21/06/2008 07:58 GMT+7

EU bỏ ưu đãi thuế cho da giày xuất khẩu của VN: Khó cho doanh nghiệp nhỏ

 TRẦN VŨ NGHI
 TRẦN VŨ NGHI

TT - Trong khi ngành da giày VN vẫn còn "vướng" thuế chống bán phá giá 10% đối với sản phẩm giày mũ da thì việc Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị bãi bỏ ưu đãi thuế đối với sản phẩm giày dép sản xuất tại VN càng thêm khó cho ngành này.

PyAwPl9P.jpgPhóng to

Sắp tới, ngành da giày VN không còn được ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào thị trường EU - Ảnh: T.V.N.

TT - Trong khi ngành da giày VN vẫn còn "vướng" thuế chống bán phá giá 10% đối với sản phẩm giày mũ da thì việc Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị bãi bỏ ưu đãi thuế đối với sản phẩm giày dép sản xuất tại VN càng thêm khó cho ngành này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành da giày, tình hình vẫn không quá khó nếu các doanh nghiệp (DN) biết tính toán để trụ lại.

Khó cho DN gia công

Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM, cho rằng các DN vừa và nhỏ sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu đầu tháng bảy tới dự thảo "Ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP) giai đoạn 2009-2011" được Hội đồng châu Âu (EC) thông qua. Số DN này hiện chiếm khoảng 30% số DN sản xuất giày dép. Hầu hết các DN này đều không có lợi thế về vốn lẫn thị trường, chủ yếu nhận sản xuất gia công các chủng loại giày thấp cấp có nguyên liệu từ cói hoặc vải. Do không đủ tiềm lực phát triển thị trường, các DN này đều trông chờ vào các nhà nhập khẩu tự tìm đến đặt hàng.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng do bị lệ thuộc như vậy nên khả năng các nhà đặt hàng ép giá, hoặc đưa giá thấp là điều khó tránh khỏi vì thuế đánh thêm chủ yếu đánh vào người mua. Nếu DN gia công VN từ chối, họ có thể tìm đến Indonesia hoặc Bangladesh, vốn rất sở trường ở dòng sản phẩm thấp cấp.

Tuy nhiên, phải đến tháng 9-2008 mọi thứ mới rõ ràng. Theo ông Châu Ngọc Tú - giám đốc Xí nghiệp giày Việt Lập (Bình Dương), một số nhà nhập khẩu chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào, chủ yếu nghe ngóng là chính. Riêng các hợp đồng đã ký gia công trong năm 2008, ông Tú cho biết công ty vẫn thực hiện bình thường, ước khoảng 2 triệu đôi giày vải với giá gia công trung bình 1,2-1,5 USD/đôi. "Sự việc sẽ ngã ngũ vào tháng chín, vì đây là giai đoạn thương thảo hợp đồng mới cho mùa vụ giày xuân hè sang năm" - ông Tú nói thêm.

Giám đốc Công ty TNHH giày Á Âu Nguyễn Thanh Long (Đồng Nai) nói rằng: "Phản ứng của các nhà nhập khẩu vẫn rất dè dặt. Họ chỉ xác nhận lại số đơn hàng công ty còn thực hiện trong hai quí cuối năm là bao nhiêu. Nhưng cũng đã có một vài khách hàng đề nghị hủy lịch đàm phán hợp đồng vào đầu tháng tới không rõ lý do". Theo ước tính của ông Long, bình quân mỗi năm công ty của ông nhận thực hiện gia công khoảng 3 triệu đôi giày vải đi trong nhà với giá gia công trung bình 1,3 USD/đôi. "Nếu không có chuyện bãi bỏ GSP, rất có thể năm sau đơn hàng của chúng tôi sẽ tăng lên 3,2-3,5 triệu đôi giày, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1.000 công nhân. Bây giờ không biết sự thể thế nào" - ông Long thở dài nói.

Khó nhưng vẫn đứng được

Theo Bộ Công thương, sau khi EU thông qua dự thảo "Ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP) giai đoạn 2009-2011", trong đó có việc bãi bỏ GSP đối với sản phẩm giày dép sản xuất tại VN, trình tự tiếp theo là đệ trình lên EC xem xét. Tuy nhiên, đây chỉ còn là thủ tục mang tính hình thức. Điều này có nghĩa sang năm 2009, các nhà nhập khẩu phải chi thêm 3,5-5% giá trị đôi giày khi mua hàng tại VN để nhập khẩu vào EU.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), không hẳn ngành da giày VN mất đi hoàn toàn ưu thế cạnh tranh. Trong trường hợp xấu nhất bãi bỏ GSP vẫn được EC thông qua thì ngành da giày VN vẫn sẽ tự khắc phân chia đẳng cấp sản phẩm phù hợp với từng loại hình DN. "Vấn đề là các DN phải vận dụng những ưu điểm của mình thế nào vào thực tiễn" - ông Thuấn nói. Nếu so với Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan, nhà nhập khẩu EU chọn VN vì giá nhân công "mềm" hơn Trung Quốc, tính ổn định về tay nghề cao hơn Indonesia và Bangladesh. Lợi thế này nếu được các DN trong nước tận dụng, thống nhất thông qua chủ trương không đơn phương hạ giá gia công thì cơ bản sẽ giảm thiểu thiệt hại.

Theo ông Thuấn, các DN cần thống nhất với nhau lập mặt bằng giá mới đối với từng chủng loại sản phẩm thực hiện nhất định. Chẳng hạn, với các hợp đồng nhận gia công từ 1-2 công đoạn, mức giá gia công tối thiểu phải là 1 USD/sản phẩm. Với các chủng loại thực hiện từ A-Z, giá gia công ít nhất phải từ 1,8 USD đến trên 2 USD/sản phẩm. "Chúng ta đồng lòng thực hiện mặt bằng giá cũng là một cách đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động và duy trì sự tồn tại của DN mình. Nếu DN cứ đơn phương thực hiện manh mún, giá nào cũng nhận thì thiệt hại sẽ càng nặng nề hơn" - ông Thuấn khuyến cáo. Riêng các DN có đủ thực lực thực hiện hợp đồng theo giá FOB, ông Thuấn cho rằng "cơ bản sẽ không lo mấy vì đẳng cấp của DN đã được xác lập, lúc đó không phải lo vì bị khách hàng bắt chẹt".

 TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên