12/07/2017 07:39 GMT+7

Gây oan sai, cơ quan tố tụng phải chủ động xin lỗi

THÀNH NGUYỄN
THÀNH NGUYỄN

TTO - Khác với luật hiện hành, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 yêu cầu các cơ quan tố tụng nếu đã làm sai phải chủ động khôi phục danh dự cho nạn nhân.

Trước đây do chưa có quy định nên buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long đã xảy ra sự cố đáng tiếc. Khi luật mới có hiệu lực, việc xin lỗi người bị oan sai sẽ được tổ chức bài bản, trang trọng hơn - Ãnh: Thân Hoàng
Trước đây do chưa có quy định nên buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long đã xảy ra sự cố đáng tiếc. Khi luật mới có hiệu lực, việc xin lỗi người bị oan sai sẽ được tổ chức bài bản, trang trọng hơn - Ãnh: Thân Hoàng

Từ ngày 1-7-2018, việc giải quyết bồi thường cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn trước.

Đáng lưu ý, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 còn chấm dứt thế “bề trên” của các cơ quan đã làm sai bằng việc quy định theo hướng thay vì thụ động đợi người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu thì phải chủ động xin lỗi, cải chính công khai.

Bổ sung cách thức xin lỗi

Theo điều 57 của luật này, trong vòng 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định về việc bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức phục hồi danh dự.

Nếu người bị thiệt hại đồng ý với nội dung trong thông báo thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện. Trường hợp không đồng ý thì người bị thiệt hại có thể nêu ý kiến đề nghị để cơ quan chức năng có cơ sở thực hiện.

Với hình thức phục hồi danh dự là trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú của cá nhân, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại, thủ trưởng cơ quan chức năng có trách nhiệm tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai.

Thành phần tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Với hình thức phục hồi danh dự thứ hai là đăng báo xin lỗi và cải chính công khai, đồng thời với việc đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, cơ quan chức năng còn phải đăng nội dung xin lỗi và cải chính công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình (nếu có).

Ngoài ra, ngay sau khi đăng báo xin lỗi và cải chính công khai, cơ quan chức năng còn có trách nhiệm gửi tờ báo đó tới người bị thiệt hại và UBND cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở.

Ông Chấn (trái) xúc động nhận hoa do đại diện Tòa án nhân dân Tối cao trao tặng trong buổi xin lỗi công khai ngày 17-4- Ảnh: Tâm Lụa
Ông Nguyễn Thanh Chấn (trái, người bị kết án tù chung thân oan về tội giết người) xúc động nhận hoa do đại diện Tòa án nhân dân Tối cao trao tặng trong buổi xin lỗi oan sai ngày 17-4- Ảnh: Tâm Lụa

Bảo đảm quyền lợi của người bị oan sai

“So với luật hiện hành thì luật mới có rất nhiều cải cách để các nơi thực hiện thống nhất, giảm thiểu gây thêm nỗi đau cho những người bị gây oan sai và cả gia đình của họ” - luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét.

Thủ tục bồi thường vẫn là vấn đề quan tâm của nhiều người. Nếu như trước đây người bị oan sai thường bị làm khó bởi các thủ tục nhiêu khê, khó chấp nhận, một cựu chánh án quận cho biết so với quy định cũ thì luật mới có hai sự thay đổi mà rất nhiều người sẽ tán thành.

Theo đó, trong hồ sơ yêu cầu bồi thường không bắt buộc phải kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc yêu cầu bồi thường. Người bị thiệt hại không phải nộp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường nếu không được gửi hoặc không thể có.

“Tới đây, những quy định mới về việc đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian chi trả tiền bồi thường sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giải quyết bồi thường, để từ đó bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại” - vị chánh tòa bày tỏ mong muốn.

Được chi tiền bồi thường từ ngân sách cấp tỉnh

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 có một điều chỉnh liên quan đến nguồn tiền bồi thường để tạo điều kiện chi trả nhanh tiền bồi thường thiệt hại (về vật chất, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút...).

Đối với những vụ việc yêu cầu bồi thường do cơ quan trung ương giải quyết thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. Đối với những vụ việc yêu cầu bồi thường do địa phương giải quyết thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh.

THÀNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên