26/12/2014 13:42 GMT+7

Giảm nạn ăn xin, phải tích cực trao cần câu cá

 ĐẠI KIẾT
ĐẠI KIẾT

TTO - Cùng với việc không cho tiền người ăn xin, bạn đọc còn cho rằng để giải quyết triệt để vấn nạn này, phải tạo, trao "cần câu" cho những người khó khăn.

Ảnh của bạn đọc Trần Thy Ngọc Đan gửi Tuổi Trẻ Online

* Cứ cho tiền người ăn xin là cho cá, là xức dầu cù là

Năm 1973 khi mới  bước chân vào trường công tác xã hội, cái đầu tiên đập vào mắt của nhóm sinh viên chúng tôi (gọi là nhóm vì mỗi năm chỉ tuyển một khóa học 40 sinh viên mà thôi) là tấm ảnh in trên giấy khổ lớn khoảng 1m2 dán trên tường trong thư viện.

Đó là ảnh chụp một người đứng trên mũi xuồng ba lá đang tung lưới bắt cá. Sau này chúng tôi mới biết đây là khẩu hiệu, là châm ngôn của ngành công tác xã hội. "Hãy trang bị cho họ cái lưới hơn là cho họ con cá".

Gần đây, có chủ trương tập trung những người ăn xin, người nghiện ma túy lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa vào các trung tâm xã hội để nuôi dưỡng, chữa trị, huấn nghệ để sau này ra trại họ tự mình đứng vững khi hội nhập trở lại cộng đồng. Đó cũng là một cách làm của ngành công tác xã hội.

Còn nếu chúng ta cứ tiếp tục thể hiện lòng từ bi, bác ái, bố thí, hỉ xả, thấy người ăn xin thì móc tiền ra giúp đỡ, điều này rất tốt trong trường hợp cứu tế khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn qua những cuộc lạc quyên tổ chức hẳn hoi.

Còn ngược lại chúng ta vô tình tạo ra sự ỷ lại cho họ, không loại trừ chúng ta bị kẻ xấu lợi dụng lòng tốt mà mưu cầu lợi ích riêng tư. Trường hợp này là chúng ta cho họ con cá, là xức dầu cù là cho họ vượt qua ngày đó.

Ngày sau và những ngày kế tiếp chúng ta vẫn phải tiếp tục lo cho họ nữa và xã hội sẽ không bao giờ có đủ thực lực để bố thí mãi mãi. 

Việc chăm lo những người cơ nhỡ, khó khăn như kể trên cũng là việc làm từ thiện mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và mong muốn, đồng lòng chung sức cùng lo chứ không phải mọi việc đều đổ dồn cho Nhà nước.

Đây là chủ trương lớn, cần một khoản ngân sách không nhỏ... trong khi đó đất nước còn nghèo và còn nhiều việc lớn phải lo.

Vậy nên chăng?

- Cho phép các phường, xã lập khoản thu từ các hộ dân bằng hình thức vận động như các khoản thu khác mà tổ dân phố thu hằng năm như thu chữ thập đỏ, thu nồi cháo cho người già... Ví dụ tên gọi là "Thu bảo trợ xã hội" hay "Quỹ cứu giúp người lang thang cơ nhỡ"...

- Ở các nước tiên tiến, họ vận động người dân đóng góp vào quỹ từ thiện bằng cách cho đặt hộp từ thiện (một cái lon tròn, có khoét rãnh để bỏ tiền vào), bên ngoài ghi rõ thu mục đích gì và được đặt ngay chỗ tính tiền ở các nơi kinh doanh mua bán như siêu thị, cửa hàng, quán ăn...

Hi vọng rằng với chủ trương đúng đắn và kịp thời của chính quyền, mọi người dân với tấm lòng thương người như thể thương thân sẽ chung sức đóng góp cùng lo cho tương lai những người bất hạnh, đây cũng là việc làm từ thiện, bố thí.

Rồi đây dù là cái lưới hay cần câu cũng góp nên một số vốn cho "thân chủ" để họ tự đứng vững trên đôi chân của mình. 

ĐẠI KIẾT

* Phải phân loại, giải quyết ngay công ăn việc làm cho người cơ nhỡ

- Đưa các đối tượng ăn xin tập trung về trung tâm bảo trợ; tiến hành phân loại, tìm hiểu lý do đi xin ăn sau đó thông báo với chính quyền, đoàn thể địa phương nơi quê quán hoặc nơi cư trú để vận động gia đình cùng giải quyết.

Những người không nơi nương tựa cần được giúp đỡ, tổ chức lao động để có việc làm, thu nhập; những người có gia đình thì chính quyền, đoàn thể yêu cầu gia đình đưa về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc.

Cơ quan LĐ-TB&XH các cấp cần có bộ phận chuyên trách vấn đề này, có như thế mới giải quyết triệt để vấn nạn cái bang.      

LÊ HOÀNG

 

- Nếu còn sức khỏe thì các trung tâm dạy nghề nhân đạo hỗ trợ tạo việc làm. Nếu không đủ sức khỏe thì đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng nhân đạo. Xã hội kêu gọi đóng góp vào các trung tâm này, sẽ làm đẹp xã hội.

Những người này được chăm sóc ăn uống và y tế tốt hơn. Hiện nay hiện tượng ăn xin có hai dạng: bị bọn bất lương lợi dụng hoặc phía sau họ có cuộc sống phè phỡn còn hơn cuộc sống của công nhân.        

NGUYỄN HÙNG PHONG

- Đơn giản là "hãy cho người ta cái cần câu thay vì con cá".

Nếu chính quyền có các trung tâm bảo trợ xã hội, không việc gì phải cho tiền hay cho họ bất cứ thứ gì ngoại trừ thiện chí. Ở những trung tâm này tôi tin chắc phải có những công việc giúp họ tạo ra một chút gì đó giá trị, tự nuôi sống mình trong sự bảo bọc của cộng đồng, không phải ngửa tay xin tiền nữa...      

NGUYỄN VĂN CAO NGUYÊN

 

ĐẠI KIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên