24/06/2017 11:55 GMT+7

Doanh nghiệp đã chú tâm 'đặt hàng' nhà trường chưa?

KHANG NGUYỄN
KHANG NGUYỄN

TTO - Các chuyên gia kinh tế, doanh nhân và nhà giáo dục đã tranh luận về vấn đề làm sao để tìm được điểm chung giữa yêu cầu công việc của doanh nghiệp với chất lượng đào tạo của nhà trường.

Các diễn giả tại talk show Chiến lược cho thế hệ kế thừa - Ảnh: T.G.

Cuộc tọa đàm vừa diễn ra trong lễ phát động Top 100 Phong cách doanh nhân - Leader Talk 2017 với chủ đề “Chiến lược cho thế hệ kế thừa”.

Một chuyên gia đặt câu hỏi: nhiều doanh nghiệp Việt Nam cứ “than thở” vì phải đào tạo lại sinh viên sau khi ra trường nhưng chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn “đặt hàng” nhà trường về kiến thức và kỹ năng mà sinh viên cần có?

PGS.TS Thái Bá Cần - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (thuộc hệ thống giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng) - cho rằng vấn đề nhân sự của doanh nghiệp là một bài toán, đòi hỏi có sự chung tay giải quyết của cả nhà trường và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thiếu nhân sự nhưng sinh viên thất nghiệp nhiều

Ông Nguyễn Hoài Nam - tổng giám đốc Tập đoàn Beraja Việt Nam, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Hương - cho rằng: “Các doanh nghiệp hay nói là trường đại học cung cấp sinh viên không đáp ứng nhu cầu công việc và họ phải đào tạo lại, nhưng doanh nghiệp quên rằng họ chưa bao giờ nói cho trường đại học biết là họ cần gì”.

Trong phần giao lưu chia sẻ về “Chiến lược cho thế hệ kế thừa”, bà Nguyễn Thu Hương - tổng giám đốc Tập đoàn Nam Hương - cho biết theo khảo sát mới nhất trong quý 1-2017, có khoảng 200.000 cử nhân ra trường nhưng không có việc làm. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại nói rằng họ quá thiếu nguồn nhân lực có thể đáp ứng được sự phát triển của doanh nghiệp.

Dù đồng tình về việc phần lớn sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp, tuy nhiên các chuyên gia lưu ý cần phân biệt giữa đào tạo lại nhân sự và đào tạo đặc thù. Trường đại học không thể nào dạy cho sinh viên đạt được chi tiết tất cả các ngành nghề mà doanh nghiệp đang kinh doanh được. Việc đào tạo đặc thù công việc là vấn đề không chỉ của doanh nghiệp Việt Nam mà tất cả các doanh nghiệp trên thế giới đều gặp phải.

Đào tạo người sáng tạo

PGS.TS Thái Bá Cần cho rằng hiện nay nhà trường và người học chịu áp lực rất lớn là các doanh nghiệp bao giờ cũng đòi hỏi người thông minh, đòi hỏi người sáng tạo.

Điều này đồng nghĩa là việc đào tạo một sinh viên có kiến thức cao chưa hẳn là mục tiêu số một, thay vào đó là đào tạo ra con người sáng tạo, có năng lực chủ động học tập.

“Đào tạo con người sáng tạo trong đại học là yếu tố quan trọng nhất hiện nay. Sáng tạo là tạo ra những cái mới gắn liền với cuộc sống hằng ngày, có tinh thần khởi nghiệp. Khi nền kinh tế hội nhập, lao động hội nhập thì cái yếu kém của sinh viên mình là tính chủ động hội nhập và khả năng ngoại ngữ” - PGS.TS Thái Bá Cần nhận định.

Chia sẻ thêm về công tác đào tạo sinh viên tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, PGS.TS Thái Bá Cần cho biết khi xây dựng chương trình đào tạo, đơn vị đều mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình này. Vì nhà trường quan niệm rằng chương trình đào tạo đạt chuẩn là những chương trình có sự tham gia của người sử dụng lao động. Hiện tại, có rất nhiều môn học cổ điển, mang tính hàn lâm cao được nhà trường chỉnh sửa để phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.

Giáo viên là “nghệ sĩ” trong giờ dạy

TS Đoàn Huệ Dung - giám đốc điều hành hệ thống Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA - thuộc hệ thống giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng) - cho rằng yêu cầu quan trọng hiện nay là phải đào tạo những con người ham học hỏi, được trang bị đầy đủ những kỹ năng để tự tin hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Đoàn Huệ Dung - giám đốc điều hành SNA - chia sẻ quan điểm giáo dục của SNA tại talk show - Ảnh: T.G.

“Nếu như ở thế hệ chúng ta, việc biết một ngoại ngữ thì đã đủ dùng nhưng ở thế hệ kế thừa, một ngoại ngữ thôi chưa đủ. Ngoài ra, các em phải có kỹ năng nắm bắt và làm chủ công nghệ, kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, kiểm soát cảm xúc” - bà Dung nói.

Bà Dung cũng cho biết hệ thống Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) đào tạo học sinh ngay từ nhỏ nên có thể tác động làm thay đổi cách học, sự trưởng thành cho một thế hệ.

“Điều đó đòi hỏi nhà trường phải tìm được đội ngũ giáo viên chất lượng tốt, thấu hiểu triết lý giáo dục của trường. Giáo viên phải là một “nghệ sĩ” khi giảng dạy, có thể chạm vào tâm hồn của các em chứ không thể dạy theo cách cũ được” - bà Dung nhấn mạnh.

Chương trình lễ phát động Top 100 Phong cách doanh nhân 2017 do tạp chí Phong Cách Doanh Nhân, mạng cộng đồng doanh nhân Bstyle.vn, mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng hệ thống Trường Quốc tế Bắc Mỹ - SNA (một thành viên của Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng) tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
KHANG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên