10/10/2016 06:40 GMT+7

EVN sẽ được tăng giá điện tối đa 20%/năm?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương soạn thảo mới đây. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tăng giá điện 20%/năm.

Nhân viên thu tiền điện tại nhà người dân ở P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. - Dữ liệu: C.V.Kình - Đồ họa: V.Anh
Nhân viên thu tiền điện tại nhà người dân ở P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. - Dữ liệu: C.V.Kình - Đồ họa: V.Anh

Cụ thể, dự thảo nhận định quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng đã góp phần điều chỉnh giá điện công khai, minh bạch hơn trước.

Tuy nhiên, trong dự thảo mới, tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp được giảm xuống còn 3 tháng (thay vì là 6 tháng như trong quyết định 69/2013/QĐ-TTg). Đồng thời, biên độ điều chỉnh có sự thay đổi.

Đối với trường hợp tăng giá điện với mức tăng từ 3% đến dưới 5% thì EVN sẽ được quyền quyết định; mức tăng từ 5% đến dưới 10% do Bộ Công Thương quyết định và trên 10% do Chính phủ quyết định.

Chỉ tăng, chưa giảm bao giờ

Anh Tuấn Kiệt (Q.Gò Vấp, TP.HCM) lo ngại: “Giá điện cứ thấy tăng mãi mà không thấy giảm trong khi giá than giảm và thời tiết tốt cho thủy điện hoạt động hết công suất. Chất lượng dịch vụ thì không thay đổi gì. Điện và xăng dầu là những loại sản phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Nếu cứ tăng giá hoài như vậy sẽ phá vỡ sự ổn định kinh tế”.

Theo chị Hà Giang, nên có nhiều đơn vị cạnh tranh trong ngành điện thì khi đó giá cả mới ổn định và chất lượng dịch vụ được nâng lên.

Nhiều bạn đọc cho rằng theo dự thảo mới thì chỉ có người dùng điện chịu thiệt vì bấy lâu nay ngành liên tục tăng giá trong khi giá thành sản xuất điện không được công khai rộng rãi.

Trong nội dung trả lời về dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Công thương ngày 6-10, Bộ này khẳng định việc EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với qui định tại Luật Điện lực, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.

Vi phạm nghiêm trọng định chế về quản lý giá?

Nhân viên gắn điện kế cho khách hàng ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: N.C.T.
Nhân viên gắn điện kế cho khách hàng ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: N.C.T.

Ủng hộ việc hạ tần suất điều chỉnh giá điện từ 6 tháng/lần  xuống còn 3 tháng/lần vì thị trường luôn biến động, tuy nhiên, phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng dự thảo này không phù hợp với định chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

Ông Long phân tích: “Trong nền kinh tế thị trường, chỉ có 2 chủ thể được quyết định giá là nhà nước hoặc thị trường (cụ thể, thị trường ở đây được hiểu là doanh nghiệp và người tiêu dùng).

Nhà nước được quyết định giá khi thị trường đó là thị trường độc quyền hoặc có những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Còn doanh nghiệp và người tiêu dùng được quyết định giá khi là thị trường cạnh tranh”.

Theo ông Long, dự thảo bất hợp lý ở chỗ trên thị trường độc quyền của ngành điện lại bị phân ra thành 3 biên độ khác nhau. Có nghĩa là với mức tăng này thì doanh nghiệp được quyết định nhưng với mức tăng khác thì đơn vị quyết định lại là cấp Bộ hoặc Chính phủ.

“Đã là thị trường độc quyền thì luôn luôn phải để cho Nhà nước quyết định. Việc chia thành 3 biên độ là cơ chế lưỡng tính. Mặc dù quy định mới có biên độ rộng hơn nhưng đã về bản chất là đã sai về luật giá.

Không có một cơ chế nào trong thị trường mà mỗi khung lại do một đơn vị định giá vì rõ ràng nếu đã là sản phẩm độc quyền nhưng lại cho doanh nghiệp tự định giá thì dù với biên độ rất hẹp (kể cả dưới mức 3-5% của dự thảo) thì doanh nghiệp cũng sẽ lợi dụng biên độ đó để tăng giá vì lợi ích của mình”, ông Long nhấn mạnh.

Cần minh bạch và giám sát độc lập

Ảnh TT
Ảnh TT

Trước ý kiến cho rằng biên độ điều chỉnh của dự thảo “hơi rộng”, viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội Điện lực VN - cho rằng đây chỉ là giới hạn trên cho phép, không có nghĩa là mỗi lần điều chỉnh sẽ lên tới 5%. Thực tế, việc đưa ra giới hạn rộng như vậy là để đề phòng khả năng có những biến động lớn trong thị trường.

“Bản thân người tiêu dùng không muốn sản phẩm nào tăng giá. Tuy nhiên, đôi khi có những nguyên nhân khách quan làm thị trường biến động mạnh mà chúng ta điều chỉnh giá điện không tương thích sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành điện”, ông Long cho hay.

Theo ông Long, mấu chốt vấn đề là EVN có thể quyết định nhưng cơ quan chức năng, Hội bảo vệ người tiêu dùng, phương tiện truyền thông,… vẫn phải luôn “để mắt” xem việc tăng giá có hợp lý hay không vì nếu biến động quá lớn sẽ ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội - cho rằng vấn đề hiện nay là chúng ta vẫn chưa thật sự minh bạch trong việc tăng giá điện nên khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ. Mỗi lần tăng giá phải công khai cơ sở tăng giá, có căn cứ rõ ràng, giải trình cụ thể từ EVN, công bố trên website, phương tiện truyền thông và phải sẳn sàng trả lời các thắc mắc.

“Phải minh bạch để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra và tái kiểm tra khi cần. Nếu sai có thể quy trách nhiệm người đứng đầu...”, ông Phong nhấn mạnh.

PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất: “Để xác định sự điều chỉnh giá là khách quan hay chủ quan thì nên có một cơ quan tư vấn độc lập định giá. Không nên để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Vì hiện nay quy trình là trên cơ sở doanh nghiệp kiến nghị lên Bộ công thương, Cục điều tiết điện lực sẽ xem xét rồi trình Bộ Tài chính mà cụ thể là Cục quản lý giá. Tuy nhiên, ở Cục quản lý giá thì một cán bộ sẽ phụ trách nhiều mặt hàng, do đó nếu không phân công người chuyên sâu về giá điện thì sẽ không thể đủ điều kiện để thẩm định”.

Sau bình ổn xăng sẽ có thêm bình ổn điện?

Nội dung dự thảo còn đề cập đến việc lập quỹ bình ổn giá điện. Nguồn hình thành quỹ được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết. EVN sẽ thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> PGS.TS Ngô Trí Long

>> GS.TSKH Trần Đình Long

>> PGS.TS Nguyễn Minh Phong

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục