23/07/2017 11:46 GMT+7

Dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn: nỗi lo của biển và người

ĐÔNG HÀ - 
ĐỨC TRONG
ĐÔNG HÀ - 
ĐỨC TRONG

TTO - Câu chuyện được bàn tán nhiều nhất hiện nay sau những chuyến biển vất vả của ngư dân Vĩnh Tân là việc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn nạo vét xuống biển Hòn Cau.

Đặt khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường trước công trình nhiệt điện Vĩnh Tân - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đặt khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường trước công trình nhiệt điện Vĩnh Tân - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Các doanh nghiệp nuôi tôm đang thấp thỏm lo âu về chất lượng nguồn nước ở vùng biển này. Họ khẳng định chắc chắn việc nuôi tôm sẽ bị ảnh hưởng.

Không được tham vấn

Là người gắn bó, có mặt từ ngày “khai hoang” ở vùng tôm giống, ông Phan Tuấn Cự (phó chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận) cho hay không chỉ ông mà toàn thể các doanh nghiệp trong hiệp hội không hề được thông tin về vụ nạo vét và nhận chìm khối lượng bùn nạo vét.

Theo ông, hiệp hội chỉ hay biết khi xem trên báo, đài và đã gửi kiến nghị nhiều nội dung đến các cơ quan, ban ngành địa phương.

Ngư dân Hà Đức Sỹ cho biết chỉ nghe người ta bàn tán chứ Nhà nước chưa ai xuống hỏi gì bà con ngư dân. “Người ta tự bàn tán với nhau và tự lo lắng cho hậu quả của việc này” - anh Sỹ nói.

Trong khi đó chị Tám, một phụ nữ có chồng làm nghề biển, gia đình sống nhờ biển, thì thốt lên: “Không ai nói cho chúng tôi biết hết. Chúng tôi chỉ biết qua báo chí, truyền hình”.

Đáng chú ý, theo những người mưu sinh trực tiếp ở biển Vĩnh Tân, gần đây chất lượng nước ở đây đã khác so với trước.

Cụ thể, ông Châu Ngọc Ha Liêm (quản lý sản xuất) và ông Đặng Văn Chiến (phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam) cho biết thời gian gần đây chất lượng nước lấy từ biển Vĩnh Tân vào nuôi tôm đã xuất hiện lưu huỳnh và độ đục tăng lên.

Ngoài ra, cặn bã lơ lửng cũng tăng theo. Những thứ này sẽ khiến con tôm giống bị còi hoặc chết.

Khi hỏi về việc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ tiến hành nạo vét và nhận chìm bùn nạo vét xuống biển Hòn Cau có ảnh hưởng đến sản xuất tôm giống không, ông Chiến cho biết chắc chắn việc này khiến độ đục, các chất cặn bã tăng cao hơn và bùn lơ lửng sau nạo vét sẽ phát tán ra nhiều nơi ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng biển bị nạo vét.

Một số người nuôi tôm khác lo ngại việc xả nước làm mát trong nhà máy nhiệt điện ra biển sẽ làm độ mặn giảm và xỉ than tại các nhà máy không bao giờ lọc hết được sẽ phát tán ra môi trường.

Dấu hiệu ô nhiễm

Nhiều ngư dân ở xóm 7 cho rằng nước làm mát từ nhà máy nhiệt điện chảy ra rất nóng. Lưới kéo lên còn dính cả than đen. “Nước nóng lắm. Đụng xuống như đụng vô nước sôi” - anh Hà Đức Sỹ mô tả.

Ông Bùi Văn Tịch, giám đốc điều hành Công ty cổ phần thủy sản Việt - Úc, cho biết việc nạo vét sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nghề nuôi tôm giống.

Ông Tịch lý giải mặc dù chỉ là nạo vét đáy biển, nhưng sẽ làm mất bề mặt sinh thái ổn định tự nhiên lâu nay của biển và tác động rất lớn đến chất lượng nước biển để nuôi tôm. Ông Tịch còn khẳng định việc nạo vét không được tham vấn ý kiến doanh nghiệp của ông.

Trước thực tế đang diễn ra, nhiều doanh nghiệp nuôi tôm lên phương án dự phòng như dùng tàu ra ngoài khơi xa hơn để lấy nước, chủ động đầu tư thêm các thiết bị, máy lọc nước và quá trình lấy nước tiến hành kỹ lưỡng hơn trước đây.

Vừa qua ở Vĩnh Tân, gần khu vực nhà máy nhiệt điện có hiện tượng cây trồng bị chết héo, rễ bị hư thối. Theo báo Bình Thuận, kết quả phân tích sau đó của các cơ quan chức năng tỉnh này cho thấy hàm lượng clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân vượt từ 1,2-1,8 lần.

Dù chưa thể xác định được nguyên nhân cây chết nhưng Sở Tài nguyên và môi trường và UBND huyện Tuy Phong đã khuyến cáo người dân tạm thời không nên sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống.

Nỗi lo hiện hữu

Ông Phan Tuấn Cự cho rằng việc xây dựng trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân cũng vì lợi ích ngành điện nhưng không vì thế mà xem nhẹ những lợi ích của ngành nghề khác.

“Vì trước khi có các nhà máy nhiệt điện, chính nghề nuôi tôm giống đã vực dậy sinh khí cho vùng đất này và mang lại nhiều nguồn thu cho địa phương” - ông Cự khẳng định.

Chúng tôi hỏi các ngư dân Vĩnh Tân nếu việc nạo vét, đổ bùn được thực hiện và có ảnh hưởng đến nghề cá thì liệu họ có đổi nghề không, ngư dân Hà Đức Sỹ lập tức trả lời: “Tới đâu hay tới đó chứ biết làm sao bây giờ. Hiện tại chúng tôi làm nghề biển thì chỉ biết làm nghề biển”.

Từ năm 2012, khi mới có cụm nhiệt điện Vĩnh Tân, đại diện hiệp hội tôm đã bày tỏ ý kiến lo ngại tại các hội nghị của ngành nông nghiệp. Còn bây giờ các doanh nghiệp nuôi tôm càng lo lắng hơn đến sự an nguy kinh tế của họ một khi cả triệu mét khối bùn nạo vét được nhận chìm xuống biển, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước nuôi tôm.

Ông Cự bày tỏ âu lo: “Tôi đề nghị Nhà nước phải tính toán cho kỹ tác hại của chuyện này”.

Hiệp hội Nuôi tôm giống còn cho rằng trước khi Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 thực hiện nạo vét và nhận chìm, phải có phương án bồi thường cho ngành nuôi tôm ở đây.

“Vì khi xảy ra sự cố thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường và bồi thường như thế nào rất khó. Hiện các trang trại tôm nơi đây đang đổ tiền tỉ và mồ hôi nước mắt của họ cho những con tôm giống. Nếu thiệt hại họ sẽ sống ra sao?” - ông Cự nói.

Đề nghị giám sát đặc biệt Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đặt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận và được quy hoạch năm nhà máy gồm Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Trong đó, Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2014. Các nhà máy còn lại đang xây dựng và lên phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng. Dự kiến đến năm 2022 nhà máy nhiệt điện cuối cùng là Vĩnh Tân 3 sẽ đi vào hoạt động.

Bên cạnh cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân là bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân với diện tích 141,42ha. Trong đó, diện tích lấn biển là 51,52ha.

HĐND Bình Thuận dự báo đến lúc cả năm nhà máy cùng đi vào hoạt động, nguy cơ tiềm ẩn về môi trường tại khu vực này rất lớn vì đây là các nhà máy nhiệt điện than. Tổng lượng tro xỉ phát sinh của năm nhà máy khoảng 3,3 triệu tấn/năm và lượng nước xả ra biển khoảng 28,3 triệu m3/ngày.

Cùng với tác động do nhận chìm vật liệu sau nạo vét xuống biển, khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, HĐND Bình Thuận kiến nghị Bộ TN&MT sớm đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt.

_________

(Còn tiếp)

Xem các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Sống nhờ mẹ biển

>> Kỳ 2: Vùng biển của tôm giống

ĐÔNG HÀ - 
ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên