24/03/2016 20:39 GMT+7

​Giải Phan Châu Trinh vinh danh học giả Nguyễn Văn Vĩnh

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần IX – 2016 vừa trao bốn hạng mục giải năm nay tại lễ trao giải được tổ chức trang trọng vào đêm 24-3 tại TPHCM.

Nhà văn Nguyên Ngọc đang trao giải Vì sự nghiệp Văn hóa giáo dục cho GS Pierre Darriulat. Ảnh: L. Điền
Nhà văn Nguyên Ngọc đang trao giải Vì sự nghiệp Văn hóa giáo dục cho GS Pierre Darriulat - Ảnh: L. Điền

Giải Vì sự nghiệp Văn hóa giáo dục năm nay được trao cho hai cá nhân: GS Trịnh Xuân Thuận, vì những tác phẩm phổ biến kiến thức thiên văn học hiện đại dưới hình thức văn chương đã được dịch sang tiếng Việt; và GS Pierre Darriulat, vì đóng góp tâm huyết và sâu sắc cho chính sách phát triển Giáo dục Đại học Việt Nam.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, GS Pierre Darriulat từng chia sẻ: "Ở Việt Nam, ai cũng muốn đi học đại học bởi đây là con đường để đạt được sự thừa nhận của xã hội. Tuy nhiên, đại học không phải dành cho tất cả. Nhiều sinh viên không đủ trình độ đã cản trở những người khác giỏi hơn có cơ hội được đào tạo xứng đáng. Chúng ta phải tạo điều kiện cho những tài năng xuất sắc nhất phát triển, hình thành một tầng lớp tinh hoa. Bởi không thể đào tạo thành công tất cả mọi người và khiến họ tin rằng chỉ sau vài năm học đại học là họ sẽ thành công, sẽ trở nên giàu có. Điều đó là không thể".

Giải Nghiên cứu năm nay thuộc về nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh vì những công trình nghiên cứu độc đáo trong một số lĩnh vực Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh đọc diễn từ tại buổi lễ trao giải. Ảnh: L.Điền
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh đọc diễn từ tại buổi lễ trao giải. Ảnh: L.Điền

GS Đào Hữu Dũng (bút hiệu Nguyễn Nam Trân) được trao Giải Dịch thuật, vì những công trình dịch thuật các tác phẩm Lịch sử và Văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản sang tiếng Việt.

Cuối cùng, giải Việt Nam học năm nay thuộc về GS Peter Zinoman vì những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp nghiên cứu và quảng bá văn học hiện đại Việt Nam.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là hoạt động văn hóa quan trọng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, với truyền thống là vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân văn hóa và giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh nội dung trao Giải thưởng ở các hạng mục, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay cũng chính thức tôn vinh vị danh nhân văn hóa là nhân vật tiếp theo được rước vào Dự án Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại, chính là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20: Danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh.

Ông Nguyễn Lân Bình phát biểu về những tương đồng trong sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Châu Trinh - Ảnh: L.Điền
Ông Nguyễn Lân Bình phát biểu về những tương đồng trong sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Châu Trinh - Ảnh: L.Điền

Dự án Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại là hoạt động văn hóa thường niên của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nhằm tri ân và tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại; đồng thời góp phần lưu giữ và lan tỏa những giá trị tinh hóa văn hóa của các danh nhân văn hóa này thông qua các tư liệu/ tài liệu mà họ để lại và các tư liệu/ tài liệu viết/ nghiên cứu về họ.

Đây là nơi cất giữ phần “hồn” của các danh nhân thông qua việc tập hợp sâu rộng những tư liệu về cuộc đời của các danh nhân, các tác phẩm và thành tựu tiêu biểu của danh nhân, những bài viết và nghiên cứu đặc sắc về danh nhân cũng như một số đề xuất nghiên cứu thêm về từng vị danh nhân.

Tại lễ trao giải, GS Chu Hảo thay mặt Hội đồng Quản lý Quỹ đọc lời khai mạc, nhà văn Nguyên Ngọc thay mặt Hội đồng Khoa học Quỹ trao các hạng mục giải thưởng cho các vị tân chủ nhân.

GS Trịnh Xuân Thuận vì lý do địa lý và bận công tác nên không có mặt tại lễ trao giải, Quỹ sẽ chuyển Giải thưởng này đến GS Trịnh Xuân Thuận sau. Cùng lý do đó, GS Peter Zinoman cũng không đến dự lễ trao giải được, Tiến sĩ Jason Picard được sự ủy nhiệm của GS Peter Zinoman đã lên nhận thay.

GS Nguyễn Ngọc Lanh và GS Đào Hữu Dũng (Nguyễn Nam Trân) và GS Pierre Darriulat cũng trình bày diễn từ nhận giải tại buổi lễ.

Đặc biệt, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh - ông Nguyễn Lân Bình cũng có mặt tại buổi lễ trao giải. Trong bài phát biểu dành cho phần tôn vinh danh nhân Nguyễn Văn Vĩnh, ông Bình đã nhắc lại những sự kiện lịch sử liên quan đến cả Phan Châu Trinh và Nguyễn Văn Vĩnh trong quá trình dấn thân cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa, phát triển tinh thần tân học, để khai dân trí chân dân khí trong thời kỳ Việt Nam còn thuộc Pháp.

Toàn văn diễn từ bạn đọc có thể đọc tại địa chỉ: www.quyphanchautrinh.org

GS Chu Hảo bắt tay chúc mừng GS Pierre Darriulat nhận Giải năm nay - Ảnh: L.Điền
GS Chu Hảo bắt tay chúc mừng GS Pierre Darriulat nhận Giải năm nay - Ảnh: L.Điền
Các tân chủ nhân Giải Phan Châu Trinh (từ phải qua): Nguyễn Ngọc Lanh, Đào Hữu Dũng, Pierre Darriulat, Jason Picard (đại diện GS Peter Zinoman), và nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: L.Điền
Các tân chủ nhân Giải Phan Châu Trinh (từ phải qua): Nguyễn Ngọc Lanh, Đào Hữu Dũng, Pierre Darriulat, Jason Picard (đại diện GS Peter Zinoman), và nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: L.Điền

Xem các bài viết về các nhân vật đoạt giải văn hóa Phan Châu Trinh năm 2016:

* Nguyễn Văn Vĩnh - Lời người man di hiện đại

* Nhớ "người Nam mới" đầu tiên

* GS.TS Trịnh Xuân Thuận: Mãi theo đuổi "người tình vũ trụ"

* Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: "Cần giàu có cả về trí thức"

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đoạt giải thưởng UNESCO

* GS Pierre Darriulat: Hãy nói với thanh niên: bạn có tương lai ở đây

* GS Pierre Darriulat:  Đào tạo tiến sĩ: “Phải bỏ ngay những thủ tục ngớ ngẩn”

* Để những giấc mơ khoa học không đơn độc

* GS Peter Zinoman - Người dịch Số đỏ sang tiếng Anh giao lưu tại Hà Nội

* Vũ Trọng Phụng - những tác phẩm thất lạc mới “hồi hương”

* Tập sách quý về văn học Nhật Bản của Nguyễn Nam Trân

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên