05/06/2016 08:15 GMT+7

Độc lập chủ quyền dân tộc: Tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình

MAI HƯƠNG ghi
MAI HƯƠNG ghi

TTO - Hội thảo “Hồ Chí Minh - tầm nhìn thời đại” do Thành ủy TP.HCM và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức hôm 3-6 tại TP.HCM.

Lãnh đạo thành phố cùng đoàn viên thanh niên, các em học sinh xem triển lãm “TP.HCM - thành phố anh hùng” trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: Ngọc Loan
Lãnh đạo thành phố cùng đoàn viên thanh niên, các em học sinh xem triển lãm “TP.HCM - thành phố anh hùng” trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: Ngọc Loan

Nhiều ý kiến, tham luận tại hội thảo đã đi sâu phân tích về quan điểm, tầm nhìn của Bác trong đối ngoại, trong ứng xử với các nước lớn và gìn giữ độc lập chủ quyền mà nhiều năm nhìn lại, đặt trong bối cảnh hiện nay vẫn sáng ngời giá trị dẫn lối soi đường.

Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến ta. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy

Chủ tịch HỒ CHÍ MINH

Có mạnh người ta mới nể

Ông Phạm Ngọc Hòa, Học viện Chính trị quốc gia khu vực IV, nhắc lại câu nói thể hiện quan điểm xuyên suốt về đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến ta. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”.

Do đó, Bác từng nhấn mạnh cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh.

Cùng tâm đắc về vấn đề này, tham luận của thạc sĩ Đinh Ngọc Quý - Vũ Thị Duyên (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề cập đến chuyện Bác từng dặn mỗi dân tộc phải tự xây dựng lực lượng nội tại để tạo ra thế và lực mới. Chỉ có vậy thì trong hợp tác quốc tế mới giữ vững độc lập tự chủ và sáng suốt trong hoạt động quốc tế để phân biệt rõ đâu là bạn, đâu là thù.

Tiến sĩ Trần Thị Minh Tuyết (Học viện Báo chí và tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích: Khi cách mạng thành công, Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để duy trì sự độc lập về đường lối.

Người từng nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Là nguyên thủ của một quốc gia nhỏ, Bác gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện được nguyên tắc này vì các nước luôn thể hiện sức ép với mức độ khác nhau.

Nhà sử học Mỹ Wiliam Duiker đánh giá Hồ Chí Minh rất giỏi trong cân bằng quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh, lúc nào Người cũng nhất quán với chủ trương không “nhất biên đảo” (không ngả hẳn về một bên).

Trở lại câu chuyện về xử lý mối quan hệ Việt - Trung trong tình hình hiện nay, tác giả Hoàng Hải Hà - Nguyễn Duy Thái (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng suốt chiều dài quan hệ, Trung Quốc luôn ứng xử với ta theo tinh thần của nước lớn.

Vì vậy ứng xử với quốc gia láng giềng này, đặc biệt với những hành động xâm lấn ngang ngược trên Biển Đông hiện nay của họ, đòi hỏi sự mềm dẻo, linh hoạt, vận dụng sáng tạo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác Hồ, trong đó phải giữ vững nguyên tắc vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đảm bảo mục đích bất di bất dịch của ta là hòa bình, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Biển là cửa của ngôi nhà

Thạc sĩ Phạm Văn Quang - Trường Chính trị Kiên Giang - cho rằng trong tâm thức của Bác, biển đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh, trong đấu tranh và phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

Bằng chứng là ngày 10-4-1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bằng là nhà mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải dạy cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển, vì bọn địch thường thả mật thám, gián điệp vào tìm chỗ ẩn nấp ở miền biển để phá phách. Nếu để nó lọt vào thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển”.

Bác còn nhấn mạnh: “Nếu mình không lo bảo vệ miền biển thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.

Đi sâu vào phân tích, Bác Hồ nói biển nước ta ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có nhiều cuộc chiến tranh kẻ thù sử dụng đường biển để tiến công xâm lược nước ta. Vì vậy muốn giữ nước trước hết phải giữ biển.

Biển, đảo, thềm lục địa là phên giậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn để bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1961, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Quân chủng hải quân, Bác căn dặn: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí, trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”.

Theo thạc sĩ Phạm Văn Quang, Bác luôn quan tâm, chăm lo đời sống và cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân và chiến sĩ hải quân, khơi dậy tinh thần gìn giữ biển đảo như gìn giữ chính nhà mình. Người còn vạch hướng xây dựng các đảo của Tổ quốc thành những mảnh đất giàu mạnh.

Khi đến thăm làng cá Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) vào ngày 31-3-1959, nói chuyện với ngư dân, Bác khuyên: “Ngư dân phải khỏe mạnh hơn nữa mới đi được biển. Nghề cá ở đảo rồi đây phải đưa máy móc vào. Đảng và Chính phủ sẽ giúp bà con sắm thuyền lưới tốt hơn để phát triển sản xuất”.

Khi về thăm tỉnh Quảng Bình, Bác dặn: “Nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém gì nghề ruộng”.

Ông Phạm Văn Quang đúc kết: “Vươn ra biển, đi lên từ biển, làm giàu từ biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là tư duy chiến lược và tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mong ước xây dựng nước Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển”.

* Chị Kiều Mỹ Lan (giáo viên):

Tuổi trẻ phải thấm nhuần lời Bác

Bác Hồ từng có tư tưởng rất độc lập về đường lối đối ngoại, rằng phải giữ nước bằng sức mạnh nội tại của dân tộc, không lệ thuộc vào sự cầu viện của bất cứ thế lực nào. Tôi cho rằng đây là cách suy nghĩ rất đúng đắn và đúng trong mọi thực tế. Không một dân tộc nào có thể giành được độc lập, tự do mà trông cậy hoàn toàn vào thế lực khác.

Tôi nghĩ những người trẻ như chúng tôi phải hiểu, phải thấm nhuần điều đó và phải là lực lượng nòng cốt trong việc tạo nên sức mạnh nội tại, khẳng định sức mạnh nội lực và tạo nên những giá trị mới phù hợp hơn với tình hình phát triển của xã hội hiện tại.

Chủ quyền và hòa bình của dân tộc rất thiêng liêng và nhân dân mỗi quốc gia đều hiểu được điều đó khi họ phải trải qua những ngày tháng đầy thử thách, mà cái giá họ phải trả không chỉ là máu và nước mắt. Lịch sử đã minh chứng điều đó.

* Chị Lê Thị Ngọc Hà (Q.Thủ Đức):

Tương lai Việt Nam phải định đoạt bởi người Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đã và đang trên đà phát triển nhưng nếu muốn tiến xa hơn nữa vẫn phải dựa vào sức mạnh nội tại. Nội lực có mạnh mới chống lại được các thế lực thù địch, diễn biến hòa bình cả trên đất liền lẫn trên biển. Khi ta yếu thế, các nước khác không chỉ xem thường, coi nước ta là công cụ mà nền độc lập tự do của dân tộc cũng bị đe dọa.

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh: “Tương lai của Việt Nam phải dựa vào chính người Việt Nam”, tôi cho rằng câu nói này cũng có ý nghĩa như tư tưởng Bác đã đặt ra mấy mươi năm trước.

Vì lẽ đó, Việt Nam càng phải phát huy sức mạnh nội tại của chính mình trên tất cả phương diện, khắc phục những khó khăn, hạn chế để tạo ra thế và lực bảo vệ vững chắc đất nước mình. Có như vậy mới có thể vừa bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, vừa phát triển, vươn ra thế giới.

TRẦN KIM ANH ghi

MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên