28/05/2008 14:58 GMT+7

Festival Huế 2008: Phục dựng lễ tế Xã Tắc

Theo THANH TÙNG (báo Tiền phong)
Theo THANH TÙNG (báo Tiền phong)

Ở kinh đô Huế triều Nguyễn cho xây dựng 5 đàn tế. Đàn Nam Giao (tế trời), đàn Xã Tắc (tế thần đất và thần lúa), đàn Tiên Nông (tế vua Thần Nông, thủy tổ của nghề nông), đàn Sơn Xuyên (tế thần núi và thần sông ở đất kinh kỳ), Thiên đàn (nơi vua “vọng tế” trời).

fPR263DQ.jpgPhóng to
Tầng thượng Xã Tắc đang được khẩn trương phục hồi để kịp tổ chức lễ tế trong dịp Festival Huế 2008
Ở kinh đô Huế triều Nguyễn cho xây dựng 5 đàn tế. Đàn Nam Giao (tế trời), đàn Xã Tắc (tế thần đất và thần lúa), đàn Tiên Nông (tế vua Thần Nông, thủy tổ của nghề nông), đàn Sơn Xuyên (tế thần núi và thần sông ở đất kinh kỳ), Thiên đàn (nơi vua “vọng tế” trời).

Dự kiến Festival Huế 2008 (từ 3-11/6) lần đầu tiên lễ tế Xã Tắc sẽ được phục dựng...

Người xưa cho rằng “Xã là thần lớn nhất trong 5 thổ thần, 5 vị thổ thần không thể tế hết cho nên chỉ tế thần Xã. Tắc quí nhất trong ngũ cốc, ngũ cốc không thể tế hết, cho nên chỉ tế thần Tắc. Tắc mà không có Xã thì không sinh trưởng được. Xã mà không có Tắc thì không thành hiệu gì, cho nên hiệp tế Xã Tắc là vì công lợi ngang nhau”.

Nét độc đáo và có ý nghĩa nhất khi xây dựng đàn Xã Tắc ở Huế là triều đình nhà Nguyễn đã chỉ đạo tất cả các tỉnh thành, dinh trấn trong cả nước đóng góp đất sạch để đắp đàn tế. Vì thế đàn Xã Tắc được tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc, tượng trưng cho sơn hà xã tắc Việt Nam.

Theo miêu tả trong “Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ” thì đàn Xã Tắc có hình vuông, 2 tầng; tầng thứ nhất cao 4 thước, tầng thứ 2 cao 2,9 thước; ngoài tường thành bốn mặt đều có đường vuông vức rộng 3 trượng.

R9wjetMj.jpgPhóng to
Phát lộ phần móng tầng thượng đàn Xã Tắc

Vương triều Nguyễn cáo chung, đàn Xã Tắc bị xuống cấp trầm trọng và bị lấn chiếm nghiêm trọng.

Vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20 phần lớn diện tích của đàn Xã Tắc bị chính quyền chiếm dụng để xây khu gia binh với 40 dãy nhà trệt.

Sau năm 1975, chính quyền cho xây mới thêm 5 dãy nhà và tiếp tục sử dụng khu gia binh làm khu tập thể cho cán bộ một số cơ quan, ban ngành đóng trên địa bàn thành phố Huế.

Lễ tế Xã Tắc từ lâu đã không còn nữa nhưng tinh thần và ý nghĩa nhân bản của nó vẫn tồn tại lâu dài trong cộng đồng một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp phát triển, nhiều năm đứng nhất nhì bảng trên thế giới về xuất khẩu gạo như Việt Nam.

Vài năm gần đây chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhận thức ra vị trí của lễ tế Xã Tắc trong đời sống tâm linh của đông đảo nhân dân và có những động thái cứu vãn đàn tế này.

Động thái đầu tiên là lập hồ sơ di tích đề nghị Bộ VHTT xếp hạng di tích LSVH Quốc gia (đã được Bộ VHTT cấp bằng chứng nhận ngày 13/12/2006). Bước tiếp theo là quy hoạch, thám sát khảo cổ học, giải tỏa một số nhà và phục hồi tầng thượng của đàn.

Công việc phục hồi đàn Xã Tắc chắc chắn sẽ kéo dài trong rất nhiều năm bởi việc di dời hàng trăm hộ gia đình ra khỏi khuôn viên của di tích này là rất khó khăn, phức tạp. Trước khi khởi công trùng tu diện tích đàn Xã Tắc chỉ còn lại tầng thượng, diện mạo kiến trúc còn lại rất ít.

Ngày xưa lễ tế Xã Tắc được tổ chức xuân thu nhị kỳ (xuân tế và thu tế) mỗi năm; được xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Các vị vua Nguyễn đều đã từng đích thân chủ trì lễ tế quan trọng này. Sáng sớm của ngày tế Xã Tắc, cờ ở Kỳ đài kéo lên, các vị trí chuẩn bị bày sẵn, Vua xuất phát từ điện Cần Chánh ra cửa Đại Cung Môn. Bảy phát súng lệnh ở Kỳ đài phát lên. Đoàn Ngự giá ra cửa Ngọ Môn rẽ hướng tây đến đàn tế.

Tái hiện lễ tế Xã Tắc không chỉ là việc phục dựng, bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống mà còn là sự tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống.

Trong dịp Festival Huế 2008, lễ tế Xã Tắc lần đầu tiên được phục dựng một phần, nhằm đưa vào phục vụ du khách và nhân dân. Lễ tế được tổ chức khá quy mô, hơn 400 người tham gia với đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn. Lễ tế sẽ thực hiện trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức truyền thống.

Ngự đạo đi tế Xã Tắc theo dự kiến sẽ được bắt đầu lúc 6 giờ ngày 10/6 tại khu vực Ngọ Môn. Sau 3 hồi chuông trống, Ngự đạo sẽ di chuyển dọc theo đường 23/8 vào đường Lê Huân rồi rẽ lên đường Trần Nguyên Hãn đến đàn Xã Tắc. Đúng 7 giờ sẽ bắt đầu lễ tế với các nghi tiết: Lễ Quán tẩy, Lễ Thượng hương, Lễ Nghinh thần, Lễ Điện ngọc bạch, Lễ Truyền chúc, Lễ hiến tước, Lễ Tứ phúc tộ, Triệt soạn, Tống thần, Tư chúc bạch soạn.

Khi việc trùng tu đàn Xã Tắc hoàn thành, ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ khôi phục lại lễ tế trang nghiêm, có quy mô như đã từng diễn ra trong lịch sử. Đồng thời lễ tế Xã Tắc sẽ được xây dựng hồ sơ khoa học và tiến tới đề nghị UNESCO lập hồ sơ quốc gia đề cử vào danh sách các di sản phi vật thể của nhân loại.

Theo THANH TÙNG (báo Tiền phong)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên