31/07/2017 07:27 GMT+7

'Dù khó khăn đến mấy em cũng quyết tâm đến trường học chữ'

HÀ ĐỒNG
HÀ ĐỒNG

TTO - Đó là lời tâm sự của em Nguyễn Thị Thao (15 tuổi, trú tại thôn 3, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Em Nguyễn Thị Thao chịu tang bên bàn thờ bố - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Công việc hằng ngày của em Nguyễn Thị Thao - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Bố của Thao vừa mất vì bệnh tật, mẹ em thường xuyên phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con, còn Thao cũng hay đi rửa bát thuê lấy tiền phụ giúp mẹ, nhưng chưa bao giờ Thao có ý định bỏ học giữa chừng.

Nhớ lời căn dặn của bố trước khi mất

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thôn 3, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, em Thao có cuộc sống khốn khó, vất vả từ tấm bé. Bố của Thao - trụ cột của gia đình - là nạn nhân chất độc da cam, đổ bệnh ốm đau triền miên, nằm liệt một chỗ nhiều năm trước khi mất.

Bà Nguyễn Thị Thủy - mẹ của Thao - là lao động chính của gia đình, làm 2 sào ruộng cấy lúa nước lấy gạo ăn cho cả gia đình. Hết mùa gieo cấy, mùa gặt lúa, bà Thủy lại đi làm thuê đủ nghề, từ phụ hồ, làm cỏ mía, sắn, đến phun thuốc trừ sâu cho cây trồng để kiếm tiền nuôi hai con ăn học.

Thương mẹ tảo tần, vất vả, thương bố nằm liệt suốt nhiều năm trời, hết giờ học ở trường, Thao là người làm việc chính ở nhà. Lúc chăm sóc bố từng bữa ăn, giặt giũ quần áo, lúc dạy dỗ em trai học hành, lúc chăm nuôi đàn lợn, đàn gà, Thao đều thạo việc từ khi học lớp 5.

Bước sang lớp 6, lớn hơn, có sức khỏe một chút, ngoài công việc gia đình, những lúc rảnh Thao lại đi rửa bát thuê cho một quán bán cơm phở trên phố huyện, kiếm tiền phụ giúp mẹ để mua sách vở, đồ dùng học tập cho hai chị em.

Công việc từ ngày này qua ngày khác cứ cuốn Thao đi, nên nhiều năm qua Thao không có ngày nghỉ, kỳ nghỉ, tham gia các trò chơi của tuổi học trò như các bạn cùng trang lứa. Để rồi đến nay Thao như một lao động chính của gia đình, cùng mẹ lao động hằng ngày mưu sinh, lo toan cuộc sống cho gia đình bé nhỏ còn nhiều chật vật. Cái đói, cái nghèo không làm Thao nản lòng khi em quyết tâm đến trường.

Thao tâm sự: “Khi bố em còn sống, mỗi khi thấy em vất vả với công việc hằng ngày, bố nhìn em chảy nước mắt và động viên em phải vượt mọi khó khăn, quyết tâm học tập tốt để sau này có tri thức, có công việc ổn định mới mong thoát khỏi đói nghèo. Những thành tích, phần thưởng trong học tập của em suốt những năm tiểu học và THCS luôn là nguồn động viên để bố em vui, vượt qua đau đớn của bệnh tật. Nhưng bệnh tật hiểm nghèo đã lấy bố em đi cách đây gần ba tháng”.

Công việc hàng ngày của em Nguyễn Thị Thao - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Em Nguyễn Thị Thao chịu tang bên bàn thờ bố - Ảnh: HÀ ĐỒNG


Vượt khó để trở thành học sinh giỏi toàn diện

Dù sinh ra trong gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, nhưng Thao chưa bao giờ nản chí, chùn bước trong học tập. Suốt 4 năm học tại Trường THCS Tây Hồ, Thao luôn trong tốp dẫn đầu của nhà trường về thành tích học tập.

Cô giáo Trịnh Thị Hải - phó hiệu trưởng Trường THCS xã Tây Hồ, cũng là giáo viên dạy môn ngữ văn của Thao - cho biết: “Em Thao là một trong những học sinh tiêu biểu của nhà trường về tấm gương vượt khó, học giỏi. Bốn năm học tại Trường THCS xã Tây Hồ, em Thao đều là học sinh giỏi toàn diện. Em từng đoạt giải ba cuộc thi tiếng Anh cấp huyện”.

Bên cạnh là một học sinh ngoan, lễ phép với thầy cô giáo, sống hòa đồng, thân ái với bạn bè, Thao còn là học sinh năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Đội ở trường, sẵn sàng giúp đỡ các bạn học kém hơn mình. Tại kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, em đạt được 40,8 điểm (tổng điểm của ba môn thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, trong đó môn toán, ngữ văn nhân hệ số 2 - PV), trúng tuyển vào tốp đầu của Trường THPT Lê Lợi (trường THPT chất lượng cao của huyện Thọ Xuân). Đây là phần thưởng xứng đáng của em học trò nghèo, vượt khó.

Năm học mới 2017-2018 tới đây, Thao bước lớp 10 Trường THPT Lê Lợi với những nỗi lo hiện hữu. Những khoản tiền đóng học đầu năm, tiền mua sách vở, đồ dùng học tập… cũng phải hết hàng triệu đồng.

Cả tháng nay, bà Thủy chạy đôn chạy đáo làng trên, xóm dưới đi làm thuê kiếm tiền lo cho hai chị em Thao chuẩn bị bước vào năm học mới. Kỳ nghỉ hè năm nay, Thao gần như rửa bát thuê cả ngày ở quán cơm phở, để tích cóp tiền phụ giúp mẹ lo toan chi tiêu trong gia đình.

Bà Thủy cho biết: “Dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố gắng dành dụm tiền để lo cho chị em Thao đến trường học chữ, với mong muốn sau này kiếm được việc làm, có thu nhập ổn định, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Suốt cuộc đời bố mẹ đã trải qua cái đói, cái nghèo, giờ để tụi nhỏ lại khổ như mình thì tội nó lắm. Thao lên lớp 10, đi từ nhà đến trường hơn 3km, nên tôi đang dành dụm tiền mua cho em nó chiếc xe đạp”.

Nghe mẹ nói sẽ mua cho chiếc xe đạp để bước vào lớp 10, Thao vui lắm. Thao cho biết việc học hành phía trước của em còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng em sẽ quyết tâm vượt qua, khi bên cạnh em còn có mẹ tảo tần, vất vả lo toan cho em, có sự quan tâm của thầy cô giáo và sự chia sẻ của cộng đồng, xã hội.

Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học này sẽ nhận được một suất học bổng “Đèn đom đóm” trị giá 3 triệu đồng/suất để phần nào chia sẻ khó khăn với các em. Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức. 
HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên