04/11/2015 16:40 GMT+7

​Đừng để người dân ấn tượng nghe “tuýt còi” là bị phạt

N.ẨN
N.ẨN

TTO - Cảnh sát giao thông nhắc nhở và không xử phạt vi phạm sẽ cảm hóa người dân chấp hành luật giao thông tốt hơn.

Ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh trật tự giao thông - Đức Thanh

Đó là ý kiến của các đại biểu khi tham gia hội thảo về an toàn giao thông với chủ đề “Tính mạng con người là trên hết” diễn ra ngày 4-11. 

Ông Huỳnh Trung Phong - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt TP.HCM cho biết tình hình trật tự an toàn giao thông ở TP ngày càng diễn biến phức tạp, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông luôn là nguy cơ tiềm ẩn.

Theo Ban An toàn giao thông TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 3.050 vu tai nạn giao thông giảm 15% số vụ, làm bị thương 2.657 người, giảm 20%, chết 596 người tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phong đề xuất cần có cơ chế đặc thù cho TP xử lý các hành vi nguy hiểm như xe chở quá tải (năm 2015 mức xử phạt xe tải đã tăng 5-6 lần so với năm 2014 - NV) và người lái xe quá nồng độ cồn.

Đồng thời đề nghị cần có biện pháp dài hơi trong việc  tuyên truyền vận động người tham gia giao thông chấp hành luật giao thông.

Từ ý kiến trên, ông Nguyễn Ngọc Tường - phó Ban An toàn giao thông TP kể về câu chuyện một người thân chạy xe gắn máy ở tỉnh miền Tây đã ngạc nhiên lần đầu tiên gặp cảnh sát giao thông thổi còi và nhắc nhở vi phạm chạy xe lần làn đường mà không xử phạt. Người được nhắc nhở vi phạm cũng tự hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

Theo ông Tường, người dân đã quá ấn tượng cứ bị cảnh sát giao thông thổi còi là bị phạt. Vì vậy không xử phạt với những lỗi vi phạm nhỏ cũng là biện pháp giáo dục tốt đối với người vi phạm.

Đồng tình với ý kiến này, ông Hà Ngọc Trường - thành viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật, môi trường TP cho rằng việc cảnh sát giao thông nhắc nhở và không xử phạt vi phạm sẽ cảm hóa người dân chấp hành luật giao thông tốt hơn.

Trong khi đó, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh - ủy viên UBMT Tổ Quốc VN - TP.HCM nhấn mạnh tất cả mọi hành động ứng xử của những ai gây tai nạn giao thông (trừ trường hợp bất khả kháng) đều là hành vi hoang dã, mất tính người.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường điều đáng báo động là đối tượng gây tai nạn giao thông là người đi bộ chiếm vị trí thứ ba (sau xe gắn máy và xe tải) về số vụ tai nạn giao thông làm 47 người chết, trong khi những năm trước người bộ hành gây tai nạn giao thông chiếm vị trí thứ tư.

Đa phần tai nạn giao thông với người bộ hành tăng  do băng qua dãi phân cách hoặc đi không đúng phần đường. Đồng thời, từ 20 giờ đến 24 giờ là thời gian xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất, trong đó đa phần do uống rượu bia và chạy quá tốc độ.

N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên