15/05/2012 09:02 GMT+7

Đôi bờ rạch Cái Đôi

TẤN ĐỨC-TƯỜNG MY
TẤN ĐỨC-TƯỜNG MY

TT - Rạch Cái Đôi (P.4, thị xã Sa Đéc) nối sông Tiền với sông Sa Đéc, đồng thời cũng là ranh giới hành chính giữa phường 4 với xã An Hiệp, H.Châu Thành, Đồng Tháp.

Kỳ 1: Cha, con và nỗi đau đất lở Kỳ 2: Một đời người, ba đời cồn Kỳ 3: Thiếu quê hương

tt4HmYyR.jpgPhóng to

Bên căn nhà còn sót lại sau trận lở lớn trong mùa lũ năm ngoái, ông Năm Trường (phải) vẫn chưa hết ngỡ ngàng - Ảnh: Tấn Đức

Ban đầu rạch chỉ rộng chừng 20m, vào năm 1992 được đào nới ra, rồi dưới áp lực dòng chảy đã bị lở rộng ra hàng trăm mét. Cư dân hai bên bờ con rạch nằm giữa xứ cồn này đang có những tâm trạng khác nhau...

Tiếc nuối

Trong khoảng 60 năm (1948-2012), cồn Tân Hưng (nằm giữa sông Sa Đéc và sông Tiền) về sau đổi thành P.4- đã mất khoảng 1.100ha đất do sạt lở. Nhắc lại chuyện làng xưa giờ đã thành sông, ông Nguyễn Hữu Lộc (Năm Lộc, 77 tuổi), ở khóm 1, P.4, thị xã Sa Đéc, trầm ngâm: “Mỗi khi nhớ tới làng Tân Hưng xưa, vùng đất có lịch sử phát triển hàng trăm năm, từng tồn tại nhiều công trình văn hóa-xã hội có ý nghĩa, người dân tụi tui cảm thấy như mất thứ gì quý lắm”.

Sinh trưởng ở Tân Hưng, có thời gian hơn 30 năm làm thầy giáo tại địa phương nên ông Năm Lộc được nhiều người coi là pho sử sống của làng. Những câu chuyện kể của ông về Tân Hưng luôn bắt đầu bằng hai chữ “hồi đó” trong niềm tiếc nuối: hồi đó Tân Hưng có “Nhà thương Sa Đéc” xây cất từ năm 1905 là một trong những nhà thương xưa nhất của Nam bộ. Hồi đó ở tuốt trên đầu cồn có “xóm chiếu” chuyên dệt bằng lác trắng rất độc đáo, sản phẩm bán khắp nơi, nổi tiếng không thua gì chiếu Cà Mau. Ngoài ra làng còn có nhiều xóm nghề khác như xóm chài, xóm lá, xóm bún, xóm chợ. Hằng năm vào ngày cúng đình 10 đến 11-5 (âm lịch) dân các nơi tựu về rất đông... Ông Năm Lộc bảo cứ tiếc hùi hụi vì người ta đã không thể lường trước nguy cơ đất cồn sạt lở quá nhanh để tháo dỡ, di dời ngôi đình Tân Hưng to, đẹp nhất nhì trong tỉnh trước khi nó sụp mất xuống sông Tiền vào năm 1978.

Cần có cảnh báo sớm, chính xác địa điểm sạt lở

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, trưởng khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH Cần Thơ, thời gian qua nhiều nơi chưa làm tốt việc giúp dân phòng tránh thiệt hại do sạt lở đất. Có địa phương đưa ra cảnh báo nhưng còn chung chung, chưa chỉ ra cụ thể từng vị trí nguy hiểm, hoặc làm chưa quyết liệt, tới khi xảy ra thiệt hại tính mạng tài sản của dân rồi mới khẩn cấp di dời. “Tôi nghĩ ngay từ bây giờ, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tiến hành khảo sát, đo vẽ chi tiết địa hình đáy sông, bờ sông, qua đó đưa ra cảnh báo cụ thể, chi tiết từng địa điểm nguy hiểm cho người dân biết để phòng tránh. Với trình độ khoa học kỹ thuật và điều kiện kinh tế hiện nay, chúng ta không khó để làm việc này”-tiến sĩ Chiếm nói.

Ông Phạm Hoàng Oanh (63 tuổi), chủ tịch Hội người cao tuổi phường 4, cũng là một người yêu xứ cồn Tân Hưng hiếm có khi dành thời gian tìm hiểu và ghi lại những gì liên quan tới cồn Tân Hưng. Theo ông, Tân Hưng buổi đầu là xứ rừng rậm hoang vu nên còn có tên là Tân Lâm, tức là rừng mới. Một bận có khách thương hồ chạy ghe ngang ngẫu hứng chọc dân sở tại: “Tân Lâm lâm lụy lắm ai ơi”. Nghe vậy người Tân Lâm “sợ xui” mới kêu trại ra là Tân Hưng, hàm ý mong vùng đất mới sẽ nhanh chóng hưng thịnh, giàu có. Nhưng rốt cuộc Tân Hưng cũng không thoát khỏi tiêu vong do sạt lở!”- ông Oanh kể.

Dòng sông Tiền bao đời vẫn cuộn chảy, chở theo bao tiếc nuối của những người dân về một vùng đất trù phú đã mất. Nhưng ở một góc khác, nhiều người vẫn không khỏi âu lo trước họa sạt lở đang tái diễn.

An Thuận bất an

Đã hơn nửa năm trôi qua nhưng ông Năm Trường (Võ Văn Trường, 70 tuổi) ở ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Đồng Tháp vẫn nhớ như in vụ sạt lở đất kinh khủng mà ông chứng kiến: “Tối đó tui đang ngắm nghía căn nhà mới thì nghe tiếng ầm rất lớn. Ngó ra phía sau nhà kịp trông thấy cả khoảng vườn khá rộng, trên đó trồng đủ các loại cây chuối, dừa, mít đang đổ dần xuống sông.

Trong phút chốc đất lở vô tới sát vách nhà, chỉ cách có vài bước chân. Nếu xui rủi thêm một chút nữa thôi, có lẽ vợ chồng già này đã bị đất vùi mất”. Rồi ông dẫn chúng tôi ra mé sông, chỉ “chứng tích” là dãy móng băng căn nhà, giải thích thêm: “Đó là căn nhà tình thương do xã cất tặng tui, vừa bàn giao đúng một ngày thì xảy ra lở đất. Tui nghèo thật, nhưng nghèo do bị “hà bá” cướp chứ không phải do dở không biết cách làm ăn”.

Ông Năm Trường khoe hồi nhỏ ông ở cồn Tân Hiệp, mé ngoài cồn An Hiệp hiện nay. Cha ông làm thầy thuốc, nhà có hơn 3 mẫu đất (3ha). Khi lấy vợ, ra riêng mấy anh em ông đều được cha chia đất làm ăn, ai cũng cất được nhà, sắm ghe máy. Từ khi cồn Tân Hiệp bị lở, anh em ông Năm Trường chia lìa tứ xứ, chẳng mấy khi gặp lại nhau: ông Hai Cam về Hội Xuân, Tháp Mười, ông Bảy Ánh về khu dân cư gần trung tâm xã, ông Chín Dân qua Lấp Vò... Phần ông Năm về ấp An Thuận lập nghiệp. Mảnh vườn tậu được khi về nơi ở mới cũng tạm đủ cho vợ chồng ông chi tiêu những khoản cần thiết. Rồi sạt lở lan từ Tân Hiệp sang An Hiệp làm ông mất dần nguồn thu, cuối cùng thì có tên trong danh sách hộ nghèo. Địa phương cất tặng ông căn nhà tình thương, ông ở được đúng... một ngày thì đất lở. Mấy tháng sau ông được “đền” căn nhà tình thương thứ hai trong khu dân cư Tứ Phước, gần trung tâm xã. Chỗ ở coi như đã tạm ổn, nhưng những ngày khó khăn đang chực chờ phía trước bởi đất-chiếc cần câu của vợ chồng ông - đã sụp hết xuống sông.

Nông dân thiếu đất sản xuất như trường hợp của ông Năm Trường đang là mối lo chung của nhiều người dân ở ấp An Thuận và cả xã An Hiệp. “Theo ghi nhận, bình quân mỗi năm sạt lở đã lấy mất khoảng 4ha đất của địa phương này. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, trong vài năm tới hơn 130ha vườn cây ăn trái trên địa bàn các ấp bị sạt lở nặng nhất, như An Thuận, An Hòa, An Thạnh có nguy cơ biến mất”-một cán bộ xã cho biết. Theo người này, ngoài yếu tố tự nhiên là nền đất yếu, sông uốn khúc, nguyên nhân khiến cồn An Hiệp sạt lở nhanh hơn còn do con người tác động.

Cụ thể là từ khi mở rộng rạch Cái Đôi (1992), nước từ sông Tiền tràn qua sông Sa Đéc, đạp mạnh hơn vào đầu cồn An Hiệp, tạo ra những hàm ếch và đó có thể là nguyên nhân gây ra vụ sụp lở lớn tại ấp An Thuận vào ngày 23-9 năm ngoái, làm hơn 70 căn nhà phải di dời! Ngoài tình trạng thiếu đất sản xuất, việc bố trí chỗ tái định cư cho các hộ trong vùng sạt lở cũng đang căng thẳng do thiếu mặt bằng. Hiện tại có 50 hộ cần di dời đến nơi an toàn nhưng chưa tìm được chỗ. “Ấp An Thuận đang vô cùng bất an vì sạt lở. Các công trình chống sạt lở đã khởi công mấy năm trước nhưng tiến độ chậm quá, trong khi đất đai cứ teo tóp dần” - ông Võ Văn Hải, phó bí thư Đảng ủy xã An Hiệp, nói.

______________

Xuôi về hạ lưu, nơi dòng Cửu Long hòa vào biển cả, tình trạng xói lở cũng khiến không ít gia đình lao đao. Thế nhưng có người đã dám cưỡng lại tự nhiên để thay đổi số phận cho mình.

Kỳ tới: Hồi sinh từ vùng “đất chết”

TẤN ĐỨC-TƯỜNG MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên