Giải cứu thú quý

VŨ THANH BÌNH 08/01/2011 21:01 GMT+7

TTCT - Vài năm trước đây, động vật hoang dã được bày bán công khai trên một số lề đường tại trung tâm TP.HCM. Nay tình trạng này gần như không còn nữa nhờ đóng góp rất lớn của một tổ kiểm lâm cơ động chỉ với ba người vừa từ rừng về.

Phóng to
Ông Liêm cùng một trong hai con vượn được chăm sóc trước khi trả về rừng - Ảnh: V.T.Bình

Ông Lê Thanh Liêm hài lòng nhìn ba chú rái cá con đang lớn nhanh tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Ba con thú được xếp vào loại quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt này là tang vật của vụ án do ông và đồng đội vừa phá xong ở quận 11, TP.HCM.

Mất tháng rưỡi để cứu rái cá

Trong năm 2010, tổ kiểm lâm cơ động đã phát hiện 50 vụ, lập biên bản tịch thu 306 con vật, trong đó 114 con thuộc loại quý hiếm, phạt vi phạm hành chính 700 triệu đồng, trong đó ba vụ việc đã bị khởi tố.

“Trong một lần lên mạng, tôi thấy có một thanh niên tên V. ở quận 11 rao bán rái cá. Giá một cặp rái cá con bé bằng nắm tay là 3,5 triệu đồng. Nhiều lần tôi tiếp cận dò hỏi nguồn hàng V. bảo chưa có, hàng đưa từ nơi khác tới và phải đặt cọc trước” - ông Liêm kể. Chính vì vậy ông đã nhờ một cộng tác viên thân tín đóng vai người đến mua hàng, đặt cọc 500.000 đồng. Sau gần một tháng rưỡi tiếp cận V. mới gọi điện báo là đã có hàng về.

Cái khó nhất khi xử lý những vụ việc như thế này là phải bắt tận tay, trong khi tang vật lại nhỏ, rất dễ bị tẩu tán, mà các đối tượng buôn bán trái phép động vật hoang dã thì có lắm thủ đoạn nên phải tính toán kỹ thời điểm ra tay. Đúng hẹn, cộng tác viên của ông Liêm đến gặp V., thấy đúng là có hàng thật.

Lúc này tổ ba người của kiểm lâm cơ động phối hợp cùng cảnh sát môi trường và cảnh sát khu vực tiếp cận nhà V. và bắt quả tang. Ông Liêm nói: “Chúng tôi phát hiện thêm một con rái cá và một con kỳ đà nữa. Vụ việc đã bị khởi tố vì loại động vật này được xếp vào nhóm 1B, được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt”.

Phát hiện các đường dây mua bán động vật hoang dã liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm qua các nhà hàng đặc sản hoặc tuồn qua biên giới mới là dạng phức tạp nhất. Vụ lớn nhất năm nay là lần bắt rất nhiều rắn hổ, kỳ đà... ở quận 12. Lần này, hai thành viên còn lại của tổ kiểm lâm cơ động là ông Nguyễn Văn Khánh và anh Lê Đại Vệ phải đi trinh sát gần một tháng trời.

Ông Khánh nhớ lại: “Có người mách cho biết ở đây có vựa rắn, nhưng mãi chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được. Mấy lần đến nơi chúng tôi chỉ thấy các loại rắn tạp. Có lần đã phải bỏ ra 350.000 đồng để mua 1kg rắn hổ hành gọi là làm quen, tạo quan hệ nhưng vẫn chưa đâu vào đâu”.

Những tay buôn bán động vật hoang dã trái phép thường phân tán hàng khắp nơi, thời điểm nhập hàng về lúc ban đêm, giờ giấc thất thường. Sau gần một tháng theo dõi, một đêm nhóm trinh sát phát hiện một xe tải khả nghi. Chắp nối với những thông tin có được về những đơn đặt hàng, nhóm quyết định ra tay. Ngay 7g30 sáng hôm sau, tổ kiểm lâm cơ động cùng đại diện các cơ quan chức năng ập vào và phát hiện 43kg rắn, kỳ đà, trong đó ba con rắn hổ mang chúa nặng hơn 10kg. Vụ này cũng đã bị khởi tố.

Phóng to
Ba con rái cá vừa được giải cứu đang lớn nhanh tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi - Ảnh: V.T.Bình

“Ba người lính ngự lâm"

Ông Liêm và ông Khánh năm nay đã gần 50 tuổi, còn anh Vệ 29 tuổi. Cả ba vốn là nhân viên kiểm lâm hoạt động tại rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM). Ông Khánh cho biết: “Trước đó anh em chủ yếu làm nghiệp vụ bảo vệ ở một khu rừng sinh thái, ít có động vật hoang đã, nên khi tổ thành lập vào tháng 7-2008 cả ba đều rất bỡ ngỡ. Suốt hai tháng đầu, chúng tôi hầu như không làm được gì, cứ xách xe máy chạy lòng vòng ngoài đường, chẳng biết tiếp cận thực tế như thế nào”.

Thời điểm này, nạn buôn bán động vật hoang dã công khai ngay tại trung tâm TP.HCM, đặc biệt là khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), đang là điều nhức nhối. Các đối tượng buôn bán rong chẳng coi cơ quan chức năng ra gì.

Ông Khánh kể: “Nhiều lần cả ba anh em mặc đồng phục xông tới kiểm tra nhưng họ không chịu, giật luôn cả lồng chim thú trên tay mình rồi bỏ chạy. Có khi chúng tôi lập biên bản tịch thu thì họ đuổi theo bằng xe máy trên đường giằng lại, hoặc giật cửa lồng cho mấy con vật chạy tứ tung. Hoặc là cứ chốt phục ở chỗ này thì họ chạy sang chỗ khác”. Họ cứ đuổi bắt lòng vòng như thế nên không hiệu quả, trong khi nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã công khai đến mức báo động, các tổ chức bảo vệ môi trường lên tiếng phản đối...

Muốn làm được việc thì chỉ có cách trinh sát, nắm các đối tượng thật chặt và chọn thời điểm để phối hợp với các cơ quan chức năng. Điều thuận lợi là lúc này lực lượng cảnh sát môi trường vừa được thành lập.

Cùng với công an địa phương, họ tạo thành sự trợ giúp đắc lực để nhóm “ba người lính ngự lâm” giải quyết thành công dần dần từng vụ việc. Chẳng hạn với các đường dây bán hàng rong động vật hoang dã, chỉ có lần theo đầu mối mới triệt được tận gốc.

Ông Liêm kể: “Có một đường dây buôn bán rong từ Đồng Nai, họ là người họ hàng với nhau, hành nghề suốt mấy chục năm nay. Cứ bắt chỗ này thì họ chạy sang chỗ kia, hoặc chạy xe bán lưu động trên đường. Cho tới gần đây khi phát hiện một vụ bán mèo rừng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chúng tôi đã lập biên bản xử phạt, cảnh cáo, đồng thời thuyết phục họ từ bỏ nghề phạm pháp này. Bây giờ thì đường dây này không còn hoạt động nữa”.

Nghề dạy nghề, tổ hoạt động hiệu quả hơn nhờ sự trợ giúp của cảnh sát môi trường và công an khu vực. Như vụ nhà hàng QĐH ở quận 2, chỉ sau hai ngày trinh sát nhóm đã bắt quả tang nhà hàng này nhập về rất nhiều chồn, rắn... Dù vậy, chủ nhà hàng không ra mặt, nhân viên không hợp tác, dây dưa mãi từ 9g-13g. Nhờ sự cương quyết của cảnh sát môi trường và công an phường, chủ nhà hàng đã phải ký biên bản nộp phạt.

Ra đời từ sự hợp tác giữa Chi cục Kiểm lâm TP.HCM và Tổ chức Quốc tế bảo vệ động vật hoang dã WAR (Wildlife At Risk), thành viên của tổ đang trở thành “ngôi sao” chuyên giải cứu động vật hoang dã quý hiếm.

Ông Nguyễn Đình Cương, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, rất tự hào về tổ công tác đặc biệt này: “Chúng tôi có nhiều đội kiểm lâm cơ động, nhưng đây là lần đầu tiên có một tổ chuyên bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, phản ứng nhanh, giải quyết nhanh các vụ việc”. Còn ông Lê Xuân Lâm, đại diện của WAR, cho biết: “Nhờ có họ mà nhiều loài động vật được đưa về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi để chăm sóc và trả về tự nhiên. Cứu một con thú quý cũng như cứu một sinh mệnh vậy”.

Tình người và thú

Đối với tổ công tác, khó khăn nhất không phải là phá án từ các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật, mà là những lúc phải thuyết phục người dân giao nộp những con vật quý không được phép nuôi nhốt. Như vụ hai con vượn tại một quán cà phê ở đường Hà Huy Giáp, quận 12 vào giữa tháng 11-2010. Vừa thuyết phục vừa cam kết rằng những con vật này sẽ được chăm sóc chu đáo và thả về rừng, cuối cùng họ mới đồng ý dù thái độ rất lạnh lùng.

Ông Liêm nói: “Chúng tôi phải đưa ra bằng chứng rằng nhiều người dân khác cũng đã tự nguyện giao nộp, nếu cần họ có thể đến chứng kiến việc con thú được nuôi và thả về rừng như thế nào. Vậy mà khi bắt hai con vượn đi, bà chủ rơm rớm nước mắt chực khóc. Bà kể rằng có người quen trên Đắk Lắk biếu làm quà và giờ đã rất gắn bó với mấy con thú đáng yêu này”.

Trường hợp sau mới thật sự éo le. Trên đường Phan Huy Ích có một gia đình từ lâu nuôi một con khỉ đuôi lợn (loại khỉ này rất đẹp, còn gọi là khỉ sư tử vì có bờm). Gia đình neo người chỉ có một ông cụ 80 tuổi và một người con gái đã 50. Người phụ nữ không chồng này bị thiểu năng, nuôi con khỉ từ bé và coi nó như con.

Giọng ông Liêm chùng xuống: “Khi chúng tôi đến vận động, ông cụ đồng ý giao nộp, chỉ tội nghiệp người con ngồi khóc nức nở suốt. Rồi bà đòi theo xe lên tận Củ Chi, sau đó cứ vài ngày lại lên thăm con khỉ một lần, cho nó ăn và vuốt ve. Gần đây gia đình gọi điện báo cho chúng tôi biết là người phụ nữ này còn lặn lội lên tận Tây Ninh thăm con vật cưng mà không biết rằng nó đã được thả về rừng”.

Có rất nhiều khía cạnh trong mối quan hệ giữa con người với động vật hoang dã nhìn từ góc độ kinh tế hay xã hội, từ pháp lý đến tình cảm con người. Nhưng tổ kiểm lâm cơ động này phải tìm cách vượt qua tất cả vì trên hết là công việc, bởi như lời ông Khánh tâm sự: “Cảm giác vui nhất chính là lúc chúng tôi tận mắt nhìn thấy con thú mình giải cứu được thả về rừng. Đây là thời điểm công việc thật sự hoàn thành một cách ý nghĩa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận