22/12/2010 03:02 GMT+7

Dọn đường cho đờn ca tài tử

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử” (ÐCTT) vừa diễn ra ngày 21-12 tại Bảo tàng TP.HCM.

z9yJRIkd.jpgPhóng to
Tài tử ca Minh Đức ngẫu hứng bản Tây Thi cùng các nhạc sư tại buổi tọa đàm - Ảnh: T.T.D.

Hẳn lâu lắm rồi các vị tâm huyết dành cả cuộc đời của mình cho nghiên cứu và hoạt động nghệ thuật dân gian, văn hóa dân tộc mới có dịp tề tựu, gặp gỡ, trao đổi và đờn hát đầy ngẫu hứng nhưng cũng rất nghiêm túc như trong buổi tọa đàm.

GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Trần Quang Hải và các GS, PGS, tiến sĩ đang làm việc tại Nhạc viện TP.HCM, Ðại học Sân khấu và điện ảnh, Ðại học Văn hóa, Trường cao đẳng VHNT, các nhạc sư, nghệ nhân dân gian... đã có những tham luận nêu lên gần như trọn vẹn các vấn đề của nghệ thuật ÐCTT với quyết tâm “bảo tồn và phát huy ÐCTT trước khi quá muộn”.

Bảo tồn, có nhiều cách, nhiều bước, nhiều hình thức để bảo tồn. Và một trong những cách thức mà Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đang tiến hành là lập hồ sơ quốc gia ÐCTT đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ðể phục vụ việc “lập hồ sơ” này, từ đây đến tháng 3-2011 (thời hạn để Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đệ trình hồ sơ cho UNESCO) sẽ còn không ít buổi tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt văn nghệ... nữa về ÐCTT diễn ra khắp 21 tỉnh thành.

Với tính độc nhất (kết hợp tài tình giữa hai yếu tố dân gian và bác học, thể hiện sự phóng khoáng, hiếu khách, thân thiện, chân thành và nghĩa khí của người dân Nam bộ), ÐCTT có nhiều hi vọng được công nhận và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Nhất là khi GS.TS Trần Văn Khê - thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc (UNESCO) - tiết lộ: từ năm 1963, UNESCO đã mời ông và nghệ nhân dân gian Bạch Huệ ghi âm một đĩa nhạc gồm 11 bài theo thể loại ÐCTT với nhan đề Viet Nam traditions of the South và phát hành dưới thương hiệu Tuyển tập UNESCO (UNESCO Collection).

Một đĩa tương tự đã được thực hiện vào năm 1972 với phần trình tấu của GS.TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Ngoài ra, Cocora Radio France - một cơ quan truyền thông của Pháp - đã mời ông cùng ông Vĩnh Bảo (năm 1972) và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (năm 1994) ghi âm hai đĩa ÐCTT khác và cả hai đĩa này đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất nước Pháp, được nhận giải Phê bình âm nhạc... vào năm phát hành.

Bấy nhiêu cũng đủ để thấy “người ngoài” đã để mắt đến ÐCTT từ lâu. Còn hiện tại, ÐCTT vẫn là loại hình nghệ thuật dân tộc của VN được nhiều du khách nước ngoài chọn khám phá, thưởng thức khi đến VN. Tuy được khán thính giả nước ngoài đánh giá cao nhưng đời sống ÐCTT trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn với những bất cập trong việc giữ gìn, phát huy nhạc tài tử ở vùng Nam bộ. Ðến mức tài tử ca Minh Ðức - người được coi là một giọng ca trẻ của ÐCTT hiện tại - bộc bạch lắm khi anh thấy chạnh lòng, lạc lõng và tự hỏi mình có “tửng” không khi cứ mãi đeo đuổi ÐCTT.

Sẽ vô cùng hạnh phúc khi ÐCTT trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng làm sao để di sản đó đừng “bị coi như đồ trang trí, khi có lễ lạt thì đem ra trưng bày, hết thì đem vô cất” (theo lời nhạc sĩ Tấn Nhì) là một quãng đường rất dài và gian khó hơn nhiều mà những người tâm huyết sẽ phải tiếp tục “dọn đường” cho ÐCTT.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên