05/09/2016 09:42 GMT+7

G20 đồng lòng vì kinh tế toàn cầu

PHÚC LONG - TÚ ANH
PHÚC LONG - TÚ ANH

TTO - Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chính thức khai mạc ngày 4-9 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu ngày 4-9 - Ảnh: Reuters
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu ngày 4-9 - Ảnh: Reuters

“Kinh nghiệm cho thấy G20 chỉ phát huy được sức mạnh trong các cuộc khủng hoảng và chỉ hiệu quả khi ở trạng thái phản ứng

Ông J. Berkshire Miller (giám đốc tổ chức học giả Hội đồng chính sách quốc tế - CIP)

Hội nghị thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi và tái định hình nền kinh tế toàn cầu vốn đang chật vật sau khủng hoảng tài chính.

Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, Hội nghị G20 năm nay kỳ vọng có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”.

Đẩy mạnh giao thương

Phát biểu khai mạc Hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định nhiều rủi ro đang tích tụ trong nền kinh tế toàn cầu bởi tình trạng nợ cao. Ông Tập kêu gọi các quốc gia cần có biện pháp đẩy mạnh giao thương, đầu tư và tránh chủ nghĩa bảo hộ. “Các nước G20 cần tăng cường phối hợp chính sách, cân bằng cải cách trọng cung và quản trị nhu cầu” - chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Các lãnh đạo sau đó cũng thể hiện quyết tâm thúc đẩy kinh tế toàn cầu bằng những cái gật đầu cho những chương trình sắp tới như lập “lực lượng phản ứng nhanh cho sự sáng tạo phát triển”, đồng ý cho các bộ trưởng công nghệ số gặp nhau lần đầu tiên vào năm tới... Bản thân nước chủ nhà Trung Quốc không chỉ hứa hẹn cải tổ kinh tế sâu rộng trong nước ở Hội nghị G20 với các doanh nghiệp lớn ngày trước đó, mà còn lặp lại cam kết một lần nữa trước các lãnh đạo chính trị. Điều này đã được các lãnh đạo G20 chào đón bởi tất cả đều mong Trung Quốc phải chơi cuộc chơi kinh tế đúng theo luật quốc tế.

Từ những diễn tiến đó, các lãnh đạo G20 cũng rất đồng lòng tuyên bố “cần làm việc cùng nhau để thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển”. Điều này cũng nằm trong dự đoán của các chuyên gia. Ông Trình Thực, trưởng bộ phận nghiên cứu của ICBC International Research, cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này sẽ là cơ hội mới cho sự thay đổi quản lý toàn cầu. Trong bối cảnh tình hình chính trị các khu vực trên thế giới tương đối hỗn loạn, ổn định trở thành nguồn tài nguyên khan hiếm nhất. Theo ông Trình, với lợi thế bên trong và bên ngoài, Trung Quốc hứa hẹn trở thành “cỗ máy ổn định” của nền kinh tế thế giới. Với việc có sẵn “thiên thời” và “địa lợi”, Hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu có hi vọng thực hiện “nhân hòa” hơn nữa, tập trung sự đồng thuận và sức mạnh của các nước, xây dựng cơ chế ổn định kinh tế toàn cầu kiểu mới “1+1+20” để hỗ trợ sự phục hồi, đứng vững của nền kinh tế thế giới.

Quá nhiều thách thức, cần sự đồng tâm

Trước môi trường phức tạp tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp, hiện tượng tài chính quốc tế hỗn loạn xuất hiện, toàn cầu hóa thoái trào, sự phát triển toàn cầu đối mặt với nhiều bế tắc, trách nhiệm của G20 Hàng Châu rất nặng nề, cần phải phát huy tinh thần đối tác đồng tâm hiệp lực, xây dựng kinh tế thế giới thật sự “sáng tạo, năng động, kết nối, bao dung”.

Các lãnh đạo mong muốn dùng hai “bánh xe” là cải cách cơ cấu và phát triển sáng tạo với hai “động cơ” là thương mại và đầu tư nhằm truyền động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, thông qua việc lập hai diễn đàn là Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương, Hội nghị bộ trưởng thương mại, xác định hai mục tiêu lớn là “tăng trưởng mạnh mẽ” và “phát triển toàn cầu”, mở rộng lĩnh vực hợp tác trong quản trị kinh tế toàn cầu G20.

Phải thấy rằng năm 2016 chưa đi hết chặng đường, nhưng cho thấy đây là một năm nhiều biến động với những sự kiện như “hiện tượng Donald Trump” của Mỹ, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), cuộc khủng hoảng người tị nạn, các vụ khủng bố, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội... đã khiến làn sóng chống toàn cầu hóa nổi lên.

G20 Hàng Châu vì thế được đặt trong vị thế phải đưa ra được một đáp án hài lòng cho thế giới, từ đó mở ra hành trình mới cho quản trị kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng mong muốn sẽ thúc đẩy G20 chuyển đổi mô hình từ cơ chế ứng phó với khủng hoảng sang cơ chế quản lý lâu dài và hiệu quả, dẫn dắt phương hướng hợp tác của tăng trưởng kinh tế thế giới.

Có 3 thành viên ASEAN là khách mời

Ngoài các nhà lãnh đạo của nhóm G20, hội nghị Hàng Châu còn có sự góp mặt của tám quốc gia khách mời, trong đó có ba nước Đông Nam Á gồm Singapore, Lào và Thái Lan. Các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới… cũng cử đại diện tham gia. Theo thông tin từ nước chủ nhà Trung Quốc, số lượng các quốc gia đang phát triển tham gia sự kiện năm nay là nhiều nhất trong lịch sử G20.

Bốn vấn đề lớn được các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận ở Hàng Châu gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả hơn.

PHÚC LONG - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên