28/02/2009 04:01 GMT+7

Đọc thơ trên quê hương đại thi hào Tagore

MAI HỮU PHƯỚC
MAI HỮU PHƯỚC

AT - Hành trình trên đất kháchChúng tôi rời Việt Nam vào những ngày giáp Tết Kỷ Sửu 2009. TP.HCM đang trong những ngày cuối cùng của năm âm lịch. Không khí chuẩn bị mừng xuân rộn ràng, hối hả và tràn ngập muôn nơi.

EfykNfwX.jpgPhóng to

Trên diễn đàn liên hoan thơ quốc tế

Vì Đà Nẵng không có tuyến đi sang Ấn Độ nên tôi và nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm (cả hai được Liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng cử đi theo lời mời từ ban tổ chức Festival thơ quốc tế, thông qua Ủy ban đoàn kết Ấn - Việt) đã phải vào TP.HCM trước hai hôm, một phần để chơi với các bạn văn nghệ, phần khác để gặp những người cùng có mặt ở Kolkata, Ấn Độ tham dự sự kiện giao lưu văn học lớn này.

Hai nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam cử đi gồm các anh Trần Hữu Dũng và Nguyễn Trọng Tín, bay Hãng hàng không Thai Airway khởi hành trước chúng tôi 5 phút. Chúng tôi bay bằng VN Airlines.

Các bạn Ấn Độ thật chu đáo. Ông Geetesh Sharma, chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn - Việt, và một chàng trai (sau này là liên lạc của nhóm chúng tôi, tên Arvind) đứng đợi với những vòng hoa trong tay. Thật cảm động. Chúng tôi được đưa về ở tạm tại nhà khách Assam House, số 8, phố Russel. Vì lo chúng tôi đói nên trái cây, bánh ngọt và nước uống đã được chuẩn bị sẵn. Ở tạm tại đây hai đêm, chúng tôi được chuyển sang một khách sạn sang trọng hơn khi ban tổ chức Festival thơ chính thức đón khách về tham dự.

Trung tâm Rabindranath Tagore

Festival thơ quốc tế chính thức diễn ra trong ba ngày, từ 24 đến 26-1-2009. Ngày đầu tiên khai mạc lúc 16g và làm việc đến 20g. Hai ngày còn lại thời gian làm việc từ 10g-20g. Tại thành phố Kolkata các công sở chỉ bắt đầu làm việc lúc 10g, mặc dù 6g trời đã bắt đầu sáng.

Để vào được Trung tâm Rabindranath Tagore, chúng tôi phải qua một chốt gác cảnh sát và được săm soi kỹ lưỡng.

Sau bài hát theo lối dân ca Ấn do một nữ nghệ sĩ tự đệm đàn cổ và hát, là lời phát biểu chào mừng ngắn gọn của trưởng ban tổ chức festival, giáo sư Ashis Sanyal, và lời phát biểu khai mạc của tiến sĩ Karan Shin, chủ tịch Hội đồng Ấn Độ về các mối quan hệ văn hóa (ICCR). Lời phát biểu của các đại biểu khác cũng rất ngắn gọn, kể cả ông đại sứ nước Ý là cơ quan tài trợ chính cho sự kiện này. Dường như tất cả muốn dành thời gian cho việc đọc thơ. Cứ khoảng mỗi giờ là có một đoàn 10-12 nhà thơ lên sân khấu với một người giới thiệu chương trình riêng (gọi là compere).

Người giới thiệu chương trình gọi tên các nhà thơ lên bàn cử tọa, rồi giới thiệu từng người đọc thơ. Họ không nói dông dài về tác giả hoặc tác phẩm. Các nhà thơ cũng không nói thêm về mình hoặc bài thơ ngoài việc lên là đọc. Ấn Độ là một nước đa ngôn ngữ, đa dân tộc nên các nhà thơ đến từ bang nào thì đọc ngôn ngữ chính của bang đó và đọc bản dịch ra tiếng Anh. Hầu hết họ đều dùng song song và thành thạo tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Các nhà thơ là khách mời quốc tế được "biên chế" lần lượt vào các nhóm để lên đọc thơ. Thấy có sự hiện diện của các nhà thơ Ý, Iceland, Bangladesh, Bungari và các nhà thơ gốc Ấn về từ các nước Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức... Một số đoàn như Úc, Nepal, Serbia vì trục trặc gì đó giờ chót không đến đựơc.

Đoàn Việt Nam được mời cử đại diện tham gia đọc trong tốp đầu tiên. Người ta đọc thơ say sưa và hồn nhiên. Có một số ngâm nga kiểu như mình ngâm thơ. Không thấy có sử dụng một loại nhạc cụ nào trong quá trình đọc hay ngâm. Có người đọc bài thơ dài, nhưng cũng có những người đọc rất ngắn, phần lớn mỗi tác giả chỉ đọc một bài. Trong quá trình diễn ra festival thơ ai đọc cứ đọc, ai vào ra cứ vào ra, nhưng rất yên lặng và tôn trọng. Không thấy có sự hô hào hoặc la ó. Đôi khi vang lên vài lời tán dương từ bên dưới.

Tôi có cảm tưởng rằng đối với các nhà thơ Ấn Độ, được đứng trong hội trường Trung tâm Rabindranath Tagore đọc thơ là cả niềm vinh dự, sung sướng và tự hào dù có người nghe nhiều hay ít, hiểu hay không cũng không quan trọng. Điều này có lẽ đối với các nhà thơ quốc tế cũng vậy. Có khoảng 300 nhà thơ đã tham gia đọc. Festival cũng dành thời gian trao đổi những vấn đề liên quan trong việc dịch thơ sang tiếng Anh. Các nhà thơ tranh thủ làm quen với nhau, xin địa chỉ email và tặng thơ. May mà chúng tôi đã "tự sản xuất" vài chục tập thơ song ngữ Anh-Việt và hàng trăm tờ rơi khác mang theo. Inra Jaka (con của nhà thơ Inrasara) đang học bên đó cũng làm cuộc hành trình dài hai đêm một ngày bằng tàu hỏa để về góp mặt.

Sau festival thơ, đoàn Việt Nam còn tham gia hội chợ sách quốc tế và được mời đọc thơ tại đó một lần nữa. Một nữ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi là Phan Thanh Thủy (bút danh Hàm Anh, từng học ở Trường viết văn Gorky) cũng bay đến tham dự...

Festival thơ quốc tế lần thứ ba tại

Kolkata, Ấn Độ khép lại với những dư vị ngọt ngào, thấm đượm tình hữu nghị giữa các dân tộc. Thơ ca đã thực hiện quyền năng mang con người đến gần với nhau hơn cho dù bạn thuộc bất cứ màu da nào, bất cứ dân tộc nào và ở bất kỳ nơi đâu.

hE7RcBB6.jpgPhóng to

Áo Trắng số 2 (ra ngày 1-02-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này

MAI HỮU PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên