng và 16 giải pháp hướng tới hạn chế xe cá nhân.

Trong đó, các giải pháp nhằm tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng bao gồm đưa vào khai thác các loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, xe buýt hỗ trợ người khuyết tật. Phát triển hệ thống xe buýt đa dạng chủng loại như dịch vụ mini buýt, tăng cường sử dụng những chiếc xe buýt nhỏ tầm 16 chỗ, linh hoạt đưa đón người dân.

Báo cáo nhận định việc bố trí làn đường riêng cho xe buýt phù hợp với điều kiện hạ tầng từng khu vực, tuyến đường rất cần thiết. Hiện nay, xe buýt còn chạy chung làn đường với các phương tiện khác rất nguy hiểm, bất tiện.

Các tuyến giao thông công cộng kết nối cần được quan tâm, các tuyến buýt điện kết nối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính trên địa bàn TP nên nhanh chóng đầu tư.

Nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng không quốc tế Long Thành. TP.HCM cũng triển khai 2 tuyến buýt đường sông Bình Quới - Bạch Đằng và Bạch Đằng - Lò Gốm và sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Song song với việc phát triển vận tải hành khách công cộng, TP cũng sẽ thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

Trước hết, ban hành quy định biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ, bắt buộc đăng ký ôtô con, xe máy hằng năm trên địa bàn các quận huyện. Thu phí tất cả ôtô ra vào trung tâm TP đảm bảo tác động giảm số lượng xe ra vào trung tâm hằng ngày.

Hạn chế dừng đỗ phương tiện bằng cách quy định thời gian đỗ, thu phí cao... Giới hạn rõ số lượng xe máy, ôtô được đăng ký hoạt động Grab, Uber, tránh việc phát triển tràn lan, tăng áp lực giao thông.

Lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường các loại phương tiện theo mức khí thải khiến người dân không sử dụng xe quá cũ nát, giảm đi xe cá nhân ra đường.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị rà soát lượng xe môtô, xe máy tự chế, không đăng ký tiến tới ngưng hoạt động của loại phương tiện này. Xe máy, ôtô đã quá hạn sử dụng, hư hỏng cũng nên có biện pháp xử lý đúng pháp luật.

Tăng trưởng xe máy và ôtô con tại TP.HCM từ năm 2005 tới 2016, 
dự báo tới năm 2030 - Tư liệu: THU DUNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tăng trưởng xe máy và ôtô con tại TP.HCM từ năm 2005 tới 2016, dự báo tới năm 2030 - Tư liệu: THU DUNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bỏ xe máy thế nào?

Không đồng tình với cụm từ “kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân” như trong đề án, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất cần nói thẳng là “hạn chế xe cá nhân”, “bỏ xe cá nhân” hoặc “cấm xe cá nhân”.

Khi ban tổ chức hội nghị đặt vấn đề hạn chế xe máy hay ôtô thì nhiều đại biểu nhấn mạnh đến giải pháp hạn chế xe máy, không đề cập hạn chế ôtô.

Chuyên gia Lương Hoài Nam cho rằng đến năm 2030 muốn người dân bỏ xe máy thì Chính phủ cần xây dựng đề án thu mua xe cũ với giá hợp lý để khuyến khích người dân. Nếu làm được đồng bộ những điều trên ở cả TP.HCM và Hà Nội, đến năm 2030 chúng ta hoàn toàn có thể dừng hoạt động xe máy ở một số khu vực, tuyến đường.

Tương tự, PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khẳng định mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 sẽ cấm xe máy, như vậy đến thời điểm đó TP cần phải có khoảng 21.000 chiếc xe buýt. Trong khi hiện giờ TP chỉ có khoảng 2.000 xe, vì vậy cần giải quyết tìm nguồn vốn đầu tư xe buýt.

Ông Mai không đồng tình với đề án khi cho rằng nguyên nhân dẫn đến tắc đường do lượng phương tiện nhiều, nhu cầu đi lại cao, mà theo ông, nguyên nhân chính là do sử dụng phương tiện chưa hợp lý.

Ông Dư Phước Tân - trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị TP.HCM - ủng hộ đề án phát triển vận tải hành khách công cộng và kiểm soát xe cá nhân. Tuy nhiên, ông cũng góp ý đề án này phải tiến hành điều tra nghiên cứu theo từng khu vực đô thị, bởi mỗi khu vực sẽ có đặc điểm giao thông khác nhau.

Đặc biệt, nên chú trọng nghiên cứu tại 37 điểm ùn tắc, khu cửa ngõ TP, đầu mối trung chuyển hành khách. Như vậy, giải pháp phát triển vận tải công cộng mới chính xác và hiệu quả.

Hàng dài xe buýt bị xe máy bao vây trên dường Trường Chinh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Hàng dài xe buýt bị xe máy bao vây trên dường Trường Chinh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Thăm dò người dân về cấm xe máy

Để đảm bảo tính khách quan, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức khảo sát 30.000 phiếu phỏng vấn các hộ gia đình. Quá trình khảo sát sẽ bắt đầu từ tháng 7-2017 trên phạm vi 24 quận, huyện thuộc địa bàn TP. Nội dung phỏng vấn xoay quanh chi phí đi lại hằng ngày, sở thích và thói quen sử dụng xe máy... Sở mong muốn thu được ý kiến của người dân về việc cấm phương tiện cá nhân.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc khảo sát nhằm mục đích thu thập thông tin về thói quen đi lại, đồng thời tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của người dân về hạ tầng giao thông. Từ đó, các đơn vị xây dựng lộ trình phát triển giao thông hợp lý, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân.

So sánh số lượng xe buýt, số tuyến buýt của TP.HCM với Singapore, Hong Kong
So sánh số lượng xe buýt, số tuyến buýt của TP.HCM với Singapore, Hong Kong

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng mẫu phiếu thăm dò ý kiến người dân vẫn chưa đạt mục tiêu với đề án. Ông Dư Phước Tân cho rằng trong phiếu khảo sát nhu cầu từng hộ gia đình cũng chưa được thực hiện đầy đủ cho tất cả các thành viên ở nhiều lứa tuổi, công việc khác nhau. Như vậy, kết quả nghiên cứu chỉ phản ánh được một phần nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Theo ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những trao đổi góp phần hoàn thiện đề án về phát triển giao thông cộng và hạn chế xe cá nhân.

Sở sẽ nghiên cứu thêm để bổ sung vào đề án nhằm giải quyết các vấn đề về giải pháp, về nguồn vốn. Phấn đấu đến năm 2030 không chỉ giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông mà còn phát triển hệ thống giao thông đô thị hiện đại phục vụ người dân. Sở Giao thông vận tải TP dự kiến đến tháng 11-2017 sẽ hoàn chỉnh đề án kiểm soát sử dụng xe cá nhân.

Loay hoay từ năm 2010

Ông Lê Đỗ Mười - viện phó Viện Chiến lược giao thông vận tải - cho biết đến nay TP.HCM mới tính đến các giải pháp giảm ùn tắc giao thông là quá chậm. Từ năm 2010 đến nay TP.HCM vẫn loay hoay với giải pháp hạn chế xe cá nhân. Trong khi đó, Hà Nội đã bàn nhiều và mới đây HĐND TP Hà Nội đã thông qua lộ trình đến năm 2030 hạn chế xe cá nhân.

 

 

NGỌC ẨN - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục