16/05/2017 16:26 GMT+7

Đưa ra xét xử 5 cán bộ làm trái quy định đền bù

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Năm cán bộ địa chính xã và huyện Sơn Tây cố ý làm trái trong bồi thường mặt bằng dự án thủy điện Đăk Drinh tại Quảng Ngãi, gây thất thoát hơn 26 tỉ đồng của Nhà nước đã bị đưa ra xét xử.

Một góc phiên tòa đông nghẹt người có quyền lợi liên quan đến vụ án - Ảnh: Trần Mai
Một góc phiên tòa đông nghẹt người có quyền lợi liên quan đến vụ án - Ảnh: Trần Mai

Sáng 16-5, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử 5 bị cáo nguyên là cán bộ đã làm trái quy định đền bù giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăk Drinh, huyện Sơn Tây. 

Ngoài 5 bị cáo bị xét xử, tòa còn triệu tập 241 người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự tòa.

Do số lượng người liên quan quá đông nên trong một buổi sáng phiên tòa chỉ dành cho việc thẩm tra lý lịch của những người đến dự phiên tòa đã hết thời gian. 

Nhiều người có nghĩa vụ liên quan đã tỏ ra mệt mỏi khi ngồi quá lâu để tới lượt thẩm tra lý lịch. Dự kiến vụ xét xử sẽ diễn ra trong bốn ngày.

Cố ý đền bù không đúng đối tượng, thất thoát 26 tỉ

Đây là vụ việc từng gây xôn xao dư luận gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của cán bộ nhà nước khi hàng loạt cán bộ đã cấu kết, thông đồng với người khác gây thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình đền bù cho các hộ dân.

Năm bị cáo hầu tòa gồm: Hà Văn Tiên - nguyên trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Sơn Tây, nguyên phó chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Đăk Drinh; Nguyễn Anh Dũng - trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thông huyện Sơn Tây; Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt - nguyên cán bộ địa chính các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long. 

Cả 5 người đều bị xét xử về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Một phụ nữ Cadong có quyền lợi liên quan tỏ ra mệt mỏi khi có quá đông người liên quan quyền lợi như bà - Ảnh: Trần Mai

Theo cáo trạng, trong quá trình lập phương án bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân tại các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung (huyện Sơn Tây), Tô Cước (nguyên phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăkdrinh - đã chết) và bị cáo Hà Văn Tiên biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định.

Tuy nhiên, Hà Văn Tiên vẫn đề xuất khi lập phương án đền bù thì đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi. Chủ tịch Hội đồng bồi thường là ông Tô Cước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương trên.

Các bị cáo Cường, Anh và Việt là cán bộ địa chính ba xã nói trên biết rõ là sai quy định nhà nước nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của Tô Cước, Hà Văn Tiên và Nguyễn Anh Dũng dẫn đến hậu quả là thiệt hại cho nhà nước khoảng 26 tỉ đồng.

Khuôn mặt bần thần của một phụ nữ Cadong trong phiên tòa - Ảnh: Trần Mai
Khuôn mặt bần thần của một phụ nữ Cadong trong phiên tòa - Ảnh: Trần Mai

Hỗn loạn khi người dân nhận đền bù, bị giật tiền

Kết quả điều tra của cơ quan công an cũng xác định tại xã Sơn Liên có 22 người làm nghề buôn bán, làm cán bộ… không sinh sống và không có hộ khẩu tại xã Sơn Liên, không đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp đã mua 113 thửa đất của người khác .

Hội đồng bồi thường đã xác lập hồ sơ 113 thửa đất này có xác nhận của UBND xã Sơn Liên là đất thuộc quyền sử dụng của 39 người (trong đó có 5 người đứng hộ tên), những người này không trực tiếp sản xuất trên đất nhưng được lập phương án và thực hiện chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp sai quy định, gây thiệt hại hơn 9,6 tỉ đồng.

Tại xã Sơn Dung, với thủ đoạn tương tự có 37 người mua đất làm nghề buôn bán; cán bộ công chức… không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đã mua 182 thửa đất và không canh tác.

Để hợp thức hóa, nhóm người này đã nhờ 39 người dân bản địa đứng hộ tên vào diện nhận tiền bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp gây thiệt hại hơn 11,2 tỉ đồng.

Tương tự ở xã Sơn Long các bị cáo đã cố ý làm sai quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 3,8 tỉ đồng.

Như vậy tổng só tiền thiệt hại trong việc cố ý làm sai của cán bộ huyện Sơn Tây và các xã gần 26,3 tỉ đồng.

Trước đó vào năm 2013, dư luận xôn xao trước tình trạng hỗn loạn tại nơi nhận tiền đền bù dự án thủy điện Đăk Drinh khi nhiều người dân là đồng bào Cadong sau khi nhận tiền đã bị chặn cướp, siết nợ. Ngay sau đó, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu công an chấn chỉnh trật tự.

Sau đó, cơ quan công an điều tra vào cuộc, bắt khẩn cấp nhiều cán bộ từ huyện đến xã để điều tra việc gây thất thoát tiền tỉ của nhà nước trên.

Vì những sai phạm dẫn đến đất của người này, người kia nhận nên xảy ra cướp tiền - Ảnh: Trần Mai
Vì những sai phạm dẫn đến đất của người này, người kia nhận nên xảy ra tranh cướp tiền - Ảnh: Trần Mai

Thủy điện Đăk Drinh có công suất 125MW với tổng mức đầu tư 3.423 tỉ đồng được khởi công tháng 1-2011.

Dự án nằm ở các xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Dung của huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kong Plong (KonTum). Từ cuối 2012 Ban đền bù dự án thủy điện Đăk Drinh bắt đầu đã chi trả tiền đất đai, hoa màu, nhà cửa cho dân với tổng số tiền 142 tỉ đồng.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên