27/05/2017 11:57 GMT+7

Đừng ví luật sư bào chữa cho tội phạm nguy hiểm là 'bất trung'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa nói như vậy tại hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.

Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một hội nghị ngoài nghị trình chính thức để thảo luận thêm về một dự án luật, đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu - Ảnh: L.K

Phiên thảo luận được đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì sáng 27-5, sau một số vấn đề tranh luận chưa có hồi kết tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 24-5.

Có vẻ như những nội dung chưa được tranh luận rốt ráo đã khiến dư luận tiếp nhận chưa đầy đủ thông tin, gây ra những xôn xao, bức xúc, như chuyện có đại biểu dùng từ “bất trung” khi phát biểu về nội dung quy định quyền miễn trừ của luật sư khi họ không tố giác tội phạm là thân chủ của mình. 

Đề cập đến nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quan hệ giữa luật sư và người do mình bào chữa là một trong những vấn đề rất cơ bản của hệ thống tư pháp, tạo sự cân bằng, điều kiện để đảm bảo công lý, quyền con người.

“Đây không phải là chuyện gây khó khăn cho nghề luật sư nên chúng tôi năn nỉ, xin thông cảm. Đây là vấn đề nguyên lý, chỉ trong quan hệ với người bào chữa thì luật sư mới được miễn trừ. Liên Hiệp Quốc cũng đã có công ước đề nghị các nhà nước phải đảm bảo quyền bí mật của hành nghề luật sư” - ông Nghĩa nói.

“Ví dụ như luật sư bào chữa cho Năm Cam, bào chữa cho kẻ giết người hàng loạt, thì đừng có suy nghĩ rằng luật sư đó thiếu lương tâm, không yêu nước. Không phải như vậy, hiểu thế là sai. Nếu có tư tưởng như vậy thì giống như bất trung thì không đúng cái tầm của chúng ta khi ngồi ở đây để thiết kế bộ luật”, ông Nghĩa dẫn chứng.

Vẫn theo ông Nghĩa, ở nhiều nước người ta chỉ quy định luật sư phải tiết lộ thông tin (người ta không gọi là tố giác) đối với những hành vi đang diễn ra, sẽ diễn ra. Ví dụ thân chủ của họ nói về hành vi rất nghiêm trọng như tới đây cho nổ cây cầu…, thì luật sư có nghĩa vụ tiết lộ thông tin.

Đối với các tội phạm đã diễn ra, luật pháp nhiều nước quy định không bắt buộc luật sư phải tố giác.

“Cái chữ tố giác rất là nguy hiểm. Một ông luật sư đi tố giác chính cái người mình bào chữa, sau này tòa xử người ta không phạm tội thì sao? Chính vì vậy, tôi đề nghị quy định là khi luật sư biết rõ, có chứng cứ về việc thân chủ của mình chuẩn bị phạm tội mà hành vi phạm tội đó sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì phải tiết lộ thông tin” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.

Nội dung này còn nhận được nhiều tranh luận của các đại biểu khác, tuy nhiên Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị không nên chỉ quá say sưa về một điều luật, bởi Bộ luật hình sự còn nhiều nội dung cần góp ý, thảo luận.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra ngồi lại thảo luận thấu tình đạt lý với Liên đoàn Luật sư VN, mời các nhà chuyên môn tranh luận riêng về nội dung này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên