Đưa rau sạch rời mặt đất

MAI VINH 20/04/2016 02:04 GMT+7

TTCT - Trong nỗ lực làm rau sạch, vì sạch đã trở thành yếu tố sống còn, nhiều người trồng rau Đà Lạt đã tìm cách tách cây trồng ra khỏi mặt đất - nơi bị coi là đã nhiễm hóa chất quá nhiều - như một giải pháp.

Người trồng rau Đà Lạt đang tìm tòi những phương thức khác nhau để trồng rau sạch . Mai Vinh

 

Vì khách hàng ngày càng khó

Tổng diện tích rau an toàn ở Lâm Đồng hiện đạt hơn 700ha. Cách đây 4 năm, việc trồng nông sản cách ly khỏi mặt đất đã được nhắc đến nhiều nhưng chỉ mới được áp dụng cho những loại nông sản đắt tiền như dâu tây, rau củ tí hon...

Hiện nay, công nghệ trồng rau trên giá thể đã được áp dụng đại trà. Những người làm nông mới cũ đều nghĩ đến việc tách rau khỏi mặt đất. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, yếu tố sạch đã thôi thúc người dân đầu tư vào công nghệ.

Trồng rau trên các loại giá thể dễ kiểm soát dinh dưỡng đưa vào nông sản, từ đó kiểm soát được dư lượng gần với mức người trồng mong muốn hoặc đáp ứng được đơn đặt hàng của các nhà cung ứng và phân phối khó tính.

Ông Mai Văn Khẩn, chủ nhiệm HTX Tân Tiến (P.12, TP Đà Lạt), kể trước kia ông chỉ dùng công nghệ trồng rau trên giá thể cho những giống nông sản mới mang tính chất thử nghiệm.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây ông phải áp dụng công nghệ này cho đa số các loại rau lá thông dụng. Ông bảo đất ô nhiễm hơn xưa nên nếu không dùng giá thể thì xác suất đảm bảo đúng tiêu chí người mua đưa ra rất thấp.

Đến trang trại của ông Khẩn sẽ thấy hàng chục loại rau được cách ly khỏi mặt đất bằng một lớp nilông dày. Ông Khẩn đang dọn một khoảnh vườn, động tác của ông và những người làm công khá đơn giản, chỉ kéo tấm nilông rời mặt đất.

Giá thể cũ được gom lại một chỗ để xử lý sạch khuẩn rồi dùng làm phân bón sử dụng ươm giống. Tấm nilông cũ được dùng lại làm tấm lót để đổ giá thể mới lên. Những khu vườn bên cạnh trang trại của ông Khẩn cũng áp dụng cách tương tự.

Ông Khẩn nói: “Gần như là cách chung của cả vùng rau rồi. Nhiều người cũng ngại đầu tư do tốn kém, nhưng nếu không đầu tư, nhà phân phối không chọn mua”. Khu vực Hòn Bồ, nơi ông Khẩn làm, hiện đã trở thành một vùng rộng lớn ứng dụng canh tác nông sản trên giá thể. Cà chua, rau xà lách, dưa leo, rau thơm và nhiều loại rau thông dụng đều được ứng dụng kỹ thuật trồng này.

Trong lúc câu chuyện làm sao để phân biệt được khoai tây Đà Lạt và Trung Quốc còn chưa mấy người tiêu dùng làm được thì tại Đà Lạt, ông Trần Huy Đường, giám đốc Công ty Langbiang Farm (Đà Lạt), đã tính đến chuyện trồng khoai tây vùi trong giá thể xơ dừa.

Ông Đường tính toán: “Thay vì phải hướng dẫn người mua phân biệt bằng những đặc điểm rất yếu thế như: khoai tây Đà Lạt nhỏ, không đồng đều, vỏ mỏng dễ bong tróc và có dính đất đỏ tự nhiên... thì mình làm sao cho củ khoai trở nên khác biệt”.

Nhờ nghiên cứu dùng giá thể mà ông Đường cho ra loại khoai tây Đà Lạt với cách nhận diện đơn giản: “Củ khoai đồng đều, sạch tự nhiên, không có dấu vết chà rửa”. Ông Đường chia sẻ: “Nhờ trồng trong giá thể nên đảm bảo kiểm soát được lượng dinh dưỡng từ phân bón, từ đó tránh dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng”.

Ông Đường cho biết khoai tây trồng giá thể có trọng lượng khoảng 3-4 củ/kg, trong khi khoai tây trồng ngoài trời 5-6 củ/kg. Nếu trồng thuận vụ, cả hai loại khoai tây giống Đà Lạt có khối lượng củ tương đương, nhưng năng suất khoai tây ngoài trời cao hơn 30%.

Bù lại, khoai tây trồng trong giá thể được xếp vào nhóm nông sản công nghệ cao nên giá gấp 1,5-2 lần khoai tây thông thường. Xem công nhân thu hoạch khoai ở đây sẽ không thấy cuốc, thuổng, mà chỉ mang theo rổ và găng tay. Họ luồn tay vào luống giá thể tơi xốp và moi ra những củ khoai một cách nhẹ nhàng. Đôi găng tay chỉ cần miết một vòng củ khoai đã sạch bóng, lộ ra lớp vỏ mỏng, hồng hào.

Trồng rau không phụ thuộc đất. Mai Vinh

 

khi nước là... trái tim

Ngoài canh tác các loại rau thông dụng trên giá thể, một số nông dân đầu tư vào công nghệ thủy canh - trồng rau bằng nước. Những nông dân nhiều kinh nghiệm trong canh tác rau sạch đã chọn một sân chơi mới cho mình trong công nghệ sản xuất. Họ sang Malaysia, Thái Lan nhập những hệ thống canh tác thủy canh.

Nhờ công nghệ này họ đã tạo ra một phân khúc mới trong thị trường nông sản. Những cây rau được trồng bằng công nghệ thủy canh có vẻ bề ngoài sạch, tươi như thể trên những lá rau không hề dính bụi. Rau canh tác theo công nghệ thủy canh chủ yếu là các loại rau lá.

Rau tới kỳ thu hoạch chỉ cần kéo nhẹ thân cây ra khỏi ống nước, cắt bỏ bộ rễ đẫm nước và đóng gói. Nói theo cách của những người đang trồng rau thủy canh, rau chỉ cần nhúng qua nước cho sạch bụi li ti trên lá thì có thể ăn ngay.

Theo tính toán chung của các chủ vườn canh tác rau thủy canh, trên cùng một diện tích đất, đầu tư trồng rau thủy canh sẽ tốn kém hơn trồng rau trên giá thể khoảng 40% do chi phí nhập giống và thiết bị cao. Nhưng bù lại giá rau thủy canh cao gấp 3-5 lần so với rau cùng loại canh tác theo phương pháp dựa vào đất.

Đối với những kiểu canh tác khác, trang trại có thể xây dựng tạm bợ, nhưng đối với công nghệ thủy canh, nhà kính phải kiên cố. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Bà Phạm Thị Cúc (xã Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) ví von: “Hồ nước là trái tim của hệ thống, tụi tôi không được để bụi bẩn bay vào, không cho người lạ tới gần. Chỉ cần có chất lạ bị bỏ vào hồ nước thì cả vườn rau coi như bỏ”.

Tại trang trại của mình, bà Cúc cử kỹ thuật viên đo mức dinh dưỡng trong nước liên tục, nhiều hay ít hơn mức cho phép đều phải điều chỉnh. Do không dùng đất nên phân bón không bị tồn dư trong đất, người trồng kiểm soát hoàn toàn lượng dinh dưỡng bón cho cây sao cho chỉ vừa đủ nuôi cây theo những công thức có sẵn mà các công ty cung cấp giống khuyến cáo.

Tại nông trại của bà Nguyễn Thị Huệ (P.7, TP Đà Lạt), hàng nghìn luống rau mơn mởn mọc cách biệt hoàn toàn với mặt đất. Trong nhà kính, nếu chú ý sẽ nghe tiếng nước chảy nhè nhẹ. Bà Huệ cho biết cách đây ba năm, khi nhận thấy chất lượng rau sạch trồng trên đất đi xuống, bà đã bỏ ra nhiều tiền để cải tạo đất.

Thậm chí, phải thay lớp đất mặt nhưng chất lượng rau vẫn không cải thiện. “Các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép nhưng không đạt ý đồ tạo ra một loại rau sạch có dư lượng phân bón gần như bằng 0” - bà Huệ nói.

Phân tích mới nhất của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Lâm Đồng, các mẫu rau ứng dụng thủy canh đều có dư lượng tiệm cận mức bằng 0 và thấp hơn nhiều so với các tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn chung của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Văn Sơn nhận định: “Khởi nguồn của sự cạnh tranh về công nghệ canh tác là sự đòi hỏi cao liên tục của người tiêu dùng trong nước về nông sản sạch. Thực tế nếu chỉ chăm chăm sản xuất sản lượng lớn, nông dân Lâm Đồng thua ngay ở thị trường trong nước”.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, sau hai năm triển khai, hiện Đà Lạt có khoảng 15ha nhà kính trồng rau thủy canh. Nông sản thủy canh đều có dư lượng thấp, không chỉ nằm trong ngưỡng cho phép của các nước Nhật, Singapore mà còn thấp hơn nhiều lần so với nông sản canh tác bằng các phương pháp khác. Rau thủy canh không đủ bán dù giá đắt gấp đôi so với giá rau cùng loại bày bán tại chợ và siêu thị.■

Ông Nguyễn Văn Lục, chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện tỉnh có 16.500ha nông sản, trong đó có 12.500ha nông nghiệp công nghệ cao (với gần 2.000ha nông sản đạt chuẩn VietGAP, Global GAP, Organic...).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận