GDP: phải ngồi đếm lại

HẠNH NGUYÊN (TỔNG HỢP) 15/09/2016 04:09 GMT+7

TTCT- Phương pháp tính GDP hiện nay đang quá lạc hậu so với những thay đổi mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế tại mỗi quốc gia. Nhu cầu tìm kiếm giải pháp thay thế, giúp tính toán sự phát triển của một đất nước hợp lý và đầy đủ hơn đang ngày càng bức bách.

Nền kinh tế chia sẻ đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất với cách tính GDP cũ-fastcompany.net
Nền kinh tế chia sẻ đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất với cách tính GDP cũ-fastcompany.net


Các số liệu thống kê kinh tế đáng tin cậy rất quan trọng cho lợi ích công, vì nó giúp đưa ra chính sách, lập kế hoạch kinh doanh và giúp cử tri buộc các đại biểu dân cử thực hiện trách nhiệm giải trình.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất, tạo ra trong phạm vi một nền kinh tế trong một thời gian nhất định (thường là một năm tài chính). GDP là khái niệm chúng ta dùng để hiểu và đo lường sự phát triển kinh tế.

Nhưng cách mà chúng ta dùng để đo GDP hiện nay đang ngày càng trở nên lạc hậu, chẳng khác gì nửa thế kỷ trước, thời của nền kinh tế sản xuất công nghiệp thuần túy.

Ngày nay, nền kinh tế rõ ràng đã khác và đang thay đổi chóng mặt nhờ những tiến bộ công nghệ đã thay đổi cách con người sống, làm việc, giải trí, cải thiện năng suất nhanh chóng, phát minh ra sản phẩm mới, tạo ra những cách trao đổi và cung cấp dịch vụ mới, thông qua việc kết nối liên tục và dễ dàng hơn.

Tất cả những đảo lộn đó khiến mọi quốc gia đứng trước thách thức đưa ra các số liệu kinh tế thật sự có ý nghĩa.

Nền kinh tế số hóa

Một thách thức cụ thể của việc đo lường nền kinh tế đến từ thực tế của việc xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm kỹ thuật số được cung cấp gần như miễn phí, hay được tài trợ thông qua giải pháp thay thế, như phí quảng cáo.

Trong khi rõ ràng các sản phẩm miễn phí trên mạng mang lại giá trị cho người tiêu dùng, chúng hoàn toàn không được tính vào GDP theo như tiêu chuẩn hiện hành. Do vậy, cách tính đang được sử dụng không bao hàm quy mô ngày càng tăng của hoạt động kinh tế này.

Lấy ví dụ ngành âm nhạc. Giờ đây tải nhạc và nghe trực tiếp trên mạng đã thay thế CD hầu như hoàn toàn. Nhưng tiền bạc lại không dịch chuyển tương tự như vậy: doanh số của ngành và biên lợi nhuận đều giảm.

Do đó, sự đóng góp của lĩnh vực này vào GDP như cách chúng ta vẫn đo lường có thể giảm, ngay cả khi số lượng và chất lượng của dịch vụ lại đang tăng.

Cuộc cách mạng số hóa cũng thay đổi toàn diện các mô hình kinh doanh truyền thống. Chi phí cho việc tìm kiếm các đối tác giảm nhờ các nền tảng Internet, giải phóng thị trường kỹ năng ngắn hạn, thời vụ, và tạo ra “nền kinh tế chia sẻ” (sharing economy).

Ranh giới giữa người sản xuất và người tiêu dùng đang dần bị xóa mờ. Một trong những biểu hiện của nền kinh tế số hóa là các giao dịch ngang hàng, như Uber và Airbnb. Thật ra, các hộ gia đình từ lâu đã có những giao dịch ngang hàng như thế. Sự khác biệt trong nền kinh tế số hóa là quy mô của các giao dịch này.

Và GDP, về mặt khái niệm, lẽ ra phải ghi nhận tất cả những giao dịch và giá trị gia tăng đó. Ví dụ, Airbnb, một trang mạng chia sẻ chỗ ở toàn cầu, có giá trị vốn hóa thị trường gần bằng tập đoàn khách sạn khổng lồ Hilton, nhưng thật khó định lượng và đưa các giá trị nó tạo ra vào GDP một cách rõ ràng.

Các năm 2012-2013, các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chứng kiến sự tiếp cận điện thoại thông minh tăng lần lượt 30% và 50%. Các cá nhân dùng điện thoại thông minh làm nhiều việc, tần suất tăng hơn, kể cả cho các hoạt động trước đây làm trên máy tính để bàn, như lướt web, email và vào mạng xã hội.

Các hoạt động phức tạp hơn như ngân hàng trực tuyến, mua sắm và tìm kiếm việc làm đều tăng trưởng nhanh. Nhiều hoạt động như vậy được thực hiện trên những ứng dụng di động tinh vi, ví dụ ứng dụng du lịch, di chuyển và bán lẻ đều tăng mạnh, cho thấy ảnh hưởng của dịch vụ kỹ thuật số được cung cấp thông qua các ứng dụng di động trong các lĩnh vực truyền thống.

Đó là chưa kể những hệ thống miễn phí mang lại lợi ích và giá trị cực kỳ to lớn trên mạng như Wikipedia, Linux, ở quy mô toàn cầu, mà việc sử dụng và ảnh hưởng của chúng khó có thể thích hợp với các phương cách tính GDP truyền thống.

Chúng ta sai lầm ở đâu?

Nếu cứ tiếp tục cách nghĩ, đo lường, báo cáo số liệu như trước, chúng ta sẽ chỉ thấy tăng trưởng âm và lãi suất âm. Việc đo lường sai GDP khiến các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định sai hoặc khiến các đảng phái chính trị vận động trên những nghị trình sai.

Sử dụng dữ liệu sai dựa trên khoa học lạc hậu và cũ kỹ để kể câu chuyện sai sẽ thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, các phong trào tương tự như Brexit và những phong trào phân biệt tầng lớp, tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc khác.

Trong thời đại này, đo lường GDP giống như nhắm bắn một mục tiêu di động. Trên tạp chí Harvard Business Review, hai tác giả Barry Libert và Megan Beck viết: Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản giờ là những nơi có lãi suất âm, cả Đan Mạch và Thụy Điển cũng thế.

Và ngân khố của Mỹ đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Có thể nói rằng chúng ta đang rơi vào vực thẳm, các hệ thống đào tạo nghề nghiệp và giáo dục không thể bắt kịp với thay đổi của xã hội. Nhiều công nhân nhận thấy các kỹ năng chân tay của họ giờ chẳng giúp ích gì nữa hay ít ra là không còn giá trị nhiều như trước. Những người mới gia nhập thị trường việc làm thì cảm thấy việc học hành của mình là không bao giờ đủ.

GDP được phát triển trong thời đại công nghiệp hóa giờ không đo được những tài sản vô hình như dịch vụ, kiến thức chuyên môn và sự kết nối. Khi thị trường, gồm khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư, liên tục đổi vai trò cho nhau thì các chỉ số kinh tế trở nên rất khó ước lượng.

Theo Những nguyên tắc và thông lệ kế toán được chấp nhận trong thực tiễn (GAAP), chúng ta đều đang hướng tới một tương lai các nền kinh tế lớn sẽ tăng trưởng âm, nhưng trên thực tế rất có thể cách đo đếm của chúng ta không còn đúng nữa, khi công nghệ đã làm giảm giá thành hàng hóa chúng ta mua, rút ngắn thời gian và tiết kiệm vật liệu sản xuất, cũng như thu hẹp không - thời gian vận chuyển chúng.

Nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy thặng dư tiêu dùng (customer surplus) đang tăng. Ai cũng có điện thoại di động để tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở thời gian thực, bán lẻ, âm nhạc, truyền thông toàn cầu đều nằm trong túi.

Tiếp cận giáo dục, thậm chí là các lựa chọn trực tuyến miễn phí, đang tăng ngay cả ở các trường thuộc khối Ivy League, vốn thông báo sẽ đưa một số khóa học lên mạng mà không thu tiền. Nhiều công việc mới đang xuất hiện thay thế công việc cũ.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy lao động của chúng ta ngày nay đem lại nhiều lợi ích, linh hoạt và an toàn hơn so với trước đây. Có thể do vậy, vấn đề là thế giới đang kẹt trong các cách đo lường và báo cáo tăng trưởng dựa trên sản xuất và bán các thứ, tức là hữu hình, thay vì các động cơ thúc đẩy tăng trưởng mới.

“Việc chỉ tập trung vào GDP hay tăng trưởng GDP trong nhiều thảo luận chính sách dẫn tới việc hiểu sai” - Olivier Blanchard, cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế, hiện là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, nói.

Tại Mỹ, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang của Atlanta Dennis Lockhart vừa đặt câu hỏi liệu các dữ liệu chính thức cho thấy sự tăng trưởng chỉ 1,2% trong 3 tháng tính tới tháng 7 vừa rồi có thể hiện chính xác nền kinh tế hay không.

“Nếu bạn đọc xa hơn các tiêu đề báo chí về con số tăng trưởng GDP đáng lo ngại trong quý 2, và nghiên cứu con số cuối cùng thật sự thì sẽ thấy một bức tranh thống nhất hơn về đà tăng trưởng” - ông nói.

Ở Nhật, phân tích mới của Ngân hàng Nhật Bản cho thấy khác với kết quả trước đây về năm 2014, nền kinh tế hóa ra tăng trưởng mạnh mẽ. Sự không nhất quán trong dữ liệu xuất hiện khi Ngân hàng Nhật Bản thúc đẩy các nỗ lực để có số liệu tốt hơn, tính lại chỉ số tiêu dùng theo cách của riêng họ.

Khắp thế giới đều thế. Yves Mersch, thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu, cảnh báo ảnh hưởng của thay đổi trong công nghệ lên các con số thống kê. Ở New Zealand, chính phủ đưa ra một số liệu mới đánh giá “tình trạng phúc lợi” (well-being) chứ không chỉ GDP, còn Ủy ban châu Âu đang thực hiện một dự án đã gần hai thập niên để tìm một hướng đi khác thay thế cho cách tính GDP truyền thống.

Số hóa sẽ còn phát triển hơn nữa, tức là thách thức của nó với GDP sẽ chỉ có tăng lên mà không giảm. Theo Viện McKinsey toàn cầu, kinh tế Mỹ hiện mới hiện thực hóa được 18% tiềm năng số hóa, và có thể thêm 2,2 ngàn tỉ USD vào GDP hằng năm tính tới năm 2025.

Để hình dung quy mô của khả năng sai lệch trong đo lường này, mọi đầu tư vào máy móc, bất động sản thương mại và các nhà máy của các doanh nghiệp Mỹ được tính vào GDP trong cả năm 2014 chỉ là khoảng 1,5 ngàn tỉ USD!

Tìm kiếm phương thức khác

Để tính toán tốt hơn, tổ chức đầu tư Stewart Investors tại Edinburgh đã nghiên cứu các lỗi trong tính toán GDP ở châu Á và đưa ra các biện pháp thay thế.

Nghiên cứu kinh tế vĩ mô hiện nay từ các ngân hàng đầu tư chỉ tập trung vào các kỹ thuật tính toán vốn rất nhiều sơ hở. Theo Stewart Investors, vấn đề không chỉ là tiến bộ công nghệ: “Các biện pháp tính mới càng quan trọng bởi những yếu tố mới như mức độ tàn phá thiên nhiên, tỉ lệ béo phì đang gần đạt tới định nghĩa về đại dịch của bên y tế”.

Tuy nhiên, “chỉ trích cách tính GDP hiện tại thì dễ, nhưng thay thế thì khó hơn đấy - theo lời Paul Sheard, kinh tế gia trưởng tại S&P Global ở New York - Nhất là nếu chính phủ đang điều hành nền kinh tế dựa trên thước đo này”.

Nhưng dẫu thế, các chuyên gia tin rằng đã đến lúc chúng ta phải tìm cách đo lường mọi giá trị mà loài người tạo ra: những mạng lưới các giá trị, các tài sản số có thể được sử dụng và tái sử dụng gần như vô tận, các cơ hội nghề nghiệp mới, các hoạt động kinh tế Internet...

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và quản lý cao cấp thuộc Đại học Wharton về các mô hình kinh doanh chỉ ra rằng mạng lưới và các tài sản kỹ thuật số hiện đã có giá trị hơn so với những thứ hữu hình, khả năng tiếp cận và sử dụng giờ ưu thế hơn so với việc sở hữu một phúc lợi!

Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải sớm thay đổi cách chúng ta tính toán sự thịnh vượng của kinh tế và tăng trưởng. Các cách đo lường và báo cáo mới phải thể hiện được thực tế siêu kết nối và số hóa thế giới này nay. Nguy cơ của thống kê sai lầm là rất lớn: việc phân phối vốn tài chính và con người quý giá sai lầm, chọn những lãnh đạo sai lầm và những người này sẽ đưa ra những quyết định sai lầm.■

GDP không tính được 4 yếu tố quan trọng cấu thành nền kinh tế hiện nay:

- Ảnh hưởng của sáng kiến.

- Sự bùng nổ của các dịch vụ miễn phí trên mạng.

- Sự tăng trưởng trong các chuỗi sản xuất chuyên biệt và mở rộng, đặc biệt là vượt qua biên giới quốc gia.

- Việc dịch chuyển từ sản xuất quy mô lớn sang sản xuất theo yêu cầu riêng.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận