25/09/2017 18:29 GMT+7

Dùng thiết bị hỗ trợ nghe nhìn để dạy học chỉ có lợi, tại sao lại cấm?

ALBERT P. (giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM)
ALBERT P. (giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM)

TTO - Anh Albert P. (người Anh) - một giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM - đã hết sức ngạc nhiên hỏi lại như vậy xung quanh việc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên bản ngữ không được sử dụng các thiết bị nghe - nhìn như cassette, CD... trong giờ dạy học.

Dùng thiết bị hỗ trợ nghe nhìn để dạy học chỉ có lợi, tại sao lại cấm? - Ảnh 1.

Một tiết học với giáo viên nước ngoài của học sinh lớp tích hợp Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến này.

"Tôi cho rằng việc cấm sử dụng các thiết bị nghe - nhìn như cassette, CD, bảng tương tác... để nghe nhạc, xem video... trong giờ dạy của giáo viên bản ngữ, cấm gọi học sinh bằng tên tiếng Anh là một quy định rất ngớ ngẩn và không có ý nghĩa gì cả.

Các bạn bè của tôi đang dạy ở nhiều trung tâm ngoại ngữ lớn tại TP.HCM cũng rất bất bình trước quy định mới này.

Sở GD-ĐT TP.HCM nên xem xét lại quy định mới này vì nó thật sự vô nghĩa và không có bất kỳ lợi ích nào cho việc giảng dạy sinh ngữ. Ngược lại, còn gây ra khó khăn và ức chế cho nhiều giáo viên, làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của họ".

Trích ý kiến của anh Albert P...

Theo tôi, điều quan trọng nhất trong dạy ngoại ngữ chính là tạo được hứng thú cho học sinh, khiến các em luôn chủ động tìm tòi, học hỏi thêm ngoài giờ đến lớp với giáo viên. 

Việc sử dụng các thiết bị nghe nhìn nhằm mục đích hỗ trợ trong quá trình giảng dạy, tăng sự tương tác với học sinh bằng nhiều cách. 

Chúng tôi xem đó là những "trợ thủ" đắc lực giúp tiết học được sinh động hơn. Chúng tôi cho các em xem phim, nghe nhạc để rèn luyện thêm kỹ năng nghe - nói. 

Ngoài ra, các em học sinh cũng khá thích thú với việc được đặt tên tiếng Anh và gọi nhau bằng các tên này. Học sinh ngữ không chỉ dừng lại ở việc tiếp xúc với người bản xứ, mà còn là rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. 

Đặc biệt, kỹ năng nghe rất cần thiết vì trong quá trình tương tác với người nước ngoài, bạn không chỉ gặp họ trực tiếp mà còn có thể gọi điện thoại, chat, nghe băng ghi âm…

Tại một số nước tôi từng làm việc với vai trò là giáo viên như Nhật, Pháp, Thái Lan, chúng tôi được toàn quyền sử dụng các phương pháp khác nhau để hỗ trợ việc giảng dạy, trong đó có dùng các thiết bị nghe - nhìn, băng cassette, CD… 

Nếu lý luận rằng quy định này nhằm hạn chế việc giáo viên nước ngoài lười biếng, chỉ toàn sử dụng thiết bị nghe nhìn để dạy học sinh còn bản thân không làm gì cả, tôi cảm thấy cũng rất vô lý. 

Trong lớp học có các trợ giảng, thậm chí nhà trường cũng có thể có các bảng đánh giá riêng cho hiệu suất của giáo viên. 

Sở GD-ĐT TP.HCM nên xem xét lại quy định mới này vì nó thật sự vô nghĩa và không có bất kỳ lợi ích nào cho việc giảng dạy sinh ngữ. Ngược lại, còn gây ra khó khăn và ức chế cho nhiều giáo viên, làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của họ.

ALBERT P. (giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên